Trả lời phóng viên, Bộ trưởng Nhạ cho biết, một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019 là việc qui định về thực hiện tự chủ đại học, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm và hiệu lực của Hội đồng trường, đảm bảo để Hội đồng trường hoạt động "thực quyền" hơn.
Cụ thể, Hội đồng trường có quyền quyết định trong việc lựa chọn hiệu trưởng để điều hành các hoạt động của trường, đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn cụ thể.
Trong báo cáo gửi Bộ GD-ĐT, Đại học Hạ Long cho biết, việc Chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng nhà trường trong giai đoạn hiện nay, nhằm đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với một trường mới thành lập, với các mục tiêu phát triển mạnh mẽ ở phía trước.
Giai đoạn tiếp theo, sau khi tổ chức bộ máy nhà trường ổn định, Đại học Hạ Long sẽ chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiện toàn chức danh Hiệu trưởng, phù hợp với quy định, yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết thêm.
"Việc Chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm Hiệu trưởng một trường đại học chỉ nên là giải pháp tình thế trước mắt. UBND tỉnh Quảng Ninh cần xem xét chỉ đạo Trường Đại học Hạ Long sớm kiện toàn nhân sự hiệu trưởng chuyên trách để tập trung vào công tác quản lý, điều hành các hoạt động của nhà trường", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Ông cũng lưu ý thêm, các cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục đại học trên cả nước cần bám sát các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định luật pháp liên quan trong chỉ đạo thành lập, công nhận Hội đồng trường, hiệu trưởng, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.