| Hotline: 0983.970.780

Con đường nhỏ về miền du lịch lớn

Chủ Nhật 16/04/2023 , 20:34 (GMT+7)

Từ ngày 15 - 16/4, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Hà Giang về phát triển nông nghiệp và du lịch.

z4269604944546_516b2f95877fbaa56bedd5793d184db5

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và đoàn công tác thăm cột cờ Lũng Cú. Ảnh: Đào Thanh.

Phát triển du lịch và nông nghiệp là hướng đi lâu dài

Trong hành trình đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình phát triển du lịch nông thôn và nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn, xe chúng tôi chạy dọc theo quốc lộ 4C đi qua các huyện vùng cao nguyên đá gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Giữa cao nguyên hùng vỹ, quốc lộ 4C trở nên nhỏ bé tựa như sợi chỉ vắt ngang lưng chừng núi. Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc là miền du lịch lớn thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Nơi đây có vùng cao nguyên đá rộng lớn nằm ở độ cao trung bình 1.000 - 1.600m so với mực nước biển trên diện tích hơn 2.300km2, năm 2010 được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam. Có cột cờ Lũng Cú  nằm ở đỉnh Lũng Cú trên độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, cách điểm cực Bắc của Việt Nam khoảng 3,3 km theo đường chim bay. Có 17 dân tộc anh em với nhiều bản làng đậm đà bản sắc văn hóa bản địa…

z4269651366225_e4f40e743087229bda3af82a21b1b7fc

Đoàn công tác đến thăm và làm việc tại làng Mông Pả Vi của huyện Mèo Vạc. Ảnh: Đào Thanh.

Trong chương trình làm việc, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã tham quan thực tế cánh đồng rau, hoa tại thôn Vĩnh Tiến, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, đây là địa phương có diện tích trồng rau, hoa lên tới 150ha và được xem là vùng trồng rau tập trung lớn nhất tỉnh Hà Giang.

Trao đổi với chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng và người dân vùng trồng rau ở Hà Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Hà Giang cùng với các địa phương trong tỉnh khuyến khích, hướng dẫn nhân dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung; liên kết các hộ để đảm bảo thực hiện theo quy trình từ khâu chọn giống đến gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tỉnh Hà Giang cần chú trọng đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, xây dựng thương hiệu và đặc biệt quan tâm đến việc sản xuất gắn với nông nghiệp tốt và tiêu chuẩn, quy chuẩn hóa các sản phẩm.

Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng đã tham quan thực tế HTX du lịch cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ. Thôn Nặm Đăm là địa phương có địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hòa, khung cảnh thơ mộng, với 52 hộ gia đình sinh sống. 100% các hộ dân nơi đây là người dân tộc Dao. Người dân trong thôn Nặm Đăm vẫn gìn giữ kiến trúc nhà trình tường và các nét văn hóa truyền thống như: Hát đối, hát giao duyên, lễ hội cầu mùa, lễ cấp sắc... Thăm Khu nghỉ dưỡng H’Mông Village thuộc Dự án Phục dựng, bảo tồn làng văn hoá dân tộc Mông tại xã Đông Hà, huyện Quản Bạ.

z4269604949205_d4e602ebefcf8fdd7b1e5be8cf8c5dce

Đèo Mã Pì Lèng và sông Nho Quế, một trong những biểu tượng nổi bật của du lịch Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Đoàn công tác dự lễ thượng cờ tại cột cờ Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Trên đỉnh núi cao khoảng 1.470m, lá cờ đỏ sao vàng linh thiêng của Tổ quốc tung bay trên bầu trời lộng gió. Cột cờ Lũng Cú là địa danh đã đi vào lịch sử, vào văn thơ, đánh dấu chủ quyền lãnh thổ dân tộc và sự tôn nghiêm, thiêng liêng đối với mỗi con người Việt Nam. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đã tặng cho Bộ trưởng Lê Minh Hoan lá cờ đỏ sao vàng ở chân cột cờ Lũng Cú.

Với đặc điểm điều kiện địa hình cao nguyên đá hùng vĩ và văn hóa vùng miền độc đáo riêng biệt, chính quyền các cấp của tỉnh Hà Giang xác định việc phát triển du lịch và nông nghiệp sẽ là hướng đi lâu dài và bền vững mà tỉnh Hà Giang sẽ hướng tới.

