| Hotline: 0983.970.780

Hoàn thiện pháp lý cho mô hình chính quyền hai cấp

Thứ Tư 02/04/2025 , 19:15 (GMT+7)

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần đẩy nhanh rà soát, sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc cho mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Chiều 2/4, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về rà soát, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường để thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp chiều 2/4. Ảnh: Khương Trung.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp chiều 2/4. Ảnh: Khương Trung.

270 văn bản quy phạm pháp luật cần phải sửa đổi

Theo lộ trình đã được thông qua, từ ngày 1/7 tới đây, mô hình chính quyền cấp huyện sẽ chính thức kết thúc, và thay vào đó là mô hình chính quyền cấp tỉnh với các cấp cơ sở được tổ chức lại.

Trong quá trình này, có rất nhiều nội dung quan trọng cần được xem xét, đặc biệt là các quy định pháp lý liên quan đến các lĩnh vực như đất đai, môi trường, chăn nuôi, thú y và một số lĩnh vực khác.

Đây là những lĩnh vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc quản lý Nhà nước ở địa phương. “Chính vì vậy, khi kết thúc mô hình chính quyền cấp huyện, chúng ta cần có phương án xử lý cụ thể để đảm bảo rằng mọi chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước vẫn diễn ra bình thường, không bị gián đoạn hay ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Vụ Pháp chế, hiện có 270 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) quy định liên quan đến đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cần phải sửa đổi, bổ sung như trách nhiệm, thẩm quyền của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã; hệ thống tổ chức bộ máy thuộc cấp huyện (cơ quan thú y, cơ quan kiểm lâm, kiểm dịch thực vật, trung tâm dịch vụ nông nghiệp).

Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn cấp huyện như bản đồ hành chính, địa lý; thẩm quyền thanh tra, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính và một số vấn đề khác có liên quan như lĩnh vực đất đai, môi trường, lĩnh vực chăn nuôi - thú y…

Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Khương Trung.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Khương Trung.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phạm Tân Tuyến cho rằng, phải làm rõ việc phân chia các nhiệm vụ liên vùng và nhiệm vụ gắn với người dân. Với những vấn đề mang tính chất liên vùng, có tác động rộng lớn hơn cần được báo cáo và đưa lên các cơ quan cấp tỉnh để xử lý.

Trong khi đó, các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến đời sống người dân tại các địa phương sẽ được giao cho các cơ quan chức năng cấp xã, nơi gần gũi nhất với cộng đồng và có khả năng xử lý tình huống kịp thời.

Điều này cũng đồng quan điểm với nội dung mà Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm Trần Quang Bảo đề xuất. Ví dụ như Chi cục Kiểm lâm sẽ đảm nhận vai trò kiểm soát khu vực liên xã và có đội ngũ chuyên trách, giúp tối ưu hóa việc giám sát và triển khai các hoạt động bảo vệ

Mô hình này không chỉ liên quan đến công tác quản lý lâm nghiệp mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật và kiểm dịch. Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng, nếu có dịch bệnh xảy ra, các cấp này sẽ tham mưu cho chính quyền địa phương có phương án xử lý nhanh chóng.

Thẩm quyền và quyết định về mô hình tổ chức và tên gọi này sẽ do UBND tỉnh xem xét và quyết định, tùy thuộc vào đặc điểm địa bàn và khối lượng công việc cần thực hiện tại từng khu vực.

Là đơn vị có nhiều văn bản có liên quan đến thẩm quyền cấp huyện cần phải xử lý, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai, cho biết, đối với lĩnh vực đất đai, việc rà soát không chỉ được tiến hành đối với các nội dung liên quan đến thẩm quyền cấp huyện mà còn liên quan đến thẩm quyền của cấp xã vì có nhiều quy trình thực hiện thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp có sự tham gia của chính quyền cấp xã.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai Đoàn Thị Thanh Mỹ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Khương Trung.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai Đoàn Thị Thanh Mỹ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Khương Trung.

Đối với các vấn đề phức tạp như thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nếu không nghiên cứu một cách thấu đáo, sẽ gây ra khiếu nại, tố cáo, ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội.

Vì vậy, Cục cũng đã rà soát và tham mưu triển khai các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ hơn, đồng thời phải công khai, minh bạch trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp.

Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và được xác định là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.

Thủ trưởng các đơn vị sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ trưởng về kết quả rà soát và đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, đặc biệt đối với các nghị định và thông tư quan trọng.

Trong quá trình triển khai, nếu phát sinh vướng mắc, các đơn vị cần chủ động đề xuất phương án xử lý, đảm bảo hoạt động của cơ quan nhà nước không bị gián đoạn, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng đề nghị, do mô hình chính quyền hai cấp chưa được phê duyệt chính thức và có thể thay đổi, việc cập nhật kịp thời các chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền là điều kiện tiên quyết để đảm bảo phương án triển khai phù hợp.

Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc bộ máy theo mô hình mới sẽ đưa ra nhiều vấn đề điều chỉnh thẩm quyền quản lý nhà nước theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn đang được đặt ra. Do vậy, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, các đơn vị phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi chuyển giao thẩm quyền.

Đối với một số nhiệm vụ có tính chất phức tạp như xử lý giá đất, đăng ký đất đai hay phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường có thể được điều chỉnh ở cấp xã hoặc lên các sở chuyên môn như Sở Nông nghiệp và Môi trường. Việc này nhằm đảm bảo tính chuyên sâu, đồng thời giảm thiểu các bước trung gian không cần thiết.

Bộ trưởng cho biết, việc chuyển đổi từ mô hình ba cấp (xã, huyện, tỉnh) sang hai cấp (xã - tỉnh hoặc xã - sở, ngành cấp tỉnh) không chỉ giúp tinh giản bộ máy mà còn góp phần quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính.

Điều này đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ trong cách thức giải quyết công việc, cắt giảm tối đa các thủ tục không cần thiết và tăng cường liên thông giữa các lĩnh vực như đất đai, nông nghiệp, môi trường, chăn nuôi, thú y.

Đặc biệt, công tác phân cấp, phân quyền sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều nhiệm vụ hiện do cấp bộ đảm nhiệm sẽ được chuyển giao về địa phương, giúp chính quyền cơ sở chủ động hơn trong quản lý, điều hành. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi sự nghiên cứu chặt chẽ để tránh tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ trong thực thi.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kết luận cuộc họp. Ảnh: Khương Trung.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kết luận cuộc họp. Ảnh: Khương Trung.

Quyết tâm thực hiện, không để chậm tiến độ

Nhận thức rõ tính cấp bách của nhiệm vụ, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch chi tiết về xây dựng nghị định, thông tư, đồng thời theo dõi sát sao tiến độ triển khai.

Các đơn vị chủ trì soạn thảo phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về thời gian và chất lượng công việc, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để đảm bảo văn bản pháp lý được ban hành đúng tiến độ, có hiệu lực kịp thời.

Với quyết tâm cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp là cơ hội để xây dựng một hệ thống chính quyền hiệu quả, minh bạch và gần gũi hơn với người dân.

Các cơ quan, đơn vị cần tận dụng cơ hội này để hoàn thiện các quy trình, thủ tục, đảm bảo bộ máy vận hành trơn tru và thực sự phục vụ lợi ích cộng đồng.

Xem thêm
Phú Yên vững tin hiện tại, mạnh mẽ tương lai

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ trong toàn tỉnh phát huy tinh thần chiến thắng ngày 1/4 lịch sử, vững tin hiện tại, mạnh mẽ tương lai.

Bình luận mới nhất