Sự kiện Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Tập đoàn Melia tổ chức buổi Tọa đàm khoa học "Phát triển giá trị phế tích của Vườn quốc gia Ba Vì" có thể xem là một “Hội nghị Diên Hồng” nhằm mục đích lấy ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà nghiên cứu lịch sử, các chuyên gia bảo tồn, kiến trúc, ngoại giao và nhiều chuyên gia quy hoạch trong và ngoài nước để xây dựng các giải pháp bảo tồn bền vững, đầu tư phát triển tài nguyên thiên nhiên đúng pháp luật, đúng mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, phục vụ quy hoạch kiến trúc lịch sử văn hóa cũ, hiện tại và tương lai cho Thủ đô Hà Nội.
Thống kê chưa đầy đủ có khoảng gần 200 công trình nằm rải rác tại các điểm cao 400m, 600m, 700m, 800m, 1.000m thuộc khu vườn quốc gia có diện tích rộng gần 10,8 nghìn ha. Mỗi một công trình là một câu chuyện vừa kỳ bí lại vừa thú vị, không đơn thuần là câu chuyện lịch sử về một vùng đất vốn đặc biệt nổi tiếng tâm linh.
Tiềm năng vô cùng to lớn và nhiệm vụ vừa phát triển vừa bảo tồn những phế tích Pháp ở Vườn Quốc gia Ba Vì đang nhận được nhiều đóng góp quý báu. Có lẽ chưa bao giờ chuyện Tập đoàn Melia đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của hơn 200 phế tích ở Ba Vì đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực của các chuyên gia đến vậy.
Hơn ai hết chúng tôi đang mong mỏi đánh thức “người đẹp ngủ giữa rừng Ba Vì. Phải đánh thức được tiềm năng của các phế tích Pháp ở Ba Vì bởi nếu cứ để như thế thì tiếc lắm. Chúng tôi luôn nghĩ rằng, những cái gì còn hình hài của lịch sử, chứng tích lịch sử thì phải giữ lại để giáo dục truyền thống còn những cái gì phế tích hẳn thì phải xây dựng lại. Tất nhiên việc xây dựng này phải trên cơ sở tôn trọng quá khứ, hài hòa với thiên nhiên, đảm bảo bảo vệ môi trường sinh thái của vườn quốc gia Ba Vì và có định hướng của các nhà sử học, các nhà khoa học...
Vườn Quốc gia Ba Vì là một tài nguyên quý, hiếm của thiên nhiên dành cho nhân dân thủ đô Hà Nội. Ba Vì không chỉ là khu rừng nguyên sinh bảo vệ khí quyển mà là lá phổi của vùng Hà Nội. Chỉ cách Hà Nội 50-60km, mất 1 giờ di chuyển từ Hà Nội, Vườn Quốc gia Ba Vì mang trong mình nhiều giá trị như giá trị khí hậu (nhiệt độ trung bình quanh năm 23,40C; ở cốt 400 là 200C, cốt 1000 là 160C, cao tuyệt đối 31,10C. Giá trị về cảnh quan với rừng với tầm nhìn về Hà Nội, tầm nhìn về Sông Đà, với các điểm cao. Đỉnh Vua (1296m), Đỉnh Tản Viên (1081m), Đỉnh Ngọc Hoa (1131m), ngoài ra còn đỉnh Viên Nam, đỉnh Hang Hùm, đỉnh Gia Dê …. Cảnh quan của rừng – khe suối, sườn dốc – sông – đồng bằng xen nhau dưới mây và tán rừng …. tạo ra bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Giá trị về văn hóa, lịch sử đặc biệt sự tồn tại của khoảng 200 phế tích của một khu đô thị và nghỉ dưỡng đã được hình thành trên 80 năm. Các công trình văn hóa, tâm linh như Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Vua, Tháp Báo Thiên, Đền Thượng trên đỉnh núi Tản Viên, cùng với các địa danh như Ao Vua, Khoang xanh, K9, Suối Tiên ở chân núi làm cho toàn bộ khu vực này trở thành khu du lịch đa dạng, hấp dẫn cho Thủ đô và vùng Thủ đô.
