| Hotline: 0983.970.780

Sạt lở bờ sông Chu uy hiếp tính mạng của hàng trăm người dân

Thứ Tư 28/08/2024 , 08:50 (GMT+7)

Sạt lở bờ sông Chu lấn sâu vào đất sản xuất nông nghiệp và uy hiếp tính mạng của hàng trăm hộ dân thôn Hải Thành và Hải Mậu.

Sông “nuốt” đất

Sáng nay, ông Đỗ Bá Cường (thôn Hải Thành, xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) thuê người chặt vội mấy sào ngô đang thời kỳ đậu hạt ven sông Chu. Lão nông có 5 sào ngô ở khu bãi bồi tức tưởi: “Ngô non nên bán không ai mua, đành phải chặt cho trâu, bò ăn. Cố vớt vát được tí nào hay tí đó, còn hơn bị "hà bá" cuốn trôi sông”.

Ông Cường ôm vạt ngô trên tay rồi chỉ về bãi cọc nằm giữa dòng: "Ngày trước, khu đất bồi nằm gần giữa sông được tính là chân bờ. Người dân đóng vài chiếc cọc làm mốc để theo dõi hiện tượng sông nuốt đất. Vậy mà chỉ sau vài năm, bãi cọc đã nằm tít giữa dòng do nước ăn sâu vào bờ, cuốn trôi cả đất và hoa màu của người dân. 

Bờ sông bị sạt lở tạo thành vách đứng có chiều cao khoảng 15-16m. Ảnh: Quốc Toản.

Bờ sông bị sạt lở tạo thành vách đứng có chiều cao khoảng 15-16m. Ảnh: Quốc Toản.

Ruộng ngô của ông Cường trước đây kéo dài tới chân con nước giữa dòng, nay bị dòng chảy cuốn trôi khoảng 500m2 đất sản xuất nông nghiệp. Chẳng riêng gì ông Cường, nhiều hộ dân tại các thôn Hải Thành, Hải Mậu cũng đang bất an trước hiện tượng sạt lở ăn sâu vào đất liền.

Gia đình bà Lê Thị Hải (56 tuổi, thôn Hải Thanh, xã Thọ Hải) cư ngụ ven sông Chu đã hơn 20 năm. Nhà bà Hải cách sông khoảng 50m về phía Đông. Sống gần hết đời người, chưa bao giờ người phụ nữ cảm thấy bất an, lo lắng như thời gian gần đây.

“Cách đây khoảng 3 năm, bờ sông bắt đầu có hiện tượng sạt lở. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do mưa lớn, dòng chảy mạnh, xoáy sâu vào bờ khiến tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng hơn. Có thời điểm nước ăn sâu vào bờ cả chục mét chỉ trong vài ngày.  

Bà Hải lo lắng trước hiện tượng sạt lở bờ sông Chu. Ảnh: Quốc Toản.

Bà Hải lo lắng trước hiện tượng sạt lở bờ sông Chu. Ảnh: Quốc Toản.

Thi thoảng vẫn thấy đoàn này, đoàn kia đến vị trí sạt lở kiểm tra, khảo sát, nhưng chẳng thấy có phương án gì khắc phục. Trong khi đất của dân vẫn bị dòng sông cuốn trôi mỗi ngày. Khổ nhất là thời điểm mưa lớn, người dân phải trực để chủ động phòng tránh nguy hiểm có thể xảy ra.

Có đêm, người dân còn nghe được tiếng đất sạt lở ầm ầm ngoài bờ sông. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì chẳng mấy chốc, khu dân cư bị nước cuốn trôi. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương sớm có phương án xử lý sự cố để bà con yên tâm ổn định cuộc sống, sản xuất”, bà Hải chia sẻ.

Được biết, thôn Hải Mậu và Hải Thành có 53 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu sống gần khu vực sạt lở. Vị trí khu vực sạt lở cách khu dân cư 2 thôn nói trên khoảng 60m. 

Uy hiếp tính mạng người dân

Ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Thọ Hải cho hay, nguyên nhân của tình trạng sạt lở là do ảnh hưởng của mưa lũ, dòng chảy mạnh khiến kết cấu đất cát pha ven bờ sông bị phá vỡ.

Cũng theo ông Chung, từ năm 2019 đến năm 2023, khu vực bãi sông Chu thuộc địa phận thôn Hải Thành và thôn Hải Mậu, xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân (từ K10+480 - K10+750) đã xảy ra tình trạng sạt lở tại 2 vị trí với tổng chiều dài khoảng 180m. Sạt lở lấn vào đất sản xuất nông nghiệp của nhân dân từ 8-12m. Bờ sông bị sạt lở tạo thành vách đứng có chiều cao khoảng 10m. 

Do diễn biến mưa lớn ngày 18/8/2024, hai vị trí nêu trên tiếp tục xảy ra sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 320m, lấn sâu vào đất sản sản xuất của nhân dân từ 25-30m; bờ sạt lở tạo thành vách đứng có chiều cao khoảng 15-16m và cách khu dân cư gần nhất thôn Hải Mậu 50m. Sạt lở cũng cuốn trôi gần 1ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân.

Tình trạng sạt lở bờ sông Chu có thể diễn biến phức tạp hơn nếu không có phương án xử lý an toàn. Ảnh: Quốc Toản.

Tình trạng sạt lở bờ sông Chu có thể diễn biến phức tạp hơn nếu không có phương án xử lý an toàn. Ảnh: Quốc Toản.

Ngoài ra, qua quan sát thực tế, khu vực dọc bãi sông Chu trên địa bàn xã Thọ Hải (khu vực đê hữu sông Chu từ K9+800-K10+950) dài 1.150m cũng có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng nếu mưa lũ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và đất sản xuất của các hộ dân thôn Hải Thành và thôn Hải Mậu, chính quyền địa phương đã cắm mốc, căng dây, đặt biển cảnh báo nguy hiểm trong khu vực đang có diễn biến sạt lở và thông báo cho người dân được biết; nghiêm cấm người dân không canh tác, chăn thả gia súc và lại gần khu vực sạt lở. Tổ chức kiểm tra, rà soát các hộ dân đang sinh sống gần khu vực sạt lở, có nguy cơ mất an toàn và sẵn sàng sơ tán, di dời khi có tình huống xấu xảy ra.

Theo đánh giá của UBND huyện Thọ Xuân, tình hình sạt lở bãi sông Chu thuộc địa phận thôn Hải Thành và thôn Hải Mậu, xã Thọ Hải diễn biến rất nghiêm trọng và đang tiếp tục ăn sâu vào đất sản xuất, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân nếu không kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả. 

Tại văn bản vừa gửi đi, UBND huyện Thọ Xuân cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét hỗ trợ kinh phí đầu tư để làm kè bãi sông từ K9+800- K10+950 nhằm bảo vệ khu dân cư thôn Hải Thành và thôn Hải Mậu, xã Thọ Hải.

Xem thêm
Toàn văn bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII

Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII (ngày 18/9/2024).

Sạt lở đê bao ảnh hưởng 19 hộ dân và 3ha cây ăn trái

Bến Tre Trên địa bàn ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre xảy ra vụ sạt lở đê bao gây ngập khoảng 3ha cây ăn trái, ảnh hưởng đến 19 hộ dân.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Phú Thọ: Sạt lở nghiêm trọng dưới chân cầu Hạc Trì

Sau cơn bão số 3, dưới chân cầu Hạc Trì (Phú Thọ) xuất hiện tình trạng sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến một số hộ dân sống xung quanh khu vực sạt lở.

Bình luận mới nhất