"Tôi luôn nói đi nói lại tại các diễn đàn việc các vùng trồng cần phải có nhà đóng gói và kho lạnh để sơ chế, phân loại, đóng gói và bảo quản nông sản".
Một buổi sáng đầu tháng 6, tôi nhận được điện thoại của anh Nguyễn Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - nhờ hỗ trợ đầu ra cho một HTX trồng chuối Laba ở Lâm Đồng. Có chút bất ngờ với suy nghĩ "một loại chuối đặc sản như Laba mà cũng khó khăn trong tiêu thụ sao", sẵn lòng còn nặng nợ với nông nghiệp Lâm Đồng, biệt đội Unifarm cứ thế lại lên đường.
Đón tiếp chúng tôi là chị P, chủ nhiệm một HTX trồng chuối với vài chục xã viên và hơn 50 ha chuối đang vào mùa thu hoạch rộ. Chị vừa đưa chúng tôi đi thăm đồng, vừa than thở: "Chuối gần chín cả trên đồng thế này mà không có ai mua anh ạ".
Không ngoài dự đoán của tôi, hầu hết diện tích trồng chuối ở đây đều trồng chưa đúng chuẩn, trong đó có một số hộ có vẻ đã từng tìm hiểu về kỹ thuật trồng và chăm sóc buồng chuối, tuy nhiên lại chưa đến nơi đến chốn.
Mặt khác, tương tự như hầu hết các khu vực trồng chuối (và nhiều loại nông sản khác) của người nông dân từ Nam chí Bắc nơi tôi đã từng tìm hiểu và tư vấn, một vùng trồng lớn như vậy nhưng không hề có một nhà đóng gói cùng một kho lạnh bảo quản nông sản cơ bản nào cả.
Thấy tôi thắc mắc, chị bảo: "Mấy năm trước thương lái cứ đến chặt buồng mang đi thôi, cần nhà đóng gói để làm gì". Chị tỏ vẻ ngạc nhiên khi tôi giải thích thời gian tối ưu về mặt kỹ thuật để một buồng chuối từ lúc thu hoạch, sơ chế đến lúc đóng gói hoàn chỉnh để đưa vào kho mát bảo quản là vỏn vẹn 4 giờ đồng hồ, sau đó phải luôn đảm bảo nhiệt độ là 14oC cùng ẩm độ là trên 85% cho đến thị trường tiêu thụ. Và vì vậy mà HTX buộc phải có nhà đóng gói và bảo quản ngay tại vùng trồng. Chị cam kết nếu được Unifarm "giải cứu" và tư vấn thì chị sẽ đầu tư để có kết quả tốt hơn vào mùa sau.
Đến hôm nay, Unifarm đã có phương án để "giải cứu" cho HTX nói trên, tuy nhiên, câu chuyện mà tôi hay phát biểu tại các hội thảo về nông nghiệp hay trên phương tiện truyền thông là: muốn bán hàng, hãy đầu tư một nhà đóng gói cùng một hệ thống kho lạnh cơ bản đúng chuẩn trước.
Kỹ thuật canh tác và tiêu chuẩn sản phẩm đối với từng thị trường là chuyện buộc phải nắm rõ trước khi quyết định chọn cây nào để đầu tư sản xuất, nhưng nếu không có nhà đóng gói thì cũng không làm được gì cả. Thử hình dung, một người nông dân dù có thể trồng được quả dưa lưới đẹp lung linh hay một buồng chuối không tì vết mà anh ta lại không có nhà đóng gói và kho lạnh đạt chuẩn để sơ chế, đóng gói và bảo quản thì những sản phẩm của anh đến tay người tiêu dùng (trong và ngoài nước) bằng cách nào?
Kỹ thuật canh tác và tiêu chuẩn sản phẩm đối với từng thị trường là chuyện buộc phải nắm rõ trước khi quyết định chọn cây nào để đầu tư sản xuất, nhưng nếu không có nhà đóng gói thì cũng không làm được gì cả.
