Ngày 25/11, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp với các cơ quan chuyên môn của nhiều bộ, ngành, địa phương tổ chức hội thảo rà soát, góp ý “Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030”.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, thực trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản, chất lượng các khu bảo tồn, bảo vệ hiện nay rất rõ ràng.
“Để có thể phát triển nghề cá bền vững, trong đó có nhiệm vụ phục hồi các hệ sinh thái, phục hồi các khu bảo tồn biển là giải pháp rất quan trọng và rất cần thiết hiện nay. Nếu chúng ta không làm sớm thì nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái biển chắc chắn sẽ bị suy kiệt và để phục hồi thì rất tốn kém”, ông Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo của Tổng cục Thủy sản, khi phục hồi, phát triển được những khu bảo tồn biển thì cũng góp phần nâng cao được nguồn lợi, sự đa dạng cho các khu vực lân cận.
Riêng về Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030, ông Nguyễn Quang Hùng cho rằng điều quan trọng nhất là phải xây dựng thế nào để sau khi phê duyệt phải được triển khai một cách hiệu quả.
Hiện nay, tổng diện tích các khu bảo tồn biển được bảo tồn và quản lý là 174.748,85 ha, chiếm khoảng 0,175% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam.
Theo Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), mục tiêu của đề án là Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt khoảng 3% vào năm 2025 và 6% vào năm 2030 diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam, góp phần phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025 là mở rộng diện tích, phân khu chức năng cho các khu bảo tồn biển đã thành lập và đang hoạt động; thành lập mới và đưa vào hoạt động một số khu bảo tồn biển, để đảm bảo tổng diện tích các khu bảo tồn biển đạt khoảng 0,25% diện tích vùng biển Việt Nam.
Để đáp ứng được những yêu cầu nói trên, một số giải pháp đã được nêu ra trong dự thảo của đề án như hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh tuyên tuyền, nâng cao nhận thức thực thi pháp luật về bảo tồn biển; nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực.
Ngoài ra còn một số giải pháp cũng được nhắc đến như đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn biển hay đẩy mạnh khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.