Ở loạt bài này báo Nông nghiệp Việt Nam đã đề cập, đất nước ta có nhiều Vườn Quốc gia, nhiều khu rừng tương tự Ba Vì như Tam Đảo, Sa Pa, Cát Bà, Pù Mát, Bạch Mã, Bà Nà, Núi Bà, Bù Gia Mập, Phú Quốc, Côn Đảo… Và trong khi những nơi đó đều đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho đồng bào cả nước và quốc tế, thành khu du lịch đẹp, hiệu quả thì quay về Ba Vì, không thể không chạnh lòng đặt câu hỏi: Tại sao cách Hà Nội chỉ 60km, cách Hà Nội có một giờ đi ô tô mà mấy chục năm nay Ba Vì không có nhiều đổi thay để phục vụ nhân dân. Là do chúng ta không có năng lực? Chúng ta không có nhu cầu hay chúng ta không có tài quản lý?
Chúng ta đã phân tích rõ giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên, những tài nguyên ở Vườn Quốc Gia Ba Vì để khẳng định rằng: Cần phải khai phá, thức tỉnh những tài nguyên trong Vườn Quốc gia Ba Vì để phục vụ nhân dân.
Tất nhiên để phát triển được Vườn quốc gia Ba Vì đúng luật pháp, đúng tầm và bền vững cần có 4 yếu tố. Đó là chính sách quản lý, phát triển phù hợp và kịp thời; nhà đầu tư và nhà quản lý khai thác thông minh, có tâm, có tầm, chuyên nghiệp, năng lực và trách nhiệm; kiến trúc sư tâm huyết, có tài năng để có đồ án kiến trúc, cảnh quan tương ứng với quỹ tài nguyên đó (nhà tư vấn kiến trúc); sự đồng thuận, chia sẻ, ủng hội của cộng đồng để phát triển bền vững…
Luật không cấm khai thác tài nguyên rừng và chỉ đòi hỏi sự hợp lý, khoa học trong khai thác để cuối cùng phát triển bền vững rừng Quốc gia. Tuy nhiên Nhà nước cần có chính sách rõ ràng về khai thác tài nguyên tại Vườn Quốc gia Ba Vì, coi việc khai thác hiệu quả chính là bảo vệ, phát triển hiệu quả. Chúng ta có thể tham khảo các mô hình như Khu du lịch Genting của Maylaysia (cách Kuala Lumpuar 56km) ở độ cao 1740m, nhiệt độ từ 15-250C) khi được khai thác và bảo tồn đã đem lại hiệu quả rất cao.
Một phần cái ý tưởng xưa đã may mắn được khôi phục lại tại Melia Ba Vì Moutain Retreat (khi xưa gọi đơn giản là khu biệt thự cao độ 600 hoặc Le Mont Ba Vì). Nói may mắn là bởi sau nhiều năm “Người đẹp ngủ trong rừng“ đã được đánh thức.
Trên căn bản của cấu trúc quy hoạch xưa, các công trình lưu trú và phục vụ được phục dựng lại, như reception, spa và bể bơi ngoài trời, nhà ăn trong và ngoài trời, phòng họp, khách sạn, biệt thự, bungalows…đều có kiểu kiến trúc nhà gỗ nông thôn Việt Nam xưa - hiền lành, thân thiện và ấm áp. Đâu đó, phảng phất nét đẹp cổ điển, truyền thống, trang nhã của “các cụ nhà ta“.
Tuy nhiên, cái giá trị kiến trúc hay nhất mà các công trình này mang lại chính là việc tạo ra một quần thể mà công trình xây dựng đã gần như bị “biến vào” trong rừng cây nhiệt đới rậm rạp. Dường như “chẳng có gì" được xây ở đó.
