"Tôi vô cùng đau buồn khi nhận được tin TS. Monkombu Sambasivan Swaminathan đã qua đời ngày 28/9/2023. Thay mặt Bộ NN-PTNT Việt Nam, tôi xin gửi tới Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi nông dân, nhân dân Ấn Độ, cùng gia quyến TS. Swaminathan lời chia buồn sâu sắc nhất", bức thư đề ngày 5/10/2023 của Bộ trưởng Lê Minh Hoan mở đầu.
Tiếp thư, người đứng đầu Bộ NN-PTNT ghi nhận TS. Swaminathan vì những cống hiến trọn đời cho phát triển nông nghiệp bền vững với những đóng góp mang tính đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp Ấn Độ, mở đường cho Cách mạng Xanh, một kỷ nguyên chuyển đổi trong nền nông nghiệp Ấn Độ.
Ông là người giúp Ấn Độ tự chủ về sản xuất lương thực, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn trở thành nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới.
Bên cạnh những đóng góp cho nông nghiệp của quốc gia Nam Á, TS. Swaminathan còn đặt nền móng và có nhiều đóng góp quan trọng cho hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Ấn Độ ngay sau khi Việt Nam thống nhất đất nước vào năm 1975.
Ông trực tiếp khảo sát và hỗ trợ Việt Nam xây dựng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long. Ông cũng là người góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gồm hơn 70 tiến sĩ và gần 100 thạc sĩ cho ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó có nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng.
Trong thời gian làm Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), TS. Swaminathan đã giúp Việt Nam nhận được hỗ trợ của IRRI đặc biệt nguồn quỹ gen lúa, đào tạo nguồn nhân lực và các dự án nghiên cứu về lúa.
"Sự hỗ trợ quý báu của Tiến sỹ Swaminathan về phát triển nền tảng khoa học lúa gạo vững chắc đã góp phần đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và tạo nên kỳ tích xuất khẩu gạo của Việt Nam", Bộ trưởng Lê Minh Hoan tri ân nhà khoa học Ấn Độ.
Cuối thư, lãnh đạo Bộ NN-PTNT mong Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi nông dân, nhân dân Ấn Độ, cùng gia quyến TS. Swaminathan sớm vượt qua mất mát, đau thương to lớn.
TS. Swaminathan là người mở ra cuộc "Cách mạng Xanh" ở Ấn Độ cách đây 60 năm, giúp chấm dứt nạn đói và đưa quốc gia này trở thành nước sản xuất lúa mỳ hàng đầu.
Ông đã lai tạo ra các hạt giống lúa mỳ giúp Ấn Độ tăng gấp 3 lần sản lượng hàng năm trong vòng 15 năm. Cách mạng Xanh giúp nông dân Ấn Độ khắc phục được nhiều vấn đề trong lạm dụng phân bón, thuốc BVTV, đồng thời giảm lượng nước tưới sử dụng.
Khái niệm "Cách mạng Xanh" bắt đầu được nhắc đến khi Swaminathan đặt ra thuật ngữ "Cách mạng thường xanh" vào thập niên 1990 để mô tả tầm nhìn của mình về năng suất vĩnh viễn của cây trồng mà không gây tổn hại đến hệ sinh thái.
Năm 1999, ông được tạp chí Times chọn là một trong ba người Ấn Độ, cùng với nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi và nhà thơ Tagore trong danh sách 20 người châu Á có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Ông qua đời tại nhà riêng ở Chennai, hưởng thọ 98 tuổi.
Ông Monkombu Sambasivan Swaminathan sinh ngày 7/8/1925 tại Kumbakonam, ngôi làng phía Nam bang Tamil Nadu, Ấn Độ. Ông là con trai của một bác sĩ phẫu thuật từng có công hỗ trợ đẩy lùi bệnh phù chân voi tại Ấn Độ.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Coimbatore, ông nhận bằng tiến sĩ về gen tại Đại học Cambridge năm 1952. Sau đó ông trở thành cộng tác viên nghiên cứu tại trường Đại học Wisconsin tại Madison, nơi ông nghiên cứu về cây khoai tây từ đó, tạo ra giống Alaska Frostless.
TS. Monkombu Sambasivan Swaminathan làm việc tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ từ năm 1954 đến năm 1972, chuyên nghiên cứu về gen lúa mì và gạo. Sau đó, ông trở thành Tổng Giám đốc của Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ. Năm 1979-1980, ông trở thành Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ấn Độ và là thành viên của Ủy ban Kế hoạch Ấn Độ.
Ông Swaminathan nổi tiếng với vai trò lãnh đạo trong Chương trình Trình diễn Quốc gia, khởi động từ năm 1964. Theo chương trình, các giống lúa mì và lúa có năng suất cao được trồng trên cánh đồng của những nông dân nghèo nhất Ấn Độ. Ông nhận ra giá trị của việc giới thiệu cây lúa mì bán lùn Mexico đến Ấn Độ giúp giải quyết những hạn chế từ giống lúa mì bản địa. Khả năng sinh sôi của những “hạt thần kỳ” này đã giúp thay đổi nhận thức một thế hệ nông dân của Ấn Độ, giúp họ tin tưởng vào hiệu quả của việc sử dụng phân bón và các phương pháp canh tác hiện đại khác. Từ đó, nạn đói được đẩy lùi và đưa Ấn Độ trở thành nước sản xuất lúa mì hàng đầu.