
Quang cảnh Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046. Ảnh: Bùi Lượng.
Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 (chương trình) đã được Cục Thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 28/3.
Theo dự thảo chương trình, giai đoạn 2026-2046, để hoàn thành các mục tiêu tại ASIAD và Olympic, hàng năm thể thao Việt Nam đầu tư khoảng 165 -170 vận động viên (VĐV) trọng điểm ở 17 môn thể thao trọng điểm gồm: điền kinh, bắn súng, bắn cung, taekwondo, cử tạ, boxing, đấu kiếm, thể dục dụng cụ, xe đạp, judo, vật, bơi, cầu lông, đua thuyền, karate, wushu, cầu mây.
17 môn thể thao này chia thành 2 nhóm.
Nhóm 1 là các nội dung, môn thể thao thế mạnh có nhiều khả năng tranh chấp huy chương Olympic (8 môn): bắn súng, bắn cung, cử tạ, taekwondo, boxing, đấu kiếm, đua thuyền, cầu lông (tập trung đào tạo, tập huấn dài hạn ở nước ngoài khoảng 100 - 110 vận động viên).
Nhóm 2 là các nội dung, môn tiềm năng và có nhiều khả năng tranh chấp huy chương tại ASIAD (9 môn): điền kinh, judo, karate, wushu, thể dục dụng cụ, vật, bơi, cầu mây, xe đạp (kết hợp tập trung tập huấn trong nước và cử đi tập huấn, thi đấu ngắn hạn tại nước ngoài theo chế độ đặc thù: 65 - 70 vận động viên).
Tại hội thảo, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao của Ủy ban TDTT (nay là Phòng Thể thao thành tích cao, Cục TDTT Việt Nam) Nguyễn Hồng Minh cho rằng cần rút gọn số môn thể thao trọng điểm, cả ở nhóm môn đầu tư cho mục tiêu giành huy chương Olympic, ASIAD. Qua đó, tập trung nguồn lực đầu tư cho những môn trọng điểm sau khi được rút gọn. Ông Nguyễn Hồng Minh dẫn chứng là các nền thể thao phát triển cũng chỉ tập trung đầu tư trọng điểm cho khoảng 4-6 môn để tranh chấp HCV Olympic. Với nhóm môn tranh chấp huy chương ASIAD cũng cần rút gọn.
Trong khi đó, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành đề xuất nên chia các môn trọng điểm ra làm 3 nhóm thay vì 2 nhóm như hiện nay. Trong đó, riêng nhóm 1 chỉ có khoảng 3-4 môn và cần được coi như môn thể thao quốc gia, có thể tranh chấp huy chương Olympic, với mức đầu tư khác biệt hẳn so với nhóm còn lại.
Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam Đặng Hà Việt đã tiếp thu các ý kiến và hứa sẽ xem xét việc rút gọn nhóm môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046.
Theo tính toán của CụcTDTT Việt Nam, dự kiến kinh phí phục vụ cho những mục tiêu ASIAD, Olympic trong giai đoạn 2026-2046 vào khoảng gần 4.000 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2026 - 2030: Khoảng 175 - 180 tỉ đồng/năm/17 môn; Giai đoạn 2030 - 2036: Khoảng 175 - 180 tỉ đồng/năm/17 môn và thêm 10% giai đoạn 2026-2030; Giai đoạn 2036 - 2046: Khoảng 175 - 180 tỉ đồng/năm/17 môn và thêm 10% của giai đoạn 2030 - 2036.
Hội thảo là dịp để Cục TDTT Việt Nam sớm hoàn thiện chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 trước khi trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Từ đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ xem xét, thông qua.