Các ngôi nhà được Kiến trúc sư nghiên cứu thiết kế cẩn trọng, từng vị trí một, “né“ từng gốc cây, “chọn từng góc nhìn”, nhằm tạo ra những khung hình đẹp nhất cho người lưu trú. Ngôi nhà với các dải hiên rộng, các khung cửa với mênh mang một mầu xanh của cây cối và núi non phía trước, những lối đi chênh vênh, uyển chuyển luồn lách giữa các tán cây, thảm thực vật, âm thanh của chim muông… khiến cho con người như được trở lại với sự “tự do và phóng túng“ mà Tổ Tiên Loài Người hàng nghìn năm trước đã từng được sống.
Không so sánh với sự đặc sắc của Amanoi (Ninh Thuận) hay Six senses (Nha Trang) - trong cách xử lý ở một vài chi tiết, Khu nghỉ dưỡng Melia Ba Vì lại có những nét riêng, độc đáo. Vẫn là những cảnh quan “cỏ cây chen đá, lá chen hoa" nhưng các công trình kiến trúc ở đây như hòa vào khung cảnh đượm chút thần tiên với những dải mây bay vắt ngang sườn núi trong sương mù mờ ảo hay những tia nắng chiếu dọi qua các mảng xanh đặc trưng của khu rừng nhiệt đới … để tạo ra một khung cảnh hiếm có ở các khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam.
Chỉ trong vài năm hoạt động, khu Nghỉ dưỡng Melia không chỉ bảo vệ rừng quốc gia Ba Vì một cách hoàn hảo mà còn gìn giữ được không gian “văn hóa Đông Dương" từng manh nha hình thành cách nay hơn 90 năm và hơn cả, nó tạo cho người dân Thủ Đô có điều kiện tiếp cận với một không gian văn hóa và nghỉ dưỡng giải trí rất sang trọng.
Với nhà đầu tư có tâm, có tầm nhìn; Người tư vấn thiết kế sắc xảo, tinh tế và Nhà quản lý chuyên nghiệp, rõ ràng Khu nghỉ dưỡng Melia Ba Vì Mountain Retreat đã biến thành một trong những địa chỉ nghỉ dưỡng hấp dẫn và có đẳng cấp của Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những trăn trở cần được chia sẻ về những cách tiếp cận/ứng xử với các phế tích tại Ba Vi trong những bước bước tiếp theo.
Trên thế giới, rất nhiều Vườn Quốc gia hoặc khu bảo tồn văn hóa được sử dụng như một nguồn lực quan trọng cho việc bảo tồn chính các di tích- di sản ấy. Đó là điều mà Bagan (Mianmar), Ăng co (Campuchia), Ephesus (Thổ Nhĩ Kỳ), Pilanesberg (Nam Phi)… đã làm. Bên cạnh vườn quốc gia Pilanesberg, người ta đã xây cả một tổ hợp khách sạn- giải trí- Sun City, 2 sân Golf phục vụ cho khách thăm viếng vườn quốc gia vào loại nổi tiếng nhất thế giới này …
Khu Nghỉ dưỡng Melia Ba Vì không phải là một khu nghỉ dưỡng quá lớn so với các khu nghỉ dưỡng trên thế giới, thậm chí ở Việt Nam. Nhưng những vấn đề mà nó vấp phải trong quá trình xây dựng lại không hề nhỏ: chúng ta đôi khi đã bỏ lỡ những cơ hội để chủ trương bảo tồn gắn với phát triển, mà theo đó đem lại những giá trị đích thực của di sản trong đời sống đương đại, mang lại cho cộng đồng những không gian văn hóa nghỉ dưỡng nhân văn, xứng tầm... Đừng chỉ vì những điều đôi khi rất nhỏ, như quả táo có hai mầu xanh đỏ của Bà Hoàng Hậu đã bắt nàng công chúa phải ngủ im trong rừng trong suốt nhiều năm.
