| Hotline: 0983.970.780

Bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm 21/04/2022 , 15:29 (GMT+7)

Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn.

Phân cấp, phân quyền 

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 diễn ra vào sáng 21/4.

Mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực, Trưởng BCĐ Trung ương các chương trình MTQG Phạm Bình Minh, cho biết: Trong giai đoạn vừa qua, các Chương trình MTQG đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Đặc biệt, Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn. Các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản được hoàn thiện, nhất là các vùng khó khăn, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao về vật chất, tinh thần.

Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhiều chính sách xã hội đã đi vào đời sống, đóng vai trò làm đòn bẩy hỗ trợ các đối tượng yếu thế vươn lên.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết: 'Trong giai đoạn vừa qua, các Chương trình MTQG đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước'. Ảnh: Minh Phúc.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết: "Trong giai đoạn vừa qua, các Chương trình MTQG đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước". Ảnh: Minh Phúc.

"Các Chương trình MTQG đã tuyên truyền, vận động, thu hút, lôi cuốn nhân dân, giúp người dân thấy được quyền và lợi ích chính đáng của mình, từ đó sẵn sàng chung sức, đồng lòng, tham gia tích cực, sáng tạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế xã hội", Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội thông qua thực hiện 3 chương trình MTQG: phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Trước bối cảnh và yêu cầu mới với các thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, để cụ thể hoá yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng Nghị định quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG.

Trong đó, một trong những nội dung trọng yếu là phân cấp, phân quyền cho các địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý và triển khai thực hiện. Đồng thời phát huy vai trò của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, phương thức hỗ trợ của Nhà nước là hỗ trợ có điều kiện, ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần, người dân và các tổ chức cùng tham gia, cùng chia sẻ trách nhiệm, hướng tới phát triển kinh tế bền vững, xoá bỏ tư tưởng “trông chờ, ỷ lại”.

Đảm bảo đồng bộ, không chồng chéo

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình, tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết sau 10 năm thực hiện, trong giai đoạn 2021-2025, sẽ triển khai tập trung triển khai 6 chương trình chuyên đề gồm: Khoa học và công nghệ; mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Phúc.

Đồng thời, để hỗ trợ các địa phương phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, đảm bảo đồng bộ, không chồng chéo, trùng lặp giữa các Chương trình MTQG, đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện nghèo, nguồn vốn ngân sách Trung ương của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 sẽ hỗ trợ thực hiện chủ yếu thông qua các chương trình chuyên đề nêu trên.

Đối với một số nội dung về đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phát triển y tế cơ sở và thúc đẩy bình đẳng giới..., Bộ NN-PTNT đề nghị Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì hướng dẫn các địa phương lồng ghép vốn ngân sách Trung ương giao thực hiện các dự án thành phần của 2 Chương trình MTQG do 2 Bộ, ngành phụ trách để hỗ trợ các xã, huyện phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt theo các quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, nhất là mục tiêu không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, căn cứ tổng mức vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho xây dựng nông thôn mới, cùng với nguồn vốn ngân sách địa phương, HĐND cấp tỉnh phân bổ, đảm bảo đồng bộ, không chồng chéo, không trùng lặp với 2 Chương trình MTQG còn lại.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Lê Hải Hòa, giai đoạn 2021-2025 tỉnh Cao Bằng phấn đấu có ít nhất 2 huyện thoát nghèo, 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, ít nhất 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Cũng trong gian đoạn này, Cao Bằng đặt mục tiêu xoá hơn 15.000 nhà tạm, nhà dột nát. Do đó, tỉnh Cao Bằng đề nghị Chính phủ sớm phân bổ kinh phí và ban hành cơ chế chính sách thực hiện các Chương trình MTQG.

Cũng theo ông Hòa, mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM đến năm 2025 cả nước sẽ không còn xã nào dưới 15 tiêu chí. Tuy nhiên, Cao Bằng gặp rất nhiều khó khăn, vì hiện nay toàn tỉnh có 111 xã dưới 15 tiêu chí, trong đó đa số là xã đạt dưới 10 tiêu chí, chưa kể nguồn lực của địa phương hạn hẹp.

“Tỉnh Cao Bằng đang rà soát để cắt giảm rất nhiều dự án, chuyển sang tập trung vào dự án cấp thiết. Kính đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành, cơ quan Trung ương xem xét, quan tâm hỗ trợ thêm nguồn vốn cho tỉnh Cao Bằng, ngoài hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp, giúp tỉnh tạo thêm nguồn lực đạt được mục tiêu trên”, ông Hòa nói.

Tạo cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai thực hiện

Ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ, trong nhiệm kỳ này, tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn khi triển khai thực hiện các Chương trình MTQG. Thứ nhất là việc tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn hiệu quả còn thấp. Thứ hai, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung còn thấp (đạt 28%) trong khi Nghị quyết của tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 là ít nhất 50% tỷ lệ người dân được thụ hưởng... Tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn chi tiết để thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới từng cấp độ để làm cơ sở cho địa phương thực hiện.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã giúp nâng cao đời sống người dân. Ảnh: Phùng Minh Phúc.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã giúp nâng cao đời sống người dân. Ảnh: Phùng Minh Phúc.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Chúng tôi phấn đấu đến năm 2025 có 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% xã nông thôn mới nâng cao và 10% xã nông thôn mới kiểu mẫu, có 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 1 đơn vị cấp huyện đạt tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong quá trình thực hiện, tỉnh Đồng Tháp gặp một số khó khăn do ngân sách chậm được phân bổ dẫn đến tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn bị chậm so với kế hoạch đề ra.

Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc bố trí ngân sách của tỉnh để thực hiện chương trình cũng gặp khó khăn. Việc kêu gọi đầu tư các công trình xử lý rác thải tập trung ở nông thôn có nhiều vướng mắc do chưa lựa chọn công nghệ xử lý rác phù hợp.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, trong giai đoạn vừa qua, sau khi Quốc hội phê duyệt 3 chương trình MTQG, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nhanh chóng xây dựng tất cả văn bản để tạo cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, Chính phủ cung đã ban hành Nghị quyết số 56/NQ-CP ngày 19/4/2022 về phương án phân bổ và giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện các Chương trình MTQG. Theo quy định, Chính phủ đã gửi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quyết định. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, thì chúng ta có thể căn cứ vào đây để chuẩn bị kế hoạch phân bổ nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn đối ứng của địa phương.

Xem thêm
Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Lãng phí tài sản công, dân Hà Tĩnh vẫn khát nước sạch: [Bài 3] Công trình cấp nước tập trung phải giao đơn vị có chuyên môn quản lý

Hà Tĩnh Quy mô đầu tư xây dựng chưa sát thực tế, giao đơn vị thiếu chuyên môn quản lý, vận hành là những nguyên nhân chính khiến nhiều công trình cấp nước tập trung ‘chết yểu’.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.