Nếu khán giả được phép vào sân Thiên Trường chiều 23/5, trong trận vòng loại với HAGL, đội bóng thành Nam có thể thu về một tỷ đồng.
Từ nửa cuối mùa 2019, Thiên Trường nổi lên như một hiện tượng tại V-League. Giữa lúc giải đấu đang đau đầu để tìm cách lôi khán giả tới sân, Nam Định gần như trận sân nhà nào cũng cháy vé.
Với mệnh giá dao động từ 10.000-70.000 đồng, CĐV thành Nam thoải mái tìm một chỗ ngồi hợp túi tiền để theo dõi thầy trò HLV Văn Sỹ thi đấu.
Khi sân cỏ Việt Nam bị bóng đen SARS-CoV-2 bao phủ, bóng đá nói chung và tại Nam Định nói riêng càng được quan tâm. Bởi vậy mà ngay khi LĐBĐ Việt Nam (VFF) và VPF chốt ngày trở lại, người hâm mộ Nam Định đã kêu gọi lấp đầy sân Thiên Trường trong cuộc tiếp đón HAGL.
Với sức chứa hơn 20.000 chỗ, việc thu về một tỷ đồng tiền bán vé hoàn toàn nằm trong tầm tay CLB này.
Theo quy luật thị trường, những sản phẩm có chất lượng tốt sẽ có giá bán cao và ngược lại. Nhưng với bóng đá Nam Định, điều ấy chưa hẳn đúng.
Giá vé vào sân Thiên Trường hiện ngang bằng giá vé vào sân Vinh - những nơi được xem là chảo lửa ở nước ta - với mức trung bình khoảng 800.000 đồng cho vé xem cả mùa, và nằm trong nhóm thấp nhất cả nước.
Nếu chiếu theo các học thuyết kinh tế, hẳn chất lượng bóng đá của Nam Định, SLNA sẽ thấp hơn TP.HCM, đội vừa nâng mức vé mùa 2020 lên 30% so với cùng kỳ năm trước, và cao hơn Hà Nội, Viettel - những đội thường mở cửa tự do cho khán giả vào sân.
Nhưng sự thật không hoàn toàn như vậy. TP.HCM bán vé đắt hơn bởi có nhiều ngôi sao tên tuổi hơn như Công Phượng, Bùi Tiến Dũng.
Việc tăng giá vé của á quân V-League giống một lời quảng cáo hơn là cam kết chất lượng, dù hiện tại họ làm tốt cả hai việc này. Nó phù hợp khi coi bóng đá như một món hàng hóa, thứ mặt hàng nào độc hơn sẽ có giá cao hơn.
Còn Hà Nội dường như vẫn hoạt động theo cơ chế kiểu cũ, nơi tiền bán vé không được quan tâm và cũng chẳng được xếp vào một loại nguồn thu thường niên.
Cùng một suất đầu tư từ các ông bầu, có đội sẽ dùng triệt để rồi kỳ vọng thu lại từ thành tích sân cỏ và tiền bán vé.
Có đội lại liệu cơm gắp mắm, vừa đi vừa dò đường theo kiểu đi bước nào chắc bước ấy, không dám vung tay quá trán. TP.HCM là đại diện tiêu biểu cho cách làm đầu, còn Nam Định, SLNA - những đội dựa chủ yếu vào tuyến trẻ và có ít ngân sách - buộc phải chọn phương án hai.
Không có con đường chung nào để dẫn tới thành công. Nhưng ở góc độ khán giả, họ vẫn muốn được thưởng thức bóng đá đúng nghĩa: không tiêu cực, cầu thủ chơi hết mình, và sân đông khán giả.
Đòi hỏi ấy càng thêm chính đáng khi bóng đá trở lại sau hai tháng tạm hoãn.