Ừ thì đã có lúc các thương lái Trung Quốc và mạng lưới người Việt do họ điều hành có thể đến tận vườn người dân để mua và tự đóng gói tạm bợ và mang đi tiêu thụ, nhưng điều đó chỉ diễn ra khi hàng hóa thực sự khan hiếm và khi thị trường khổng lồ này vẫn còn dễ tính. Còn bây giờ, chuyện đó... xưa rồi Diễm.
Viết đến đây, chợt nhớ thắc mắc của một nhà báo kỳ cựu của Báo Nông nghiệp Việt Nam: "Chú thấy việc các địa phương cấp mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói có gì khó khăn không mà tại nhiều nơi vẫn còn có tình trạng 'mượn' mã số nhà đóng gói để xuất khẩu?".
Câu trả lời tưởng phức tạp nhưng thực ra rất đơn giản, chuyện cấp mã số là chuyện cơ quan quản lý nông nghiệp địa phương phải làm nên không có khó dễ gì cả, nhưng vấn đề là người nông dân có mấy nhà đóng gói đâu mà cấp mã số nhà đóng gói?
Cứ đi vào những khu trồng chuối lớn từ Trảng Bom - Đồng Nai đến Xuyên Mộc - Vũng Tàu thì sẽ rõ, trong hàng ngàn hecta trồng chuối của nông dân, có mấy người có được nhà đóng gói? Thế bảo sao các thương lái Trung Quốc mua chuối vùng này nhưng phải "mượn" mã số của nhà đóng gói nơi vùng khác. Thôi thì đó là chuyện thường ngày ở huyện.
Câu chuyện giải cứu nông sản là chuyện không mới nhưng vẫn thời sự, cứ ít lâu lại diễn ra ở chỗ này chỗ khác. Thường trong mỗi đợt giải cứu, các địa phương lại tổ chức hội thảo để tìm giải pháp, đồng thời tổ chức các chương trình kết nối cung cầu với sự tham gia của các hệ thống siêu thị ở Việt Nam.
Trong các hội thảo này, các nhà quản lý cứ bảo: phải hình thành các nhà máy chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng cho nông sản, đồng thời có thể bảo quản lâu nhằm giải quyết tình trạng "được mùa mất giá". Các hệ thống siêu thị lại cam kết hỗ trợ nông dân mua nông sản. Các phát biểu, cam kết cứ được đưa ra, còn tình trạng giải cứu thì đến hẹn cứ lên.
Vì sao vậy? Xin thưa, đặc thù của ngành chế biến nông sản là luôn ưu tiên sử dụng những sản phẩm có mẫu mã không cần quá đẹp kèm theo điều kiện cần là chi phí đầu vào phải thấp (do định mức tiêu hao nguyên liệu trong ngành chế biến nông sản thường rất lớn, ví dụ: mất 6 kg chuối tươi mới làm ra 1 kg chuối sấy dẻo), đồng thời sau khi sản xuất có thể bảo quản rất lâu, cho nên mặc dù các doanh nghiệp chế biến giữ vai trò rất quan trọng trong ngành nông nghiệp nhưng thường chỉ giải quyết khoảng 30% lượng nông sản được sản xuất ra với chuẩn dưới loại 1, còn 70% loại 1 thì vẫn phải sơ chế, bảo quản và bán tươi thì người nông dân mới có lời được.
Còn với các hệ thống siêu thị, mặc dù họ cam kết mua và sẵn sàng giữ cam kết đó, nhưng để bán hàng vào siêu thị thì nông sản phải đạt tiêu chuẩn an toàn, đồng thời phải đóng gói sản phẩm bài bản, có hệ thống logistics để giao tận nơi các cửa hàng, đồng thời có bộ máy kế toán để theo dõi và đối chiếu công nợ. Thử hỏi có mấy trang trại hay nông hộ có khả năng làm được điều này?
