| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Còn nhiều việc phải làm nếu muốn phát triển bền vững

Thứ Sáu 05/07/2024 , 17:48 (GMT+7)

Bên cạnh mục tiêu xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 2024 là 54 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 3%, Bộ trưởng cho rằng ngành nông nghiệp còn nhiều việc phải làm nếu muốn phát triển bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ NN-PTNT sáng 5/7. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ NN-PTNT sáng 5/7. 

Chia sẻ tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ NN-PTNT sáng 5/7, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng “sản lượng rồi sẽ chạm trần, việc tận dụng đất đai cũng sẽ chạm ngưỡng”. Như vậy, nếu không nghĩ khác đi thì ngành nông nghiệp sẽ không thể tiến xa được. Đặc biệt trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo bùng nổ như hiện nay, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch để tiếp cận đến những công nghệ số hóa cao hơn.

“Người ta nói rằng đừng làm việc chăm chỉ, hãy làm việc thông minh, thông minh nhất là dựa vào những nền tảng đã có như ChatGPT, trí tuệ nhân tạo để phát triển. Đây là một chỉ dấu để ngành nông nghiệp hướng đến”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến sự sự kết nối và cho rằng đây là xu thế nếu ngành nông nghiệp muốn đẩy mạnh xuất khẩu.

Bộ trưởng cho rằng với sự trăn trở của những người làm nông nghiệp, không ngừng cải cách phương pháp làm việc, những con số phản ánh thành tựu nông nghiệp tới đây sẽ tăng trưởng lũy tiến, và nhìn thấy rõ 6 tháng tăng tốc của năm 2024 trước khi bước sang một năm 2025 bứt phá. Tuy nhiên, Bộ trưởng tin rằng ngành nông nghiệp còn nhiều việc phải làm nếu muốn phát triển bền vững.

Báo cáo về công tác phòng chống thiên tai, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã theo dõi diễn biến thiên tai, chỉ đạo kịp thời khắc phục hậu quả nhằm giảm nhẹ thiệt hại và nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; chỉ đạo các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt về việc triển khai phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu năm 2024…

Thiên tai 6 tháng đầu năm làm 51 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 877 tỷ đồng. Theo ông Luận, thiệt về kinh tế giảm song với số người thương vong và sản xuất nông nghiệp lại tăng. Dự báo từ nay đến cuối năm, ông Luận cho biết thiên tai sẽ xảy ra phức tạp hơn và các Cục, Vụ cần quan tâm phối hợp với địa phương về tình hình dự báo để tập trung chỉ đạo sản xuất.

Về thủy lợi, ông Nguyễn Tùng Phong - Cục trưởng Cục Thủy lợi chia sẻ 2 vấn đề lớn của ngành. Thứ nhất là kết quả điều hành vụ đông - xuân, phối hợp tốt với Tập đoàn Điện lực Việt Nam xả nước 2 đợt phục vụ kế hoạch gieo cấy lúa vụ đông xuân các tỉnh Trung du và đồng bằng Bắc bộ (tổng lượng xả nước cả 2 đợt là 2,78 tỷ m3, diện tích đã lấy được nước đạt 99% diện tích gieo cấy).

Đối với hạn mặn ĐBSCL, Cục khẳng định công tác dự báo đã ngày càng được cải thiện qua các năm hạn mặn như 2014, 2016, 2020. Với sự tham mưu của Cục và sự điều hành chỉ đạo của Bộ trong sản xuất, chuyển đổi sản xuất và xuống giống sớm, sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định trước diễn biến thời tiết.

Sản xuất trồng trọt đạt kết quả tốt, mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi (rét đậm, rét hại kéo dài và mưa đá tại các tỉnh phía Bắc; nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên), cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất tăng khá; đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu.

Trong đó, cả nước tập trung gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch lúa và các loại cây hoa màu vụ đông xuân, các địa phương phía Nam triển khai kế hoạch sản xuất lúa vụ hè thu và vụ mùa. Cả nước gieo cấy 5,03 triệu ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; thu hoạch 3,48 triệu ha, tăng 0,5%; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch 23,3 triệu tấn, tăng 1,6% (trong đó vụ đông xuân 20,3 triệu tấn, tăng 0,7%).

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” triển khai nhận được sự quan tâm của Chính phủ và người dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (ngồi giữa) cùng các Thứ trưởng chủ trì Hội nghị. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (ngồi giữa) cùng các Thứ trưởng chủ trì Hội nghị. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng năm nay là một năm phức tạp về tình hình thời tiết, song với dự báo chuẩn xác và cơ sở dữ liệu vận hành tốt, năng suất, sản lượng lúa, chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp nói chung đều có nền tảng thủy lợi vững chắc.

6 tháng đầu năm xuất khẩu đạt kết quả tích cực, theo đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng việc cán đích 54 tỷ USD là “chắc chắn”. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn đang đứng trước khó khăn thách thức, về trồng trọt, cần xây dựng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, kinh tế tuần hoàn gắn theo chuỗi. Cần tính đến vấn đề hình thành vùng chuyên canh sâu theo kinh nghiệm của châu Âu. Ngoài ra, việc mở rộng cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cửa khẩu thông minh… có khả năng lớn, dư địa rất lớn cần khai thác để thúc đẩy xuất khẩu.

Về chỉ đạo sản xuất, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị Cục Trồng trọt trong thời gian tới cần đôn đốc các đơn vị triển khai bài bản giải pháp kỹ thuật, chỉ đạo kế hoạch cho các vụ lúa tiếp theo nhằm đạt được kế hoạch đặt ra vào cuối năm.

Vấn đề về sức khỏe đất được nhiều chuyên gia và địa phương quan tâm, Thứ trưởng đề nghị Cục BVTV và Cục Trồng trọt phối hợp xây dựng Chỉ thị, chiến lược quản lý sức khỏe đất và dinh dưỡng để phát triển ngành trồng trọt bền vững.

Với các đề án, kế hoạch trong ngành trồng trọt, cần tiếp tục đôn đốc triển khai và có báo cáo tổng kết.

Trong lĩnh vực BVTV, trước tiên cần bảo vệ tốt khu vực sản xuất, đối với một số sâu bệnh phát sinh gây hại ở mức độ cao đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị đơn vị lưu ý tổ chức các đoàn kiểm tra, tăng cường tính dự báo cho lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, đề nghị Cục BVTV phối hợp với Cục Thú y chỉ đạo kiểm tra, quản lý hệ thống kiểm dịch thực vật, kiểm tra giám sát tốt các loại hàng hóa nhập lậu, gian lận xuất xứ. Đề nghị Cục BVTV quan tâm, đôn đốc, và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp, giống, thuốc BVTV, phân bón.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Bộ giống chất lượng là tiền đề đưa lâm nghiệp Nghệ An bay cao

Muốn vươn tầm thành thủ phủ lâm nghiệp của cả nước, bên cạnh công tác thu hút đầu tư, Nghệ An phải nâng cấp bộ giống cây lâm nghiệp đang trên đà suy thoái.