| Hotline: 0983.970.780

Cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đăng ký lưu hành vacxin dịch tả lợn châu Phi của AVAC

Thứ Hai 30/05/2022 , 20:00 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết cần thêm sự đồng thuận của các nhà khoa học trước khi cho lưu hành vacxin của Công ty TNHH MTV Avac Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Quang Dũng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Quang Dũng.

Trí tuệ, bản lĩnh của Thú y Việt Nam

“Vacxin phòng chống Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) là bài toán khó không chỉ với Việt Nam mà còn với cả thế giới. Việc tìm ra vacxin là sự khẳng định trí tuệ, bản lĩnh của lực lượng thú y Việt Nam”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết trong phần kết luận cuộc họp về xét duyệt hồ sơ đăng ký lưu hành vacxin dịch tả lợn châu Phi, do Công ty TNHH MTV Avac Việt Nam (Công ty AVAC) nghiên cứu.

Tuy nhiên, trước khi chính thức cho lưu hành loại vacxin này, Thứ trưởng Tiến lưu ý Công ty AVAC cần hoàn thiện thêm về hồ sơ, biện pháp nghiên cứu, và quan trọng nhất là góp ý của các nhà khoa học trong cuộc họp ngày 30/5.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT khẳng định đặt niềm tin vào 3 Hội đồng khoa học tham gia thẩm định vacxin AVAC ASF LIVE, dù bên cạnh đó còn một vài ý kiến ngoài hội đồng còn tỏ ra thận trọng.

Thứ trưởng Tiến cho biết ông đánh giá rất cao nỗ lực của AVAC, và sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn thuộc Cục Thú y.

“Cái mới bao giờ cũng khó. Đề nghị Hội đồng khoa học hôm nay cho ý kiến bằng văn bản. Tôi đề nghị việc này cần sự nhất trí của các thành viên Hội đồng thì mới có thể xin ý kiến kết luận của Bộ”, ông Tiến kết luận.

Bên lề cuộc họp, Giáo sư, Tiến sỹ Đậu Ngọc Hào, Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam đánh giá Hội đồng xét duyệt hồ sơ đăng ký lưu hành vacxin DTLCP khác rất nhiều so với thủ tục xét các hồ sơ vacxin khác bởi đây là loại vacxin rất mới và chưa có nước nào sản xuất thương mại.

“Trước đây chỉ cần khảo nghiệm trên đàn lợn 40 con, nhưng hiện nay đã khảo nghiệm trên nhiều cơ sở chăn nuôi để chúng ta có xác suất xảy ra khi có sự sai số tốt hơn. Khi đưa ra hội đồng xét duyệt thì số lượng thành viên cũng rộng hơn, ví dụ mời thêm đơn vị sản xuất vacxin đến để trình bày kết quả và sẽ được đánh giá bằng 2 phản biện”, Giáo sư Hào nói.

“Đơn vị quản lý cũng gửi các phiếu nhận xét đến từng thành viên hội đồng chứ không như trước đây chỉ cần phản biện là được. Lần này từng thành viên đều phát biểu ý kiến để xem còn tồn tại gì, vấn đề gì chưa rõ ràng trong hồ sơ để làm rõ hơn, đảm bảo tính khách quan.

Khi khảo nghiệm diện hẹp còn mời cả trung tâm chẩn đoán lấy mẫu giám sát, theo dõi kết quả rất sát. Các thủ tục gần như gấp đôi khi xét duyệt một loại vacxin bình thường”.

Trước đó, trong phần thảo luận, đại diện Chi cục Thú y Vùng I lưu ý đến việc lợn bị bệnh nền có thể bị chết sau khi tiêm vacxin, do đó cần xem xét kỹ hơn.

“Phần khuyến cáo, AVAC nói áp dụng cho lợn khoẻ, nhưng đây là tiêu chí mà nông dân khó đánh giá. Tôi cho rằng cần phải quy định rõ, xem những loại bệnh nền nào thì không được tiêm vacxin.

Trong quy trình kiểm nghiệm, chúng ta chỉ theo dõi 14 ngày. Từ thực tế của Công ty AVAC vừa làm, chúng tôi đề xuất Cục Thú y nên tăng lên 21 ngày như doanh nghiệp đã thực hiện. Đây là bước đi cần thiết, đánh giá kỹ hơn về khả năng virus còn tồn tại trong máu của động vật”, đại diện Chi cục Thú y Vùng I, cho biết.

Cán bộ Công ty AVAC lấy mẫu và công cường độc cho lợn. Ảnh: AVAC.

Cán bộ Công ty AVAC lấy mẫu và công cường độc cho lợn. Ảnh: AVAC.

Vacxin AVAC ASF LIVE có tác dụng bảo hộ đối với lợn được tiêm phòng

Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương ngày 27/5 công bố Báo cáo sơ bộ kết quả thử nghiệm vacxin Avac ASF Live trên diện hẹp. Theo Trung tâm này, mục đích của việc thử nghiệm là đánh giá các chỉ tiêu hiệu lực, bài thải virus vacxin, virus gây bệnh cường độc, và mức độ ảnh hưởng của vacxin nhược độc phòng bệnh DTLCP đối với lợn được tiêm vacxin trên thực địa với phạm vi hẹp tại mô hình quy mô đàn chăn nuôi khác nhau.

