| Hotline: 0983.970.780

Unifarm, mô hình đi đầu về nông nghiệp công nghệ cao

Thứ Tư 26/05/2021 , 14:18 (GMT+7)

Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (Unifarm) là doanh nghiệp đi đầu tỉnh Bình Dương về nông nghiệp công nghệ cao, đã khẳng định được những thành công lớn.

Tiên phong làm nông nghiệp công nghệ cao

Unifarm ra đời cách đây 12 năm, thời điểm khái niệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn khá mới mẻ. Vì thế, Unifarm được coi là doanh nghiệp tiên phong làm mô hình về nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương.

Đầu tư cho nghiên cứu khoa học là một trong những yếu tố mang lại thành công cho Unifarm. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Đầu tư cho nghiên cứu khoa học là một trong những yếu tố mang lại thành công cho Unifarm. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Đến nay, sau 12 năm hoạt động, Unifarm đã là một “ông lớn” trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Các sản phẩm của Unifarm như chuối, nhãn, dưa lưới… đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP không chỉ nổi tiếng và chiếm lĩnh thị trường trong nước, mà còn có mặt ở nhiểu thị trường nước ngoài như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan…

Để có mô hình nông nghiệp hiện đại, thành công như hôm nay, An Thái đã đi lên từ con số 0! Năm 2008, khi tỉnh Bình Dương định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Unifarm là đơn vị đầu tiên được tỉnh chọn làm mô hình điểm. Bởi, ông Phạm Quốc Liêm, Tổng giám đốc Unifarm hiện nay, khi đó đã thuyết phục được lãnh đạo tỉnh Bình Dương về ý tưởng, quyết tâm và những thành quả ban đầu.

Năm 2009, Unifarm chính thức đi vào hoạt động với diện tích được giao hơn 411 ha ở xã An Bình, huyện Phú Giáo. Khi đó, nơi được giao dự án là một vùng đất chỉ có gió và cỏ. Cơ sở hạ tầng, đường, điện, nước… cái gì cũng không có.

Một khó khăn không nhỏ nữa là thời điểm bắt đầu làm dự án, trong nước chưa có mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nào hoạt động hiệu quả để tham khảo, học hỏi. Unifarm đã phải tự thân vận động.

Trồng nhãn Ido Thái Lan tại Unifarm. Ảnh: Hồng Thủy.

Trồng nhãn Ido Thái Lan tại Unifarm. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Unifarm kể, thời điểm mới thành lập, Unifarm chỉ có vỏn vẹn 10 con người, gồm lãnh đạo và kỹ thuật. Các thành viên phải chia nhau đi các nước có nền nông nghiệp phát triển như Israel, Đài Loan, Nhật Bản… để học hỏi, tìm hiểu về nông nghiệp công nghệ cao. Không chỉ thế, Unifarm sau đó còn thuê chuyên gia từ Israel, Philippines về tư vấn kỹ thuật cho Unifarm.

Ban đầu, những loại cây được Unifarm chọn trồng là ớt chuông, cà chua, dưa lưới, cà tím, măng tây... Đây đều là những loại cây Israel trồng cho năng suất, chất lượng hàng đầu thế giới. Và ngay vụ trồng đầu tiên, Unifarm đã nhận được tín hiệu vui khi trở thành đơn vị đầu tiên cả nước đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với những sản phẩm trên, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Riêng cà chua, năng suất lên đến 100 tấn/ha, gấp 10 lần cách trồng truyền thống. Tuy nhiên, do quá chú trọng đến năng suất, bỏ quên yêu cầu khắt khe về kích thước, trọng lượng, nên cà chua không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Năm 2010, chuyên gia người Israel, ông Aviel Sade, đã tư vấn, đề xuất Unifarm đầu tư hệ thống nhà kính của Israel. Đây là hệ thống khép kín bao gồm tưới tiêu, bón phân, kiểm soát nhiệt độ, ẩm độ, và điều khiển tự động bằng máy tính. Hệ thống có giá gần chục tỷ đồng cho diện tích 1 ha.

Chuối là mặt hàng trái cây đã khẳng định được thành công lớn tại Unifarm. Ảnh: Thanh Sơn.

Chuối là mặt hàng trái cây đã khẳng định được thành công lớn tại Unifarm. Ảnh: Thanh Sơn.

Loại cây chính được Unifarm trồng trong nhà kính là dưa lưới, một loại trái cây mới du nhập vào Việt Nam, đang khá “hot” trên thị trường. Nhờ đầu tư bài bản, áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật tiên tiến dưới sự giám sát của chuyên gia nước ngoài, dưa lưới của Unifarm đã thắng lớn ngay vụ đầu tiên, mặc dù giá bán chỉ bằng 1/2 so với hàng nhập khẩu, trong khi chất lượng tương đương, nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Từ diện tích 1 ha trồng dưa lưới ban đầu, công ty tăng diện tích lên 3 ha và không ngừng tăng thêm diện tích khi nhu cầu tiêu thụ dưa lưới tại Bình Dương và các tỉnh, thành lân cận ngày một tăng cao.

