| Hotline: 0983.970.780

Các 'chiến sỹ áo xanh' và thời điểm tuyệt vời nhất để số hóa nông nghiệp

Thứ Năm 02/04/2020 , 16:04 (GMT+7)

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số khẳng định các thành viên VIDA sẽ là các chiến sỹ áo xanh, phụ trách hậu cần trong cuộc chiến chống Covid-19.

Hội nghị lần I năm 2020 của Hiệp hội Nông nghiệp số được thực hiện trực tuyến. Ảnh: Tùng Đinh.

Hội nghị lần I năm 2020 của Hiệp hội Nông nghiệp số được thực hiện trực tuyến. Ảnh: Tùng Đinh.

Sáng 2/4, Hội nghị lần I năm 2020 của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam - VIDA được tổ chức trực tuyến. Nội dung chính gồm công bố cơ cấu tổ chức cũng như chương trình hoạt động của từng ban trong hiệp hội và thảo luận về hành động và giải pháp của VIDA trong đại dịch Covid-19.

Về cơ cấu tổ chức của VIDA, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Thường trực VIDA cho biết, dưới Ban Thường vụ của hiệp hội sẽ có 6 ban chuyên môn gồm Văn phòng; Ban Khoa học công nghệ và đào tạo; Ban Vốn, xúc tiến đầu tư và chính sách; Ban Phát triển hội viên; Ban Truyền thông và sự kiện; Ban xúc tiến thương mại.

Đối phó Covid-19: Quan trọng nhất là giữ vững tinh thần

Để phát triển trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Trương Gia Bình cho rằng, trong hoàn cảnh hiện nay, ngoài Covid-19 còn có thêm loại “virus hoảng sợ” đang lan truyền trên mạng, có thể lây đến hàng tỷ người. Loại virus này có thể kéo lùi sự phát triển của nhân loại nhưng có một điều may mắn là dù trong hoàn cảnh nào, con người vẫn phải ăn uống, đó chính là cơ hội của VIDA của ngành nông nghiệp Việt Nam.

“Nếu chúng ta có những biện pháp thông minh, sáng tạo, ý chí và bản lĩnh thì không chỉ duy trì được sản xuất mà còn tăng trưởng, đạt được những mục tiêu mới.

Do đó, chúng ta cần làm tốt trên mọi mặt, mỗi người trở thành chiến sỹ, mỗi công ty trở thành pháo đài chống virus, cùng nhau tiến lên, sản xuất mạnh hơn, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, mở rộng xuất khẩu chiếm vị thế trong giai đoạn hiện nay”, Chủ tịch VIDA khẳng định.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số chia sẻ về các giải pháp đối phó dịch Covid-19. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số chia sẻ về các giải pháp đối phó dịch Covid-19. Ảnh: Tùng Đinh.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Nafoods cho biết, do trải rộng từ Bắc vào Nam, sang cả Lào và Campuchia nên dịch Covid-19 gây ra không ít khó khăn cho tập đoàn, ngoài sức khỏe, tinh thần còn có cảnh hưởng về vận tải.

Trước tình hình trên, các lãnh đạo Nafoods đã ngồi lại, cùng bàn để tìm giải pháp và liên tục lắng nghe các sáng kiến của người lao động nhằm đối phó với khủng hoảng.

Lãnh đạo tập đoàn gửi thư cho cả khách hàng và nhà cung cấp để nhận được sự chia sẻ và tin tưởng, cùng Nafoods vượt qua giai đoạn này. Bên cạnh đó, trong tập đoàn thực hiện nghiêm ngặt các quy định về an toàn y tế, tăng cường làm việc, hội họp trực tuyển, đảm bảo cán bộ, công nhân viên không bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

“Điều quan trọng nhất là giữ vững tinh thần, Nafoods là một pháo đài và mọi thành viên đều là chiến sỹ. Giữ vững nhịp độ sản xuất, sát cánh với bà con nông dân và tìm phương án khích lệ những cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ thêm.

Lãnh đạo tập đoàn cho biết, nhờ những phương pháp trên mà kết quả kinh doanh của Nafoods trong quý I năm 2020 tăng trưởng đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty Phúc Sinh cho biết, với kinh nghiệm nhiều năm về xuất khẩu, công ty đã tìm cách đa dạng hóa thị trường từ sớm, tập trung vào các khách hàng vừa và nhỏ nên trong dịch vẫn có thể đưa các mặt hàng như cà phê, hạt tiêu, quế… đi các nước với khối lượng lớn.

