| Hotline: 0983.970.780

Các thế hệ tiếp nối giúp nghề mộc Thiết Úng vươn xa

Thứ Bảy 20/07/2024 , 10:37 (GMT+7)

Năm 2010, làng Thiết Úng được công nhận làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống ghi nhận sự tiếp nối của nhiều thế hệ qua những thăng trầm lịch sử.

Một buổi hội thảo về làng nghề ở Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Một buổi hội thảo về làng nghề ở Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Làng Thiết Úng xưa có tên Nôm là làng Ống nay thuộc xã Vân Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Người già vẫn thường kể lại cho con cháu rằng vào thời nhà Nguyễn, những nghệ nhân làng Thiết Úng được triệu vào cung để tham gia xây dựng cung điện, đền đài và nhiều người đã được triều đình ban sắc phong. Tiếp nối vinh quang xưa và nâng nó lên tầm cao mới, làng nay có 9 nghệ nhân trong đó 2 người được công nhận bàn tay vàng, đặc biệt nghệ nhân Nguyễn Kim còn được bầu làm đại biểu quốc hội.

Khoảng 90% lao động trong làng theo nghề mộc trong đó 200 thợ cả và 900 thợ thường, 100 hộ vừa sản xuất, vừa buôn bán kinh doanh, 1 hợp tác xã. Sản phẩm của làng không chỉ được bán trong hàng trăm cửa hàng lớn nhỏ ở các thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng... mà còn xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.

Mỗi nhà trong làng đều có những bí quyết chân truyền và chuyên về một dòng sản phẩm riêng như nhà đục tượng, nhà đục rồng phượng cho các đình, chùa, nhà chuyên làm hàng nội thất, thủ công mỹ nghệ trang trí. Bên cạnh giữ nguyên kiểu dáng cổ, người làng còn ứng dụng những kiểu cách tân kỳ của các phong cách trên thế giới vào sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Hàng nội thất có bàn ghế Âu Á, bàn ghế Minh quốc, bàn ghế Ba Lan, bàn ghế Lạc Việt; tủ chè, tủ ba buồng, tủ ca, tủ đựng bát, các loại sập...Hàng mỹ nghệ chủ yếu là tượng gỗ như tượng Phật Di Lặc, Phật Bà Quan Âm, anh hùng tương ngộ, 18 vị La Hán, Đạt Ma sư tổ, thần tài, thần lộc…

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền, để làm ra một sản phẩm chạm khắc gỗ mang đúng phong cách làng Thiết Úng phải trải qua nhiều công đoạn: Đầu tiên là xử lý gỗ nguyên liệu sao sao cho bền, chắc, không cong vênh, rạn nứt; Tiếp đó là pha gỗ tức phân chia cây gỗ lớn thành các thanh gỗ phù hợp với từng yêu cầu của loại sản phẩm cần dài ngắn, to, nhỏ khác nhau.  Những thanh gỗ sau khi được pha xong mới đến công đoạn người nghệ nhân tư duy để đục, khảm tạo ra những bức tượng, bàn ghế, đồ trang trí nội thất độc đáo, không cái nào giống cái nào.

Tượng của làng Thiết Úng. Ảnh: Tư liệu.

Tượng của làng Thiết Úng. Ảnh: Tư liệu.

Người sành sỏi chỉ cần nhìn thoáng qua tác phẩm là biết được do gia đình nào tạo tác, nghệ nhân nào thực hiện liền. Khó nhất vẫn là thổi hồn, tạo thần thái của một bức tượng, đặc biệt là ở khuôn mặt từ mồm miệng đến đôi mắt, đôi lông mày, những nếp nhăn trên chán... Tất cả đều phải hài hòa, mềm mại và sống động như một con người thật, có vui, có buồn, có giận dữ, có thiện, có ác, có uy dũng, có hèn nhát, có sang trọng, có bình dân. Ông Truyền dẫn chứng như pho tượng Quan Công cưỡi ngựa xích thố phải thể hiện sao cho oai dũng với tay vung thanh long đao khiến cho kẻ thù nhìn phải khiếp sợ nhưng vẫn phải nể phục.         

Sau khi đục, khảm xong các đồ vật được chuyển sang khâu làm sạch và trang trí, thường do phụ nữ đảm nhận bởi họ kiên trì, tỉ mẩn, nhẹ nhàng, tinh tế hơn. Trong quá trình làm người thợ gọt ngắm nghía các tác phẩm để từ đó gọt nhẵn các chi tiết, tạo ra những hoa văn tinh xảo hơn.  Tiếp đến là khâu làm bóng sản phẩm bằng sơn ta, để khô rồi sau đó dùng lá chuối đánh bóng.

Hà Nội có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo. Ảnh: NNVN.

Hà Nội có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo. Ảnh: NNVN.

Những công đoạn đều tỉ mỉ, kỳ công để dần dần sản phẩm mỗi lúc một hoàn thiện, trở thành độc đáo. Ngày nay những công đoạn trên vẫn được tiếp nối nhưng nhờ có máy móc hiện đại nên tốc độ nhanh hơn, giải phóng được sức lao động chân tay nặng nhọc, độc hại.  Như sấy gỗ, ngâm tẩm chỉ mất vài ngày là bằng cả năm xử lý kiểu truyền thống, rồi dùng máy cắt xẻ công nghiệp thậm chí máy đục vi tính để đục lượng hàng ra nhiều với kích cỡ đều nhau. Đến công đoạn làm nhẵn, làm bóng sản phẩm thì đánh nhẵn bằng giấy giáp, đánh bóng bằng máy phun dầu.

Thời gian làm ra một sản phẩm bây giờ nhanh hơn hơn ngày xưa rất nhiều, hơn thế khả năng thương mại lại nhanh, tất cả thế giới gói gọn vào trong một cái điện thoại thông minh kết nối mạng nên giúp cho nhiều gia đình trong làng Thiết Úng giới thiệu sản phẩm, kết nối giao dịch thuận tiện. Số hộ có doanh thu tiền tỷ/năm trở nên không hiếm trong làng, giúp thu nhập bình quân đầu người đạt hàng trăm triệu đồng/năm. Nhờ đó góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, tạo nên một diện mạo mới cho làng Thiết Úng hôm nay.

Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội

Xem thêm
Nông nghiệp - PTNT năm 2024: Vượt gian khó lập kỳ tích

14h00 hôm nay (27/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam xin điểm lại một số dấu ấn nổi bật của ngành trong năm 2024.

Công bố mức thưởng tết cao nhất tại Vĩnh Long và Trà Vinh

Theo thống kê của Sở LĐ- TB&XH Trà Vinh, mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao nhất là 280 triệu đồng, trong khi tại Vĩnh Long là 240 triệu đồng.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.