Cống âu kênh Nguyễn Tấn Thành tọa lạc tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, là công trình thủy lợi có quy mô lớn thứ hai ở miền Tây, sau cống Cái Lớn - Cái Bé ở tỉnh Kiên Giang, do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư.
Theo Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10, dự án hoàn thành các hạng mục chính gồm phần thân cống, trụ tháp van, âu thuyền, nhà điều hành, mang cống và kè phía đông, đường vận hành và tường kè dài 450m, khe cửa âu thuyền, cấp nước đồng thời chế tạo, lắp đặt cửa van cống và cửa âu thuyền phía sông. Xi lanh thủy lực cửa cống và thùng dầu, ống thủy lực đã lắp đặt đưa vào vận hành đạt khối lượng khoảng 97%.
Những ngày này, các nhà thầu đang thi công các hạng mục phụ, dự kiến đầu tháng 10 này sẽ đưa vào vận hành chính thức, vượt kế hoạch hơn 1 tháng. Trên công trường dự án cống âu đầu kênh Nguyễn Tấn Thành, không khí làm việc của đội ngũ công nhân, kỹ sư cũng như đơn vị quản lý, giám sát thi công rất khẩn trương, bất chấp mưa, nắng quyết đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình.
Ông Phan Tuấn Dương, Chỉ huy trưởng công trình thuộc Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam, nhà thầu chính của dự án chia sẻ, dự án được thi công trong điều kiện rất khó khăn, nhất là đảm bảo công tác ngăn mặn, trữ ngọt và nước triều chảy xiết nên các nhà thầu phải bố trí nhân lực, thiết bị tối đa, đảm bảo tiến độ đề ra.
Theo ông Bùi Duy Liệu, cán bộ Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 cho biết, dự án cơ bản đã xong, đang hoàn thiện cảnh quan, hàng rào, riêng phần đường chờ ổn định rồi mới đổ bê-tông trong một ngày là xong. Ông Liệu chia sẻ, dự kiến đến cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 này sẽ hoàn thành tất cả các hạng mục.
Dự án cống âu Nguyễn Tấn Thành khởi công vào tháng 11/2022, có tổng mức đầu tư hơn 518 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị hơn 407 tỷ đồng. Đây là công trình thủy lợi quy mô lớn, có cửa chính 40m và âu thuyền rộng 12m. Dự án hoàn thành kết hợp các cống ngăn mặn dọc theo đường tỉnh 864 của tỉnh Tiền Giang đã khép kín, chủ động kiểm soát triều cường, xâm nhập mặn, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân của tỉnh Tiền Giang, Long An.