Với tôi, khi được mời phát biểu trong các diễn đàn này, tôi vẫn nói đi nói lại việc các vùng trồng cần phải có nhà đóng gói và kho lạnh để có thể sơ chế, phân loại, đóng gói và bảo quản nông sản, cùng hệ thống logistics để có thể đưa hàng hóa từ trang trại đến thị trường tiêu thụ nhanh và rẻ nhất. Việc dễ nhưng lại quyết định khả năng có thể bán nông sản tươi với giá trị cao được hay không cần làm trước.
Đương nhiên là việc xây dựng nhà đóng gói, bảo quản này phải đặt trong một giải pháp tổng thể về canh tác trước thu hoạch, am hiểu quy cách và tiêu chuẩn sản phẩm của từng thị trường tiêu thụ sản phẩm, công nghệ sau thu hoạch, logistics...
Có trái ngon mà không có công nghệ phù hợp để bảo quản trái ngon đó đến thị trường tiêu thụ thì bài toán đầu ra sẽ mãi còn nan giải, đặc biệt là khi thị trường dễ tính đang dần thành khó tính.
Sắp tới ngành nông nghiệp Việt Nam chuẩn bị có những tin vui như sầu riêng sắp được xuất khẩu sang Trung Quốc, nhãn đang có cơ hội được xuất khẩu sang Nhật Bản... Đó rõ ràng là những cơ hội vô cùng tốt để người trồng trong nước có thể xuất khẩu sản phẩm tươi sang các quốc gia trên với giá trị cao. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có sự chuẩn bị chu đáo để nắm bắt cơ hội này.
Cụ thể, việc canh tác, thu hoạch nông sản đúng kỹ thuật là điều hiển nhiên và không bàn cãi, nhưng còn chuyện chúng ta phân loại, đóng gói, bảo quản bằng công nghệ nào là điều phải tính.
Trong đó, các doanh nghiệp, trang trại và người nông dân cần tập trung khâu sơ chế, phân loại, đóng gói, bảo quản, xử lý, vận chuyển nông sản theo đặc tính sản phẩm và nhu cầu của thị trường cho tốt. Có trái ngon mà không có công nghệ phù hợp để bảo quản trái ngon đó đến thị trường tiêu thụ thì bài toán đầu ra sẽ mãi còn nan giải, đặc biệt là khi thị trường dễ tính đang dần thành khó tính.
Những việc cơ bản, tưởng như vụn vặt, nói dễ nhưng làm không dễ. Như Unifarm, từ lúc hình thành ý tưởng về xuất khẩu dưa lưới ra nước ngoài đến lúc thực hiện thành công, Unifarm đã mất hơn 1 năm với vài tỉ đồng để nghiên cứu giải pháp.
Trong quá trình đi chuyển giao giải pháp nông nghiệp đến người nông dân từ các địa phương trong tỉnh Bình Dương như Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bến Cát cho đến những tỉnh khác như Đồng Nai, Lâm Đồng, Cần Thơ, Hà Nội, Hà Nam..., đi đâu tôi cũng thấy sự thiếu sót và nhu cầu phải đầu tư liên quan đến vấn đề sơ chế, đóng gói, bảo quản này. Theo đó, các trang trại lớn có thể tự đầu tư cho mình, còn các nông hộ nhỏ có thể liên kết đầu tư thông qua vai trò của hợp tác xã hay cơ quan quản lý nông nghiệp địa phương.
Mới đây, Trung tâm phát triển nông nghiệp Hà Nội đã có ý tưởng hỗ trợ vốn đầu tư một nhà đóng gói, bảo quản chuối cho một trang trại trồng chuối ở Ba Vì, Hà Nội thông qua sự góp ý của tôi. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy ý kiến của tôi đã có cơ quan Nhà nước lắng nghe. Tôi hy vọng sẽ thấy các địa phương khác tham khảo và nhân rộng với phương châm: đã trồng được sản phẩm tốt thì phải bảo quản sản phẩm tốt đó đến được với thị trường.
(Ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch, Tổng giám đốc Unifarm)