Tại xóm Hạ, xã Phúc Thuận, thành phố Phổ Yên, hàng trăm mét đất nông nghiệp của người dân đang bị dòng suối Trung Năng cuốn trôi mỗi khi vào mùa mưa bão.
Sạt lở bờ suối cuốn hàng trăm mét đất nông nghiệp của người dân
Tại xóm Hạ, xã Phúc Thuận, thành phố Phổ Yên, hàng trăm mét đất nông nghiệp của người dân đang bị dòng suối Trung Năng cuốn trôi mỗi khi vào mùa mưa bão.
Đây là những hình ảnh được ghi nhận tại khu vực xóm Hạ, xã Phúc Thuận. Đất trồng keo, trồng chè,…. của người dân đã bị cuốn trôi, thậm chí, có cả những hộ dân đang bị đe dọa đến phần đất thổ cư của gia đình.
Bà Lưu Thị Chen- Xã Phúc Thuận, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên
Vừa rồi mưa xong là nó sạt mất 2 sào rồi, cây keo tôi trồng chưa được tuổi khai thác đâu nhưng mà thấy nó sạt nên phải cắt về làm củi.
Ông Lục Thanh Bình - Xã Phúc Thuận, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên Cứ mưa to, sạt lở tới nhà tôi sắp đến đất thổ cư rồi, khoảng vài mét nữa thôi, tôi rất lo, cũng mong chính quyền kè lại chỗ này cho bà con đỡ lo, cứ tối mưa to là vợ con lại không ngủ được, sáng dậy lại sạt mất hàng chục mét đất.
Tình trạng sạt lở bờ suối Trung Năng đã diễn ra từ nhiều năm nay, dọc theo bờ suối, đất canh tác của nhân dân đang bị sạt lở với chiều dài trên 400m, sâu vào từ 10m đến hơn 20m, và có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở. Khu vực đình - chùa Trung Năng Hạ đã bị sạt lở với chiều dài gần 100m, sâu vào hơn 10m, 2/3 sân khấu và sân vui chơi đã bị nước cuốn trôi.
Ông Nguyễn Văn Bảy - Xã Phúc Thuận, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên Khu vực đình, chùa này đã bị nước cuốn trôi, sạt lở, sân khấu này 11m sạt lở còn 2m, còn sân đình chùa này trước đây rộng ra giữa lòng sông suối kia, từ năm 2019 tới nay sạt hết 1/3.
Ông Nguyễn Anh Khôi - Phó chủ tịch UBND xã Phúc Thuận, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên
Thời gian vừa rồi Sở Nông nghiệp cùng với các ban, ngành, thành phố cũng đã về khảo sát và tiến hành lập biên bản, có phương án kè toàn bộ chiều dài hơn 400m sạt lở, và trong thời gian tới vào mùa khô sẽ tiến hành thực hiện để đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Tình trạng sạt lở không chỉ gây mất đất sản xuất nông nghiệp, dọc theo bờ suối này có gần 20 hộ dân sinh sống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Do vậy, cấp uỷ, chính quyền địa phương cần khẩn trương vào cuộc, sớm đưa ra giải pháp chống sạt lở, đảm bảo an toàn cho Di tích lịch sử, tránh sạt lở mất đất của người dân, đặc biệt là an toàn cho các hộ dân sinh sống trong khu vực./.