Chiều 27/9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Tổ trưởng Tổ công tác 435 của Chính phủ họp trực tuyến với 3 tỉnh An Giang, Cà Mau và Đồng Tháp về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.
Báo cáo đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, địa phương đang hoàn chỉnh các thủ tục của 2 dự án: Tuyến nối từ điểm đầu cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu Tịnh Biên và điểm đầu cao tốc đến điểm đầu Quốc lộ 91C đi cửa khẩu Khánh Bình; Dự án Tuyến đường tránh Quốc lộ 91 qua đô thị Cái Dầu - Vĩnh Thạnh Trung.
Đây là 2 dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với An Giang cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nên bà Thúy kiến nghị Chính phủ xem xét, bố trí sớm nguồn vốn để tỉnh triển khai thực hiện.
UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ NN-PTNT bố trí nguồn lực để cải tạo, đầu tư mới hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, hướng dẫn giải pháp tập trung tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn, thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ cao.
Về phía tỉnh Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi thông tin, sản lượng điện mà EVN huy động từ 2 nhà máy trên địa bàn tỉnh giảm so với kế hoạch. 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng triển khai tương đối chậm, chưa đảm bảo kế hoạch.
Là địa phương có đường bờ biển kéo dài, Cà Mau đối mặt với thách thức sạt lở bờ biển, bờ sông. Tốc độ nhanh hơn khi có mưa bão, ảnh hưởng lớn tới công tác bảo vệ rừng phòng hộ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hoạt động ở Cà Mau còn gặp khó khăn về tái sản xuất, số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn so với cùng kỳ.
Trên cơ sở đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ nguồn vốn để tỉnh thực hiện các công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, đê sông, đê biển và các giải pháp phi công trình. Tỉnh cũng mong muốn được tạo điều kiện đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai để tăng sức thu hút với nhóm ngành công nghiệp, dịch vụ.
Với Đồng Tháp, tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT ưu tiên bố trí kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất giống cá tra tập trung trên địa bàn các huyện Cao Lãnh, Tân Hồng, Lấp Vò, Châu Thành và TP Hồng Ngự với diện tích 469ha.
Đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, trong đó bổ sung 7,3km hệ thống đường gom. Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, bảo đảm triển khai đồng bộ, phát huy hiệu quả cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sau khi hoàn thành vào năm 2025.
Lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị địa phương chuẩn bị kỹ hơn nội dung báo cáo ở các phiên họp kế tiếp, tránh hỏi những nội dung đã được quy định trong Luật, Nghị định.
Ngoài ra, 3 tỉnh An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp cần phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ NN-PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công thương để tăng tốc xử lý vấn đề, tránh dây dưa.
Bộ trưởng cho biết, nguồn ngân sách Trung ương có hạn. Ông khuyến cáo địa phương chỉ kiến nghị những nội dung cấp bách, có ý nghĩa quan trọng với người dân, hoặc tạo động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội.
“Với những chương trình đã được phê duyệt, địa phương cần tăng tốc thực hiện. Tránh tình trạng mất cả năm xin dự án lại không thể triển khai vì vướng giải phóng mặt bằng, vướng diện tích đất rừng, đất lúa", Bộ trưởng nói.
Từng nhiều năm công tác tại Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng chia sẻ những khó khăn của khu vực này trong công tác phòng chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, hay hiện tượng sụt, lún.
Đặc biệt, ông lưu ý các đơn vị về việc xây dựng đường cao tốc. Nếu không tính toán cẩn thận, chính những cao tốc này lại trở thành đê, khiến nước rút chậm sau lũ, ảnh hưởng đến thời vụ gieo trồng, canh tác của người dân miền Tây. Nếu đường ngập, chìm trong nước dài ngày, thậm chí có thể ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ công trình.
"Lũ ở miền Tây không khác là bao so với giông lốc ngoài biển. Khi thi công, các đơn vị phải tính toán đặt nhiều cống thoát nước, xác định chính xác những điểm trũng để bố trí hệ thống tiêu, thoát kịp thời", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giai đoạn 2021 - 2025 không còn nhiều. Do đó việc bố trí vốn từ ngân sách Trung ương để giải ngân trong thời điểm này gặp nhiều vấn đề, thậm chí có khả năng chờ sang trung hạn kế tiếp mới có thể triển khai. Ngoài ra, các tỉnh phía Bắc vừa bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, nên cần được ưu tiên vốn để tái thiết sản xuất.
Trên cơ sở đó, Bộ này đề nghị các tỉnh chủ động thực hiện các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng, ưu tiên những dự án đầu tư ít, hiệu quả lớn.