Năm 2016, bệnh dại đã xảy ra tại 28 tỉnh, thành phố (tập trung tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc) làm 91 người chết và 411.937 người phải đi điều trị dự phòng; riêng trong 05 tháng đầu năm 2017 đã có 23 người tử vong do bệnh dại tại 12 tỉnh, thành phố. Thiệt hại về kinh tế do bệnh dại gây ra cũng rất lớn.
Nguyên nhân chính được xác định là do công tác quản lý đàn chó nuôi của nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nhất là việc thống kê, lập sổ quản lý đàn chó nuôi, tổ chức nuôi nhốt, xích chó nên hiện tượng chó thả rông cắn người còn phổ biến, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; bệnh dại đã lưu hành ở nước ta trong nhiều năm qua, nhưng vẫn còn khoảng 80% chó nuôi không được tiêm phòng dại; công tác tiêm phòng phần lớn không dựa trên tổng đàn chó nuôi thực tế mà chỉ dựa vào chỉ tiêu kế hoạch tiêm phòng. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc đông y để điều trị bệnh dại vẫn còn dẫn đến nhiều người bị tử vong do lên cơn dại; công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống bệnh dại và việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, về tiêm phòng vacxin dại cho chó chưa được thực hiện nghiêm túc...
Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại, đặc biệt tập trung quản lý chặt chẽ đàn chó và nâng cao tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó nuôi, hạn chế tối đa lây truyền bệnh dại cho người, giảm thiểu số người bị chó cắn và số người tử vong do bệnh dại, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo khắc phục những hạn chế nêu trên; đồng thời, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021”.
Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, người đứng đầu UBND các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại; xử lý cán bộ công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Đồng thời, các địa phương ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý, tiêm phòng bệnh dại, như: hỗ trợ vacxin dại tiêm phòng chô động vật trên địa bàn nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm phòng; hỗ trợ tiêm vacxin điều trị sau phơi nhiễm cho người dân thuộc các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, người tham gia phòng chống bệnh dại; rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số chó nuôi trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng; yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, nhốt và tiêm phòng vacxin dại cho chó nuôi theo đúng quy định...
Chỉ thị cũng nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc (bao gồm cả thuốc đông y, bài thuốc cổ truyền, gia truyền) chưa được phép lưu hành để khám và điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn. Bên cạnh đó sẽ tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vacxin dại. Mọi trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh dại sẽ được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Các Bộ, ngành cũng được yêu cầu cùng vào cuộc để phòng chống bệnh dại. Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế được giao nhiệm vụ triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia công tác phòng, chống bệnh dại tại cộng đồng. Xây dựng và cung cấp tài liệu truyền thông trong phòng, chống bệnh dại trên người và động vật cho các địa phương để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; Tăng cường giám sát phát hiện các ca bệnh dại với sự hỗ trợ và tham gia của cộng đồng dân cư; theo hướng tiếp cận Một sức khỏe, có sự phối hợp chặt chẽ của ngành thú y và y tế, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.
Hai Bộ quan tâm tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ thú y, y tế dự phòng để nâng cao kỹ năng giám sát, điều tra ổ dịch, thu thập thông tin dịch tễ về bệnh dại ở người và động vật; chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành tăng cường nghiên cứu, phối hợp với các doanh nghiệp để sản xuất vacxin dại, chủ động nguồn cung ứng vacxin trong nước và giảm giá thành sản phẩm vacxin. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ bổ sung chính sách hỗ trợ vacxin dại cho các huyện nghèo, hỗ trợ vacxin dại và huyết thanh kháng dại điều trị dự phòng cho người nghèo...