Để biến phế tích thành giá trị phục vụ cho đời sống ngày hôm nay, chúng ta cần phải hiểu cái gốc, cái cốt lõi của khu vực núi Ba Vì là rừng nguyên sinh. Những khu rừng nguyên sinh quý giá như thế này không còn nhiều ở Việt Nam và thế giới. Rừng quốc gia Ba Vì còn có vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá và tâm linh của người Việt, vì vậy muốn phát triển, ta phải luôn đề cao giá trị của rừng, lấy rừng nguyên sinh làm gốc. Khu của chúng ta đang làm, đã đi đúng theo hướng là bảo vệ rừng nguyên sinh đó. Tất cả các công trình đều không động chạm và làm ảnh hưởng một chút gì vào khu rừng nguyên sinh. Chúng ta đã phát triển, khai quang, phát sáng, đem giá trị của nó phục vụ cho đời sống hiện tại.
Thật vui khi nhìn thấy những nền móng phế tích cũ được nâng niu, trân trọng, được hồi sinh trong một không gian rất thơ mộng tại Melia Ba Vì. Điểm cao 600 vốn được coi là đặc khu quân sự của Pháp, giờ thật đẹp. Khu nghỉ dưỡng nằm trọn trong khu nghỉ mát quân sự của Pháp 80 năm trước. Những công trình mới của khu nghỉ dưỡng được đặt trên chính nền của những biệt thự nghỉ dưỡng của Pháp trước đây. Rừng nguyên sinh được giữ nguyên vẹn và được chăm chút hàng ngày. Không gian được điểm tô thêm những đường cây, đường hoa,.. Rừng nguyên sinh đã được tô điểm để khai thác tiềm năng phục vụ lại con người. Chỉ khi được đầu tư và phát triển đúng, thì chúng ta mới giữ được rừng, và bảo tồn được văn hoá.
Tất cả những công trình hiện nay dù chỉ còn là phế tích, nhưng ta cũng có thể hình dung được những công trình mọc lên của người Pháp, đều được gắn kết thật nhuần nhuyễn với thiên nhiên, tạo nên một không gian, cảnh quan văn hoá thật đẹp.
Giờ, công việc của chúng ta là giữ gìn và khai thác nó. Nhiều bài học về bảo tồn và phát triển cần được chúng ta nghiêm túc rút kinh nghiệm như các địa phương Tam Đảo, Sa Pa, Đà Lạt… Văn hoá Đông Dương là kết hợp của kiến trúc văn hoá phương Tây và phương Đông. Tinh thần văn hoá Đông Dương rất có giá trị, luôn được quan tâm và đánh giá cao, thu hút và rất hấp dẫn với thế giới. Dãy núi Ba Vì có rừng nguyên sinh, có di sản văn hoá của người Pháp để lại, là kho báu vô cùng quý giá. Để kho báu được toả sáng và trường tồn, là trách nhiệm của thế hệ chúng ta hôm nay.
Dù rằng đỉnh núi Ba Vì chỉ cao chưa đầy một ngàn ba trăm thước, nhưng trong tâm tưởng người Việt luôn “Nhất cao là núi Ba Vì”. Bởi lẽ, trú ngụ trong danh xưng ấy là cả một kho huyền tích về một vùng đất thiêng gắn với Đức Thánh Tản Viên, một đấng thượng đẳng thần trong quan niệm “tứ bất tử” về bốn vị thần uy linh nhất bảo trợ cho Dân tộc ta.
Địa thế Ba Vì là đỉnh kết nối chốn “kinh sư muôn đời” Thăng Long - Hà Nội với ngọn Nghĩa Lĩnh; cùng Tam Đảo làm tay ngai tả hữu vững chãi cho Đất Tổ của các Vua Hùng. Ba Vì soi dòng Sông Đà hùng vĩ nhưng thơ mộng tạo nên cảnh quan sinh thái để cộng đồng cư dân Kinh, Mường, Dao qua ngàn đời lao động tạo nên cái căn cốt của Văn minh Sông Hồng qua biểu tượng “Núi Tản - Sông Đà”. Ba Vì là cái bao lơn thuận nhất để chiêm ngưỡng dòng Đà Giang uốn lượn dưới chân và phóng tầm nhìn vươn xa tới miền Đất Tổ.