Thời điểm năm 2010, 2011, dưa lưới bán ngoài thị trường Việt Nam phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Việc Unifarm trồng dưa lưới thành công không chỉ tạo cơ hội cho người tiêu dùng trong nước được thưởng thức trái cây ngon, sạch “made in Việt Nam”, mà còn góp phần giành lại thị trường sân nhà cho sản phẩm dưa lưới sau nhiều năm bị sản phẩm Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường.

Nâng tầm quả chuối Việt Nam

Ngoài dưa lưới, Unifarm cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu, thực nghiệm hơn 20 loại rau quả khác. Cuối cùng đã chọn ra một số mô hình cây trồng phù hợp để phát triển, chuối là một trong số đó. Năm 2011, Unifarm trồng thử nghiệm giống chuối từ Philippines.

Đến năm 2013, 10 ha chuối cho năng suất bình quân 50 tấn/ha của Unifarm đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật và Mỹ…  Đó chính là những thành công ban đầu của Unifarm.

Thu hoạch chuối ở Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (Unifarm). Ảnh: Nguyễn Thắng.

Thu hoạch chuối ở Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (Unifarm). Ảnh: Nguyễn Thắng.

Ngoài các sản phẩm chủ lực là chuối, dưa lưới hiện đã có mặt tại hầu hết ở các siêu thị lớn trên toàn quốc, với tỷ lệ phân phối nội địa và xuất khẩu 50/50; Unifarm còn có nhiều loại hoa trái khác như quýt đường, nhãn Ido có nguồn gốc từ Thái Lan với những ưu điểm nổi bật là vỏ mỏng, hạt nhỏ, cơm dày, vị ngọt, thơm, giòn… được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Hiện tại, Unifarm đã có hơn 12 ha nhà kính trồng dưa lưới, một năm 3 vụ với năng suất khoảng 100 tấn/ha/năm. Đồng thời, Unifarm còn chuyển giao, nhân rộng kỹ thuật trồng dưa lưới cho các trang trại trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, số lượng khách từ mọi miền đất nước tìm đến học hỏi kinh nghiệm ngày càng đông.

“Điều đó cho thấy, ngày càng có nhiều cá nhân, tập thể khát khao làm giàu, và thành công. Chúng tôi mong ngày càng có nhiều bà con nông dân nắm rõ kỹ thuật, quy trình canh tác áp dụng khoa học tiên tiến. Unifarm sẵn sàng chuyển giao công nghệ, giúp bà con nông dân chuyển hướng cây trồng, sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho bà con”, kỹ sư, Phó Giám đốc kỹ thuật Unifarm Phạm Minh Tiệp nói.

Ngay từ đầu tham gia và ngành này, Unifarm đã chọn cho mình một hướng đi riêng là chú trọng yếu tố chất lượng và tính an toàn của sản phẩm, qua đó, sản phẩm của Unifarm đạt tiêu chuẩn để bán vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

So với các doanh nghiệp làm nông nghiệp với định hướng xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc, chất lượng sản phẩm của Unifarm là hoàn toàn khác biệt. Vì thế, Unifarm chưa từng có chuyện phải “giải cứu” sản phẩm.

Unifarm đã hợp tác với Dole nhằm nâng tầm cho quả chuối Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn.

Unifarm đã hợp tác với Dole nhằm nâng tầm cho quả chuối Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn.

Với mục tiêu vươn lên tốp đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh chuối chất lượng cao nhất thế giới, từ năm 2014, Unifarm quyết định hợp tác với Dole, tập đoàn số 1 thế giới về trồng trọt và kinh doanh sản phẩm chuối.

Sau đó, Dole đã cử nhiều cán bộ kỹ thuật từ Phillippines và các quốc gia mạnh về chuối khác đến hỗ trợ giám chất lượng và đào tạo người cho Unifarm, nhiều nhân viên kĩ thuật của Unifarm được đưa sang Phillipines huấn luyện, đào tạo.

Năm 2016, Unifarm và Dole quyết định nâng tầm hợp tác thông qua việc ký hợp đồng để phát triển thêm 1.200 ha chuối, xuất khẩu độc quyền cho Dole, Nhật Bản và Malaysia. Riêng Unifarm được Dole tin tưởng trao quyền kinh doanh sản phẩm chuối do Unifarm trồng, được các chuyên gia Dole giám sát chặt chẽ, mang nhãn hiệu Dole tại thị trường Việt Nam, bên cạnh các dòng chuối mang các nhãn hiệu khác của Unifarm.

"Từ một công ty nhỏ, ít ai biết đến, đến nay Unifarm đã phát triển mạnh mẽ với số lượng nhân công, chuyên gia, kỹ sư lên đến hơn 400 người. Unifarm trở thành tên tuổi quen thuộc đối với hệ thống siêu thị trong nước và các nhà buôn quốc tế. Nguồn khách hàng ổn định và không ngừng tăng lên, chính là điều kiện tiên quyết, là cảm hứng quan trọng để công ty tiếp tục đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường hơn nữa".

(Tổng Giám đốc Unifarm Phạm Quốc Liêm).

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.