Ngoài ra, Phúc Sinh cũng ứng dụng công nghệ vào quản trị, sản xuất từ lâu nên trong dịch Covid-19, các nhân viên có thể hoàn toàn làm việc từ xa, thậm chí qua điện thoại từ mà không hề gặp trở ngại gì. Điều này giúp cho tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian qua của công ty đạt đến 120-130%.

Với Tập đoàn Hùng Nhơn, Chủ tịch HĐT, TGĐ Vũ Mạnh Hùng chia sẻ 3 phương án giúp giữ vững sản xuất và bảo vệ sức khỏe của người lao động trong dịch Covid-19.

Thứ nhất là làm việc tập trung tại trang trại, nơi có điều kiện khử trùng hàng ngày rất an toàn. Thứ hai là phối hợp chính quyền và công an địa phương, đảm bảo khoanh vùng, không có sự ra vào tùy tiện. Cuối cùng, tập đoàn tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên ở xa được đến khu vực làm việc tập trung, giảm mật độ đi lại, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Với các giải pháp trên, từ 3-6 tháng tới, Tập đoàn Hùng Nhơn dự kiến có thể tăng trưởng được 3-5%, dù cho Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Không những thế, toàn bộ mức lương, thưởng của cán bộ công nhân viên vẫn được giữ vững và còn có cơ chế thưởng KPI để khuyến khích làm việc.

Trong khi đó, để đẩy mạnh thương mại điện tử, đại diện Sendo, ông Trần Mai Bia Nô cho biết đang kết nối với một số đơn vị vận chuyển thực hiện chương trình giao hàng dưới 3 tiếng tại Hà Nội và TP.HCM với các mặt hàng nông sản. Sendo cũng liên tục có khuyến mại với nông sản nói riêng và thực phẩm nói chung trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19.

Riêng với VIDA, đại diện Sendo cam kết sẽ có những hỗ trợ đặc biệt như không thu phí hoa hồng, trang thương mại điện tử này cũng bố trí một lực lượng chăm sóc nhà bán hàng riêng.

Sendo cũng đưa ra các gói hỗ trợ chi phí vận chuyển hay chương trình khuyến mại cho các khách hàng của doanh nghiệp thành viên VIDA.

Ông Lê Hồng Việt - Giám đốc Công nghệ của FPT. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Lê Hồng Việt - Giám đốc Công nghệ của FPT. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngoài Sendo, FPT cũng sẽ có những hình thức hỗ trợ cho VIDA để phát triển sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hiện nay. Ông Lê Hồng Việt - Giám đốc Công nghệ của FPT nói, với thế mạnh về công nghệ và độ phủ lớn của các báo, tạp chí thuộc FPT, những sản phẩm nông sản của VIDA sẽ có cơ hội quảng bá mạnh hơn đến người tiêu dùng cuối.

Bên cạnh đó, nếu phát triển được các triển lãm nông sản online, sản phẩm sẽ không chỉ tiếp cận với người dùng trong nước mà còn mở rộng ra thị trường nước ngoài, phục vụ cho các đơn vị làm xuất khẩu.

Ông Việt cũng cho biết FPT sẵn sàng hỗ trợ các giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp của VIDA để có thể làm việc tại nhà trong điều kiện dịch bệnh hiện nay.

"Có thể không chơi, không mua sắm nhưng không thể không ăn"

Ngoài các biện pháp đối phó với Covid-19 nêu trên, nhiều doanh nghiệp thành viên của VIDA đã nhanh nhạy, tận dụng cơ hội để phát triển các sản phẩm phù hợp với điều kiện hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mỹ Lan chia sẻ, đây là dịp để doanh nghiệp ứng dụng công nghệ đóng gói khí cải tiến để kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm, ví dụ như thịt lợn có thể giữ được 7-11 ngày.

Công ty cũng đang phát triển hệ thống máy bán thực phẩm thông minh, có chức năng hâm nóng trước khi xuất cho người mua. Theo ông Mỹ, những mô hình này sẽ giúp thúc đẩy thương mại điện tử, mua sắm qua thiết bị di động, hỗ trợ cho công tác cách ly toàn xã hội như hiện nay.