Sự linh thiêng của Núi Tản khiến vùng đất Ba Vì trường kỳ giữ vẻ thâm u của một miền hương khói và tạo nên một sự yên bình cho cây cối và muông thú sinh sôi phát triển. Nhưng đến cuối thế kỷ XIX, nó buộc phải thức giấc không chỉ vì tiếng súng xâm lăng của thực dân Pháp. Cái bất hạnh cho dân tộc Việt Nam thời thuộc địa là ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân. Nhưng điều may mắn cho Ba Vì là nền văn minh của nước Pháp đã làm thay đổi vùng đất này khi chính những con người xa lạ ấy đã nhận ra những tiềm năng và khai thác cái tiềm năng của Ba Vì một cách căn cơ. Phải chăng cái may mắn ấy cũng nhờ vào phúc ấm của Tiên Tổ và sự chở che của các vị Thánh bất tử.
Một bước ngoặc lịch sử mở ra và được đánh dấu bằng sự tàn lụi của khu nghỉ dưỡng đẹp đẽ này, chiến tranh do những phần tử thực dân muốn níu kéo lại chế độ thuộc địa đã lỗi thời, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam bảo vệ nền độc lập chấp nhận hy sinh tất cả. Những biệt thự mà phần lớn chủ nhân là người Pháp bỏ đi để lại sự hoang vắng rồi chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” khiến người dân sẵn sàng đập bỏ tất cả cái gì bị gọi là tàn tích chế độ cũ với niềm tin sẽ dựng lại một khi nước nhà hoàn toàn độc lập. Nhưng thực tế không như mong ước, phải một thời gian rất dài sau đuổi song giặc Pháp (1954) lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh 20 năm đánh Mỹ, rồi triền miên cầm sung để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ… cộng với những khó khăn về kinh tế cũng như hạn hẹp trong nhận thức, phải đến công cuộc Đổi Mới mới dần được thay đổi.
Giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì chắc chắn là một bài toán khó. Tuy nhiên trên thế giới bài toán này đã có lời giải rất phổ biến và hiệu quả. Họ đã phát triển, cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa. Đó là một cách làm thiết thực để quá khứ không còn chỉ nằm trên giấy. Phương thức này đồng thời tạo nên nguồn kinh phí để bù đắp phần nào cho việc duy trì và bảo vệ các di tích vốn rất eo hẹp. Những bước đi đầu tiên của các nhà đầu tư trong dự án bảo tồn và khai thác các phế tích cũ tại Ba Vì, với tiêu chí giữ được các dấu tích của dự án nguyên bản của người Pháp, đồng thời khai thác đúng với mục tiêu quy hoạch ban đầu của nó là phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng. Với những giải pháp kiến trúc hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan núi rừng, đã phần nào khơi dậy một giải pháp khả thi cho việc bảo tồn và phát triển, phải chăng đó cũng là một cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, vận dụng, khơi nguồn cho những bước phát triển tiếp theo để có được đáp án khả thi cho bài toán bảo tồn và phát triển.
Sự thận trọng từng bước đã và đang được chính quyền, các cơ quan chuyên môn cùng một số nhà đầu tư tâm huyết trong đó có Tập đoàn Melia thử nghiệm với mong muốn sự phát triển luôn đi cùng sự bảo tồn và ngược lại. Chắc chắn để giải bài toán khó ấy, Trải nghiệm của Quá khứ chính là Ký ức của Tương lai sẽ giúp chúng ta rất nhiều cùng với sự phụ họa của Mẹ Thiên nhiên và sự phù trợ của Thân linh của Ngọn Ba Vì.