Ngày 24/10, ông Bùi Duy Liệu, Phó trưởng Ban điều hành Dự án đầu tư xây dựng cống âu Nguyễn Tấn Thành cho biết, sau gần 2 năm thi công dự án, hiện đã hoàn thành tất cả các hạng mục xây dựng và được đưa vào sử dụng.
Cũng theo ông Bùi Duy Liệu, các nhà thầu đang hoàn chỉnh việc trồng cây xanh trong khuôn viên của dự án. Riêng Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 và các nhà thầu đang hướng dẫn đội ngũ cán bộ, nhân viên của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang vận hành đóng mở cửa cống, cửa âu thuyền, khoang lấy nước… Sau đó, Ban sẽ tổ chức lớp tập huấn vận hành công trình và chính thức bàn giao cho địa phương.
Theo Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10, dự án có tổng mức đầu tư hơn 518 tỷ đồng, được khởi công vào ngày 11/11/2022, thời gian hoàn thành là 24 tháng. Công trình tọa lạc đầu kênh Nguyễn Tấn Thành, cách cửa sông 420m, thuộc địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Cống âu Nguyễn Tấn Thành là cống ngăn mặn, trữ ngọt lớn có khẩu độ cửa cống lớn nhất (40m) và quy mô lớn thứ 2 tại vùng ĐBSCL, chỉ sau cống Cái Lớn - Cái Bé. Đặc biệt, công trình còn có hạng mục âu thuyền dài 150m với 2 cửa và 4 khoang lấy nước. Khi cửa cống đóng ngăn mặn, âu thuyền này sẽ hoạt động giúp tàu, thuyền có thể qua lại.
Công trình được đầu tư với mục tiêu tăng cường khả năng trữ nước ngọt, chủ động kiểm soát triều cường, xâm nhập mặn, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho vùng với diện tích khoảng 12.580ha của tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, tạo nguồn nước thô cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt trong khu vực, phục vụ cho khoảng 800.000 dân của tỉnh Tiền Giang.
Cùng với 6 cống ngăn mặn tại các đầu kênh ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 vừa hoàn thành, cống âu Nguyễn Tấn Thành sẽ tạo nên hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt, ngăn triều cường khép kín, bảo vệ sản xuất và dân sinh cho nhân dân. Trong mùa hạn, mặn 2023 - 2024, cống âu Nguyễn Tấn Thành đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt, giúp bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt cho 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.