Ngày 31/8, thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh vừa yêu cầu các đơn vị có liên quan và chính quyền các địa phương trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện và các điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo thực hiện phương án hộ đê, phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đồng thời, giao Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương án hộ đê, bảo vệ những vị trí trọng điểm, xung yếu và phòng, chống thiên tai năm 2024 phù hợp với tình hình thực tế. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cấp thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí thực hiện xử lý cấp bách đê điều theo quy định Luật Ngân sách nhà nước, phân cấp ngân sách và các quy định hiện hành….
Tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 91km/254km chiều dài bờ biển bị sạt lở ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, bờ biển phía Tây (nơi đã đầu tư đê biển) bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm là 22km.
Để bảo vệ vững chắc đê biển Tây không bị vỡ trong mùa mưa bão 2024, theo phương án hộ đê vừa được tỉnh Cà Mau thông qua, ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh được yêu cầu sử dụng nhiều giải pháp khác nhau (kè rọ đá; thả đá khan; dùng cừ tràm, màng chống thấm HDPE, bao tải đất...) để kịp thời hộ đê, bảo vệ những vị trí trọng điểm, xung yếu ven tuyến đê biển Tây.
Theo đó, tại đoạn đê biển từ bờ Bắc Sào Lưới - Ðá Bạc có 1 vị trí trọng điểm dài 350m. Tuỳ tình hình thực tế và diễn biến tại khu vực sạt lở, có 3 phương án xử lý, hộ đê tại đoạn đê biển này. Cụ thể, nếu vị trí sạt lở có mặt cắt lớn, nước nông thì chọn phương án kè rọ đá. Vị trí sạt lở có mặt cắt lớn, nước sâu thì chọn phương án thả đá khan. Mặt cắt sạt lở nhỏ, nước sâu thì chọn phương án dùng cừ tràm, màng chống thấm HDPE và bao tải đất.
Đối với các vị trí xung yếu còn lại, như: đoạn tràn trên mặt đê huyện tại U Minh 1.000m, huyện Trần Văn Thời 2.000m, đoạn đê đất từ Sông Ðốc - Mỹ Bình dài 5.000m… phương án là dùng bao tải chứa đất đắp trên mặt đê, sát mái đê ra phía biển.