Đại diện Nafoods thì cho rằng, Covid-19 là dịp rất tốt để các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác số hóa các sản phẩm và hoạt động kinh doanh của mình. Điều này không chỉ giúp công tác phòng chống dịch hiệu quả mà còn tạo ra cơ sở dữ liệu lớn để cải thiện công tác quản trị hay truy xuất nguồn gốc nông sản.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Thường trực VIDA, lợi thế cho các doanh nghiệp thành viên hiện nay là nông sản và dịch vụ phân phối nông sản có thể xem là thiết yếu nhất trong bối cảnh dịch Covid-19.

Bà Ninh Thị Ty - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Ninh Thị Ty - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm. Ảnh: Tùng Đinh.

Đồng ý với quan điểm này, bà Ninh Thị Ty - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm chia sẻ, VIDA đang có nhiều lợi thế khi vừa có nông sản, vừa có công nghệ.

“Người ta có thể không chơi, không mua sắm nhưng không thể không ăn”, bà Ty nhấn mạnh và cho rằng đó là yếu tố để thấy được thời cơ cho VIDA trong giai đoạn hiện nay.

Thời điểm tuyệt vời nhất để số hóa nông nghiệp

Là khách mời của hội nghị, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT góp ý, đây là thời điểm tuyệt vời nhất để số hóa nông nghiệp và cũng là sứ mệnh của VIDA.

Từ đó, kiểm soát được sản xuất, cung cầu trong nông nghiệp, tiếp theo là thúc đẩy thương mại điện tử, tăng cường truyền thông, quảng bá sản phẩm và mở rộng quy mô, hội viên của VIDA.

“Nếu làm được điều này, chúng ta có thể đẩy mạnh tiêu thụ, kích cầu ngay trong nội bộ VIDA, sử dụng tiện ích của nhau và từ đó bổ trợ cho các hiệp hội khác”, ông Toản chia sẻ.

Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản lưu ý thêm, dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng cần chú ý đến thời điểm phục hồi, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, có thể rơi vào tháng 5 tới. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu phải lưu ý vấn đề này và có lộ trình, kế hoạch cho thị trường châu Âu, Mỹ vào khoảng tháng 7, tháng 8 tới.

Ngoài duy trì sản xuất, VIDA sẽ phải đẩy mạnh số hóa và phát triển thị trường trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngoài duy trì sản xuất, VIDA sẽ phải đẩy mạnh số hóa và phát triển thị trường trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: Tùng Đinh.

Những chiến sỹ áo xanh

Kết luận về việc tìm ra cơ hội trong thách thức, ông Trương Gia Bình khẳng định, các thị trường truyền thống không có kinh nghiệm chống Covid tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong VIDA. Thay vì các đồ nhập khẩu, người dân sẽ chuyển sang sử dụng hàng hóa trong nước, cơ hội chuyển hóa nhu cầu từ ngoại sang nội và VIDA sẽ có 9-12 tháng để khai thác các cơ hội này.

Ông Trương Gia Bình khẳng định VIDA sẽ là những chiến sỹ áo xanh trong cuộc chiến chống Covid-19. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Trương Gia Bình khẳng định VIDA sẽ là những chiến sỹ áo xanh trong cuộc chiến chống Covid-19. Ảnh: Tùng Đinh.

“Ngày hôm nay, các thành viên VIDA là các chiến sỹ áo xanh, chuyên về hậu cần trong cuộc chiến chống Covid-19, giải bài toán sản xuất ra các nhu yếu phẩm để cung cấp cho đến từng hộ dân, đồng hành với Chính phủ để chiến thắng dịch bệnh.

Trong nguy, có cơ và cơ hội này có quy mô toàn cầu, dự báo các quốc gia lớn đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống Covid-19, đi cùng với đó là khó khăn trong sản xuất, tiêu dùng và xuất nhập khẩu.

Việt Nam đang làm rất tốt trong cuộc chiến chống Covid-19, điều này tạo ra lợi thế rất lớn cho đội quân hậu cần, không chỉ cho trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, Covid-19 cũng là cơ hội để chúng ta tái cơ cấu sản xuất, ứng dụng thêm công nghệ vào sản xuất, phân phối sản phẩm”, Chủ tịch VIDA nhấn mạnh.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Lãng phí tài sản công, dân Hà Tĩnh vẫn khát nước sạch: [Bài 3] Công trình cấp nước tập trung phải giao đơn vị có chuyên môn quản lý

Hà Tĩnh Quy mô đầu tư xây dựng chưa sát thực tế, giao đơn vị thiếu chuyên môn quản lý, vận hành là những nguyên nhân chính khiến nhiều công trình cấp nước tập trung ‘chết yểu’.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.