Làng sinh ra văn hóa, văn hóa “nuôi sống” làng

Trong chương trình làm việc và khảo sát thực tế tại các huyện vùng cao nguyên đá, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã tham quan, trao đổi cách làm du lịch cộng đồng tại một số làng văn hóa du lịch tại huyện Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang.

z4269604940915_a2848ef1eab85d54e6a254009c25ac7d

Các làng du lịch cộng đồng ở Hà Giang ngày càng thu hút được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Đào Thanh.

Đây đều là những ngôi làng lâu đời, có nét văn hóa độc đáo riêng biệt ở Hà Giang. Nhờ giữ được nét bản địa đặc trưng trong văn hóa truyền thống đã giúp người dân ở những ngôi làng homestay này có cuộc sống ấm no với thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng.

Làng Lô Lô Chải nằm dưới chân ngọn núi Lũng Cú đã sinh sống ở đây cả mấy trăm năm. Nơi đây có nền văn hóa đậm đà bản sắc của người Lô Lô với những ngôi nhà trình tường lâu đời. Nơi đây có những hoa văn thổ cẩm độc đáo được phụ nữ Lô Lô thêu dệt nên… Từ năm 2011 đến nay, người Lô Lô ở làng Lô Lô Chải đã biết đầu tư phát triển du lịch trên chính những giá trị văn hóa vốn có của dân tộc mình. Đến nay, thôn có 190 hộ cùng liên kết làm homestay.

Những chủ homestay ở làng Lô Lô Chải cho biết, so với trước kia thì hiện nay nhờ giao thông thuận tiện, phương tiện truyền thông nở rộ nên làng Lô Lô Chải được khách du lịch trong và ngoài nước biết đến rất nhiều. Giờ đây ở Lô Lô Chải mùa nào cũng là mùa du lịch, các gia đình làm du lịch nơi đây trung bình mỗi tháng thu về 15 triệu đồng.

Qua con đèo Mã Pì Lèng với độ cao từ 1.200 đến 1.400m, dài khoảng 20km trên Quốc lộ 4C, hay còn được gọi là Con đường hạnh phúc. Người ta đặt cho con đường này tên là Con đường hạnh phúc bởi vì con đường giúp thông thương nối liền các vùng sâu, xa khó khăn của nơi đầu nguồn biên giới Hà Giang lại với nhau để mở ra khát vọng ấm no. Để làm ra Con đường hạnh phúc ấy không chỉ tốn tiền bạc, sức người mà còn có cả sự hi sinh của những thanh niên cảm tử.

Qua Mã Pì Lèng, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã đến làng văn hóa cộng đồng dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc. Ngôi làng có 26 ngôi nhà trình tường xây dựng tập trung tại 1 khuôn viên rộng lớn mang đậm kiến trúc văn hóa Mông. Ngoài những căn nhà kinh doanh dịch vụ homestay, trong khuôn viên ngôi làng có xây dựng 1 nhà văn hóa cộng đồng rộng lớn, là nơi trưng bày các đồ dùng sinh hoạt, các nhạc cụ hay công cụ lao động sản xuất của người dân.

20230415_153700

Phát triển du lịch nông thôn và nông nghiệp bền vững là hướng đi mà chính quyền tỉnh Hà Giang hướng tới. Ảnh: Đào Thanh.

Làng Mông Pả Vị hiện nay phát triển du lịch cộng đồng theo hướng liên kết các hộ với nhau để hướng tới phát triển chất lượng dịch vụ du lịch tốt nhất nhưng vẫn đậm đà bản sắc nguồn cội. Đến đây ngoài ở trong không gian văn hóa thì ngôi làng còn có dịch vụ như bài tắm lá thuốc của người bản địa, thưởng thức văn hóa ẩm thực của người Mông, mua các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của mảnh đất Mèo Vạc…

Trao đổi với những người dân bản địa về cách làm du lịch cộng đồng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan rất tâm đắc khi những ngôi làng, không gian văn hóa và con người nơi đây tạo cho ông nhiều cảm xúc. Những cảm xúc ấy có được bởi những ngôi làng nơi đây còn mang đậm màu sắc văn hóa mang đậm nét xưa hồn cũ.

Ngày 17/4, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT tiếp tục chương trình làm việc tại tỉnh Hà Giang với các nội dung như: Tham dự Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang năm 2023; thăm và làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang.

Xem thêm
Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

2 người tử vong sau tiếng nổ lớn trong vườn nhà dân

Trên địa bàn huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An vừa xảy ra vụ việc thương tâm khiến 2 người chết, 1 người bị thương.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.