| Hotline: 0983.970.780

Bộ GTVT trình phương án đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku

Thứ Năm 26/12/2024 , 15:02 (GMT+7)

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ về phương án đầu tư xây dựng cao tốc Quy Nhơn - Pleiku qua hai tỉnh Gia Lai và Bình Định.

Bộ GTVT trình phương án đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Ảnh: Internet.

Bộ GTVT trình phương án đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Ảnh: Internet.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn số 14038/BGTVT – KHĐT gửi lãnh đạo Chính phủ về phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku qua hai tỉnh Gia Lai và Bình Định.

Tại công văn này, Bộ GTVT kiến nghị lãnh đạo Chính phủ xem xét chấp thuận chuyển nghiên cứu đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo phương thức PPP sang nghiên cứu đầu tư theo hình thức đầu tư công; đồng thời giao bộ này là cơ quan chủ quản, phối hợp với UBND các tỉnh Gia Lai và Bình Định tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Dự kiến, Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ được chuẩn bị đầu tư từ năm 2025, thực hiện đầu tư và hoàn thành, khai thác trong giai đoạn 2026-2030.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có điểm đầu tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại nút giao đường Hồ Chí Minh, thuộc TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai; chiều dài toàn tuyến khoảng 123km, trong đó đoạn qua tỉnh Bình Định dài khoảng 37,4km, đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 85,6km.

Tuyến đường thuộc phạm vi Dự án được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch được duyệt với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 100 km/h. Riêng các đoạn qua khu vực hầm An Khê và hầm Mang Yang có địa hình khó khăn nghiên cứu quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Theo kết quả rà soát, cập nhật đến nay của UBND 2 tỉnh: Bình Định và Gia Lai, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 36.594 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.733 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị khoảng 26.833 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư, quản lý dự án, chi phí khác khoảng 2.012 tỷ đồng; chi phí dự phòng khoảng 4.015 tỷ đồng.

Với chiều dài tuyến khoảng 123km, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh theo quy hoạch, suất vốn đầu tư của Dự án (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) khoảng 267 tỷ đồng/km.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu phương án đầu tư dự án, Bộ GTVT kiến nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chuyển nghiên cứu đầu tư dự án theo phương thức PPP sang đầu tư công. Đồng thời, giao Bộ GTVT là cơ quan chủ quản, phối hợp với UBND các tỉnh Gia Lai và Bình Định tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

'Đẩy mạnh phát triển nhuyễn thể và rong biển là phù hợp với xu thế xanh’

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh điều này tại Hội nghị 'Phát triển sản xuất nhuyễn thể và rong biển' diễn ra sáng 26/12, tại Nam Định.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.