Tiến Dũng nhiều khả năng bắt chính khi gặp U23 Myanmar hôm 7/6. |
Quyết định được đưa ra bởi trợ lý Kim Han-yoon, người thay HLV Park Hang-seo chỉ đạo U23 Việt Nam trong thời gian ông thầy người Hàn Quốc dự King’s Cup, và nhận được sự nhất trí cao của ban huấn luyện cũng như các tuyển thủ. Bùi Tiến Dũng là người dày dạn kinh nghiệm nhất trong số 23 cầu thủ, và là thành viên trong tất cả các chiến dịch lớn năm 2018 của bóng đá Việt Nam.
“Một cánh cửa đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra”, câu nói ấy giờ thấm thía với Tiến Dũng hơn bao giờ hết. Từng chịu nhiều điều tiếng không hay khi có một công ty bảo trợ truyền thông hộ, thậm chí xung đột quyền lợi với đội bóng cũ trong việc khai thác hình ảnh, người hùng đất Thường Châu là tiêu biểu cho một thế hệ cầu thủ trẻ mới của Việt Nam, những người sống đúng với thời đại 4.0.
Chỉ có điều, tâm thế của Tiến Dũng đi quá xa so với những gì anh thể hiện trên sân. Thủ môn sinh năm 1997 không kiếm được suất bắt chính ở Thanh Hóa, quyết định ra đi, nhưng ở đội mới Hà Nội, anh cũng không được tin tưởng, để rồi giờ không được triệu tập lên đội tuyển.
Mất suất sang Thái Lan đá King’s Cup nhưng Tiến Dũng vẫn còn cơ hội ở đội U23. Dù không ra sân phút nào trong trận giao hữu quân xanh Viettel chiều 4/6, anh vẫn nhận được sự tin tưởng lớn từ ban huấn luyện, và vượt lên trên so với những đồng đội được thi đấu nhiều ở V-League như Trọng Đại.
Không có nhiều đất diễn ở CLB, vì thế, những cơ hội ra sân trong màu áo đội tuyển sẽ là cơ hội cần phải nắm giữ của Tiến Dũng. Anh cần chứng tỏ, mình đủ khả năng và những gì đã diễn ra suốt thời gian qua chỉ là tai nạn. Tương tự như các đồng đội ở đội tuyển, Tiến Dũng cần làm tâm lý tốt và hướng tới những giải đấu quan trọng nhất trong năm 2019, là vòng loại World Cup 2022 và SEA Games 30, thay vì để tâm quá nhiều vào những trận giao hữu.
Ở tuổi 22, cơ hội làm lại của Tiến Dũng còn rất rộng. Sẽ không có gì bất ngờ nếu anh là người gác đền số một ở SEA Games. Nhưng trước khi nghĩ tới những điều xa vời, thủ môn của Hà Nội cần trân trọng những cơ hội hiếm hoi và thể hiện được “đẳng cấp” của một người từng vươn ra tầm châu lục. Chiếc băng đội trưởng trên tay, vừa là động lực, vừa là gánh nặng tâm lý không nhỏ buộc Tiến Dũng phải vượt qua.