Gần 100 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929 khởi nguồn từ Mỹ, thế giới một lần nữa chứng kiến làn sóng dựng rào cản thương mại đang trỗi dậy mạnh mẽ. Đầu tháng 4/2025, chính quyền Tổng thống Mỹ bất ngờ công bố mức thuế nhập khẩu mới lên tới 46% với nhiều mặt hàng, bao gồm cả những nhóm hàng chủ lực từ Việt Nam.
Đây không chỉ là một quyết định về thuế mà là một tín hiệu rõ ràng cho sự trở lại của xu hướng "đóng cửa" kinh tế, còn gọi là chủ nghĩa bảo hộ: các nước cố gắng bảo vệ sản xuất trong nước bằng cách đánh thuế cao lên hàng nhập khẩu. Điều này từng khiến thương mại toàn cầu đình trệ trong quá khứ và nếu không ứng phó kịp thời, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít sóng gió.

Đầu tháng 4/2025, chính quyền Tổng thống Mỹ bất ngờ công bố mức thuế nhập khẩu mới lên tới 46% với nhiều mặt hàng của Việt Nam. Ảnh: AFP.
Từ bài học của năm 1930
Tháng 6/1930, đạo luật Smoot-Hawley ra đời với mục tiêu tưởng chừng chính đáng: bảo hộ ngành nông nghiệp và công nghiệp trong nước Mỹ. Nhưng khi hơn 20.000 mặt hàng bị tăng thuế nhập khẩu, hệ quả là cơn “bão thuế” lan rộng, xuất khẩu Mỹ rơi từ 5,4 tỷ USD (1929) xuống 2,1 tỷ USD (1933); nhập khẩu cũng giảm gần 3 tỷ USD. GDP quốc gia lớn nhất thế giới khi đó suy giảm đến 30% trong 4 năm liên tiếp. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp phá sản, hàng triệu người mất việc, và cả thế giới rơi vào vòng xoáy suy thoái kéo dài.

Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley gây ảnh hưởng trầm trọng đến nên kinh tế Mỹ. Ảnh: ST.
2025 – tiếng chuông cảnh tỉnh từ quá khứ
Kịch bản ấy dường như đang được vẽ lại. Chính sách thuế mới của Mỹ trong tháng 4/2025 đã đánh thẳng vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thép, gỗ, điện tử, dệt may, với mức thuế lên tới 46%.
Giới phân tích lo ngại cú đánh này có thể gây ra “cú sốc lớn nhất đối với hệ thống thương mại toàn cầu kể từ thập niên 1970”, theo Deutsche Bank. Sàn chứng khoán toàn cầu phản ứng tức thì: Reuters ghi nhận hơn 10.000 tỷ USD vốn hóa “bốc hơi” chỉ trong vài ngày. S&P 500 sụt hơn 10%, mức giảm mạnh nhất kể từ Thế chiến II.
JP Morgan dự báo xác suất suy thoái của nền kinh tế Mỹ đã chạm mốc 60%, với nguy cơ stagflation, tăng trưởng chậm nhưng lạm phát và thất nghiệp lại đồng loạt gia tăng trở thành hiện thực.
Việt Nam không ngồi yên trước "bão"
Khi các đòn gió từ chính sách thuế bắt đầu thổi tới, Việt Nam không chọn cách thủ thế. Tối 7/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chính thức đề nghị phía Mỹ hoãn áp thuế ít nhất 45 ngày để hai bên có thời gian đàm phán, tìm kiếm giải pháp hợp lý.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp vào ngày 7/4 về cập nhật tình hình và giải pháp ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ. Ảnh: VGP.
Không chỉ dừng ở đối thoại, Chính phủ Việt Nam cũng thúc đẩy chiến lược dài hạn: nâng tầm hàng xuất khẩu thông qua đầu tư công nghệ, cải tiến chuỗi cung ứng, thiết kế, truy xuất nguồn gốc – những yếu tố làm nên sức cạnh tranh bền vững trên thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, tuân thủ quy tắc xuất xứ và minh bạch nguồn hàng đang được siết chặt để tránh tình trạng bị quy kết là “trung chuyển hàng hóa từ nước thứ ba” – một rủi ro không nhỏ trong bối cảnh các rào cản thương mại ngày càng tinh vi hơn.
Giữ vững tay chèo giữa sóng lớn
Không thể phủ nhận, cú hích thuế quan từ Mỹ sẽ để lại ảnh hưởng rõ nét lên các ngành xuất khẩu chủ lực đặc biệt là dệt may, đồ gỗ, da giày. Nhưng bài học từ khủng hoảng 1930 cũng là lời nhắc nhở quý giá: càng trong biến động, càng cần sự chủ động và linh hoạt.
Thay vì bị động trước những biến động lớn của kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang chủ động ứng phó. Từ việc đề nghị Mỹ gia hạn đàm phán, đến việc nhanh chóng tìm kiếm thị trường thay thế và thúc đẩy nâng cấp chất lượng sản phẩm – tất cả cho thấy một quyết tâm rõ ràng: không để nền kinh tế rơi vào trạng thái bị động.
Các chiến lược như đa dạng hóa đối tác thương mại, cải tiến mô hình sản xuất, nâng cao năng lực công nghệ và đảm bảo minh bạch nguồn gốc hàng hóa đang dần trở thành "tấm khiên" bảo vệ doanh nghiệp trước làn sóng rào cản thương mại mới.
Tuy nhiên, nếu chậm trễ hoặc thiếu quyết liệt trong hành động, Việt Nam vẫn có thể đối mặt với những hệ lụy từ chính sách bảo hộ toàn cầu, điều mà giới chuyên gia gọi là "suy thoái do chính sách".
Chúng ta đang ở giữa tâm bão nhưng cũng đang thể hiện bản lĩnh của một nền kinh tế đang trưởng thành. Và lần này, chúng ta không để lịch sử lặp lại một cách vô nghĩa.