Theo báo cáo của Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3, Bộ NN-PTNT và kết quả kiểm tra thực địa của các các sở, ban ngành và UBND huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) ngày 18/9/2024, do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu sau bão số 3, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra mưa lớn diện rộng kéo dài nhiều ngày gây sạt lở đất mái taluy dương bờ hữu kênh chính hệ thống thủy lợi Cửa Đạt đoạn từ K6+300-K6+500, thôn Hợp Thành, xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc.
Chiều dài cung sạt lở đất khoảng 150m, rộng khoảng 100m; sạt lở đất từ cao trình +95.00m vùi lấp đất đá xuống lòng kênh chính (cao trình bờ kênh +37m), khối lượng đất đá sạt lở khoảng trên 150.000m3, hiện đã lấp kín và gây ách tắc lòng kênh đi qua vị trí này; có nguy cơ ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống tại thôn Hợp Thành, xã Phùng Giáo, đặc biệt là 4 hộ dân/19 nhân khẩu sinh sống ngay bên bờ tả kênh (đối diện với cung sạt trượt) và người dân, phương tiện khi tham gia giao thông dọc tuyến kênh.
Diễn biến sạt lở tại khu vực này vẫn có chiều hướng phát triển phức tạp, khó lường, đặc biệt là khi có mưa lớn xảy ra.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định Công bố tình huống khẩn cấp đối với sạt lở đất mái taluy dương kênh chính Cửa Đạt đoạn từ K6+300-K6+500 xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc bị ảnh hưởng do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra.
UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3 tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở đất và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra; cắm mốc, biển cảnh báo nguy hiểm khu vực bị ảnh hưởng của sạt lở đất.
Khẩn trương có biện pháp đảm bảo an toàn cho tuyến kênh chính Cửa Đạt đoạn từ K6+300 - K6+500 và thực hiện phương án dẫn nước về hạ du đảm bảo đủ lưu lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt và công nghiệp.
Giao UBND huyện Ngọc Lặc khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án ứng phó theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho người, tài sản và các công trình liên quan bị ảnh hưởng theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là tổ chức sơ tán các hộ dân đến nơi an toàn cho đến khi hoàn thành công tác xử lý.
Tổ chức lập rào chắn, cử người canh gác 24/24h để không cho người và phương tiện tham gia giao thông dọc tuyến kênh, tổ chức phân luồng giao thông khoa học đảm bảo giao thông đi lại trong khu vực; đồng thời, thông tin, tuyên truyền cho các hộ dân, đơn vị trong khu vực biết để chủ động phòng tránh; tuyệt đối không cho người và vật nuôi đi vào khu vực sạt lở đất, đặc biệt là khi xảy ra mưa lớn.
Giao các sở NN-PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thuỷ lợi 3 tổ chức thực hiện đảm bảo theo quy định.