Nhà sản xuất vacxin AVAC ASF LIVE là Công ty Avac, địa chỉ tại QL5A, thôn Ngọc Lịch, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Theo Trung tâm, việc thử nghiệm tiêm phòng với phạm vi hẹp được thực hiện tại 4 trại lợn có quy mô đàn từ 300 con đến 20.000 con, gồm cả lợn thịt và lợn nái. Các trại lợn này nằm tại huyện Lục Ngạn và huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang; huyện Chương Mỹ và huyện Ba Vì của Hà Nội.

Vacxin nhược độc AVAC ASF LIVE có chứa chủng virus sống nhược độc, sản xuất trên môi trường tế bào. Vacxin được tiêm theo khuyến cáo của nhà sản xuất với liều 1 mũi đối với toàn bộ lợn thử nghiệm.

Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương đã lấy 5 con lợn ở ngẫu nhiên từ mỗi trại thử nghiệm để “công cường độc” vào ngày 28 sau khi tiêm vacxin. Ngoài ra, Trung tâm còn lấy thêm 5 con lợn đối chứng (lợn không được tiêm vacxin).

Số lợn đối chứng bắt đầu xuất hiện các triệu chứng lâm sang vào ngày thứ 2 - 3 sau khi gây nhiễm. Biểu hiện lợn sốt cao, da đỏ, nóng, giảm ăn; bỏ ăn trong vòng 3- 5 ngày tiếp theo. Thân nhiệt trung bình tăng cao nhất tới 41 độ C.

Ngày thứ 6 sau khi công cường độc, toàn bộ 5 lợn đối chứng đều chết. Kết quả mổ khám số lợn đối chứng bị chết cho thấy các bệnh tích điển hình của DTLCP như: Hệ thống hạch toàn thân sưng to, xuất huyết nặng; lách xuất huyết, có màu đen; phổi viêm và xuất huyết nặng; cơ tim và nội tâm mạc xuất huyết; bể thận xuất huyết...

Trong khi đó, lợn đã được tiêm vacxin AVAC ASF LIVE có các biểu hiện lâm sàng nhẹ sau khi bị gây nhiễm bằng virus DTLCP cường độc. Tình trạng lâm sàng hầu hết ở mức độ nhẹ, chỉ thấy biểu hiện sốt, giảm ăn trong vài ngày, sau đó hồi phục bình thường.

Tình trạng sốt ở lợn được tiêm vacxin không xảy ra đồng thời hoàn toàn, mà chỉ xảy ra thỉnh thoảng. Xuất hiện ở một số con trong toàn bộ thời gian theo dõi, cá biệt có trường hợp sốt đi sốt lại nhiều lần.

Trong báo cáo kết quả, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương cho biết chỉ có 1 lợn tiêm vacxin bị chết sau khi bị tiêm thêm cường độc. Con lợn này chết vào ngày thứ 8 sau khi công cường độc, biểu hiện lâm sàng và bệnh tích đặc trưng của bệnh DTLCP, giống như lợn đối chứng. Toàn bộ lợn được tiêm vacxin còn lại, gồm 19 con, một số biểu hiện lâm sàng nhẹ nhưng đều hồi phục và sống sót sau 21 ngày theo dõi.

Từ kết quả này, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương kết luận: 100% lợn đối chứng (5 con) không được tiêm vacxin đều chết trong vòng 9 ngày sau khi gây nhiễm virus DTLCP cường độc. Lợn được tiêm vacxin có tỷ lệ sống sót trung bình 95% (19/20 con). Trong đó, lợn của các trại Sơn Động, Lục Ngạn, Ba Vì đều sống sót 100% (5/5 con mỗi trại), lợn của trại Chương Mỹ sống sót 80% (4/5 con). Một số lợn đã tiêm vacxin có thể mắc bệnh ở mức độ nhẹ trong thời gian ngắn rồi hồi phục bình thường. Từ đó, có thể kết luận vacxin AVAC ASF LIVE có tác dụng bảo hộ đối với lợn được tiêm phòng.

Đây là vacxin mới nên chưa có nhiều tiêu chuẩn đánh giá, do đó cần hết sức thận trọng. Thông thường sau khi xét duyệt được thì sẽ đưa ra sản xuất. Nhưng với loại vacxin này thì yêu cầu nhà sản xuất phải có khảo nghiệm diện hẹp để tiếp tục theo dõi, đánh giá chi tiết. (Thạc sỹ Lê Toàn Thắng, Trưởng Phòng Quản lý thuốc Thú y)

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bình Định tập trung khắc phục các điểm sạt lở

Lực lượng chức năng của huyện miền núi An Lão đang tập trung khắc phục các điểm sạt lở do mưa lớn để khơi thông ách tắc giao thông.