Ngày 6/11, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT), chủ đầu tư dự án cống âu Nguyễn Tấn Thành tổ chức lễ bàn giao công trình thủy lợi có quy mô lớn thứ hai ĐBSCL này cho Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tiền Giang quản lý, vận hành phục vụ công tác phòng chống hạn mặn, triều cường tại địa phương.
Dự án cống âu Nguyễn Tấn Thành được triển khai xây dựng từ tháng 11/2022 với nguồn kinh phí hơn 518 tỷ đồng, trong đó phần xây dựng, thiết bị cống âu hơn 407 tỷ đồng. Công trình nằm trên kinh Nguyễn Tấn Thành. Công trình được thiết kế cống hở kiểu trụ đỡ, bằng bê tông cốt thép. Tổng chiều rộng thông nước 52m, gồm 1 khoang 40m và 1 khoang âu thuyền 12m. Các công trình phụ trợ gồm: Nhà quản lý; đường quản lý vận hành, hệ thống quan trắc, giám sát tự động…
Công trình đến nay đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng sớm 1 tháng so với kế hoạch.
Ông Phan Tuấn Dương, Chỉ huy trưởng Công trình Xây dựng cống âu Nguyễn Tấn Thành thuộc Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam cho biết: “Đối với việc vừa thi công, vừa ngăn mặn trong 2 mùa mặn vừa qua là việc chúng tôi làm lần đầu tiên. Đây là việc rất khó khăn. Tuy nhiên, cùng với những nghiên cứu đóng góp của anh em trong công ty, được sự chỉ đạo của chủ đầu tư, chúng tôi đã đưa ra những phương án thi công đảm bảo được tiến độ, chất lượng của công trình”.
Theo ông Kiều Văn Công, Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 10, Ban suy nghĩ giải pháp thi công, quy mô công trình để trình Bộ NN-PTNT về một công trình thủy lợi phải giải quyết bài toán đa mục tiêu. Đó là phải kiểm soát nguồn nước nhưng vẫn đảm bảo thông thủy. Đặc biệt, trong thời gian thi công vẫn phải đảm bảo phục vụ sản xuất và hiệu quả ngay lập tức.
“Chúng tôi quyết tâm, nỗ lực hết sức mình để thi công nhưng vẫn kiểm soát mặn ngay từ mùa khô 2022-2023. Đến giờ này, công trình đã kiểm soát mặn được 2 mùa, tiết kiệm rất nhiều tiền cho tỉnh Tiền Giang, mỗi năm khoảng 15 tỷ đồng. Từ bây giờ trở đi, kiểm soát nguồn nước được chủ động hoàn toàn, bà con không còn lo lắng ảnh hưởng hạn mặn, ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông do đập tạm nữa”, ông Kiều Văn Công cho biết.
Khi độ mặn trên sông Tiền tăng cao, cống âu kênh Nguyễn Tấn Thành sẽ vận hành đóng kín. Mọi hoạt động được điều khiển từ xa thông qua hệ thống quản lý điều khiển tự động (Scada). Đặc biệt, dù cống đóng ngăn mặn nhưng nhờ có âu thuyền, các phương tiện thủy vẫn có thể lưu thông qua cống.
Ông Kiều Văn Công, Phó giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 cho biết thêm: “Khi muốn cho tàu bè từ sông lớn đi vào thì mở cửa âu bên này để tàu bè đi vào. Sau đó đóng kín phía cửa này lại, xong mở âu phía trong tàu bè đi vào trong, nghĩa là mình vẫn kiểm soát độ mặn mà mặn không vào. Nguyên tắc hoạt động thì nó đơn giản cũng tương tự như cống Cái Lớn - Cái Bé”.
Theo ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, cống âu Nguyễn Tấn Thành sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ kết hợp với 6 cống mà tỉnh đầu tư trên tuyến đường tỉnh 864 sẽ tạo thành một tuyến khép kín của vùng Bảo Định mở rộng, có nhiệm vụ ngăn mặn ngăn triều trữ nước vào nội đồng phục vụ cho diện tích sản xuất nông nghiệp, cụm công nghiệp và sinh hoạt của hơn 1,1 triệu người ở 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Song Thuận huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho hay, diện tích đất nông nghiệp toàn xã đạt hơn 735ha, trong đó sapo và dừa là 2 cây trồng chủ lực. Những năm qua, hạn mặn ảnh hưởng rất lớn đến cây ăn trái. Sau khi được xây dựng cống âu đến giờ này thì người dân xã Song Thuận rất phấn khởi bởi không còn lo lắng hạn mặn, sạt lở, hơn thế nữa cảnh quan môi trường rất khang trang.
Nông dân Phan Ngọc Minh, ngụ xã Song Thuận, có vườn sapo, dừa thuộc vùng thụ hưởng của dự án cũng như rất nhiều bà con địa phương này rất phấn khởi vì công trình ngăn mặn có quy mô lớn, hiện đại đã được hoàn thành phục vụ công tác phòng chống thiên tai của địa phương.
“Như đợt hạn mặn 2020-2021, vườn trái cây nhà tôi bị nước mặn ảnh hưởng, tôi phải đầu tư mấy chục triệu đồng để trồng lại. Công trình này không chỉ ngăn mặn mà còn giúp chống sạt lở nên người dân ở đây rất phấn khởi”, ông Minh nói.
Ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 10 đã hướng dẫn Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang công tác quản lý vận hành dự án. Tuy nhiên, để sử dụng dự án hiệu quả, dài lâu Ban cũng kiến nghị tỉnh Tiền Giang quan tâm có kinh phí bảo dưỡng, duy tu hàng năm để sửa chữa kịp thời những sai sót nhỏ.