Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

THÁI HẠO - Thứ Hai, 18/03/2024 , 14:26 (GMT+7)

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Đền "Cửa Đặt" và chùa "Cửa Đạt". Ảnh: Thái Hạo.

Hôm qua tôi cùng anh Hoàng Tuấn Công đi Thường Xuân, một huyện miền núi phía tây Thanh Hóa, thăm lại một gia đình người Thái nơi cách nay khoảng 30 năm về trước anh đã lên thực tập lúc học ngành Sử ở Đại học Tổng Hợp Hà Nội. Núi đồi trùng điệp, mây phủ trắng xóa... Chiếc xe trùng triềng qua những con đường đèo dốc quanh co, rồi hồ thủy điện Cửa Đạt nổi tiếng hiện ra trước mắt với với dòng chữ lớn... Nhưng điều thu hút tôi là bên cạnh bao nhiêu những địa danh được gắn chữ “cửa Đạt” thì bỗng xuất hiện một chữ, chỉ khác cái dấu: Đền Cửa Đặt. Tôi đặt câu hỏi, rằng, đạt và đặt có liên quan gì không, và nếu có, cái nào trước, cái nào sau, và vì sao lại có sự thay đổi này.

Vào ngôi làng của người Thái, ăn cơm và trò chuyện, tôi hỏi nhiều về văn hóa và những thắc mắc của mình về đủ thứ chuyện. Ở đây có con sông Đặt đổ vào sông Chu. Người làng cho biết, ngày xưa tại vị trí này có ngôi làng tên làng Đặt, hàng loạt địa danh ở đây cũng gắn với chữ “đặt”. Tìm hiểu thêm thì biết được rằng, “đặt” là một từ trong tiếng Thái. Một bạn tôi là người Thái, hiện đang dạy học, khi nghe tôi hỏi về nghĩa của chữ “đặt” này thì đã trả lời rằng, trong tiếng Thái cổ, nó có nghĩa là trốn, nấp, im lìm..., như “đặt dú” là im lặng, nghe mà giả vờ như không nghe... Hiện nay, chữ ấy đã ít xuất hiện trong giao tiếp hàng ngày, nhưng trong tiếng Thái cổ, thư tịch và tên các địa danh thì còn lưu giữ.

Trang Wikipedia cũng dẫn nguồn và cho biết: “Tên gọi Thủy điện Cửa Đạt đặt theo biến âm của tên làng Cửa Đặt ở bờ trái sông Chu tại vị trí đập, phía trên cửa Đặt là nơi sông Đặt đổ vào sông Chu một quãng ngắn. Sông Đặt chảy từ phía xã Xuân Lẹ ở tây nam đến, qua xã Vạn Xuân đến làng Đặt ở bờ phải sông Chu”. Như vậy, có thể khẳng định rằng, xưa, đây vốn là cửa Đặt chứ không phải cửa Đạt như tên gọi bây giờ. Vậy tại sao lại đổi, đổi từ khi nào, và đổi để làm gì? Có phải là từ cách đây 20 năm khi xây dựng hồ thủy điện Cửa Đạt? Phải chăng, những người làm công tác chính quyền và chính sách, vì thấy chữ “đặt” không có nghĩa hoặc “không hay” nên đã tự ý đổi đi?

Dừng chân tại bản Mạ, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa. 

Ngôn ngữ thì luôn biến đổi, nhiều từ sinh ra, đồng thời nhiều từ mất đi, đó là một hiện tượng tất yếu và không thể cưỡng lại được. Nhưng trong dòng biến đổi mạnh mẽ ấy, địa danh là một trong những nơi “cố thủ” và “lì lợm” bậc nhất. Có thể nói, đặc trưng này là một may mắn cho văn hóa, để dù cho ngôn ngữ có thay đổi dữ dội tới đâu, nó vẫn đứng lại một cách lâu dài để bảo lưu các giá trị lịch sử trong dòng chảy cuồn cuộn của những biến thiên dâu bể ấy.

Ngay như làng tôi, tên các cánh đồng nghe rất lạ, và dường như không có nghĩa gì cả, nào là Cồn Hốn, Mủng Thố, Trặm Hoa, Đồng Rạt..., nhưng không ai vì thế mà mang đổi chúng đi cả. Đấy là nói về những tiểu địa danh, chứ như Lũng Cú, Pleiku, Đăk Lăk, Đăk Nông... chẳng hạn, thì nếu không truy nguyên vào từ ngữ của dân tộc bản địa, cũng không ai hiểu chúng có nghĩa là gì. Nhưng không phải vì thế mà chúng không trở nên quen thuộc với tất cả mọi người, và cũng không phải vì thế mà có thể tùy tiện đổi đi.

Không thể mang từ điển ra để tra nghĩa của một cái tên riêng nhằm phục vụ ý đồ đổi tên. Hàng triệu tên của các loài cây, loài vật, địa danh..., đâu có nghĩa gì. Cá trích và cá nục thì nghĩa gì? Cây thài lài, rau dấp thì nghĩa gì? Cũng thế, Giồng Trôm, bản Mạ thì nghĩa gì? Chẳng lẽ vì thấy nó không có nghĩa (trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày) mà phải đổi đi? Không, nghĩa của mỗi cái tên riêng ấy chính là sự thân thuộc đã ăn sâu vào mọi sinh hoạt, nếp sống, nếp nghĩ của con người. Nó không những không vô nghĩa, mà ngược lại, chứa đựng một kho tàng to lớn có tính kết tinh tổng hợp về nhiều mặt mà có thể không một từ ngữ thông thường nào sánh nổi. Đó chính là giá trị của nó.

Tuy nhiên, có một hiện tượng mà tôi thấy đã diễn ra phổ biến và ngày càng ồ ạt, đó là thói quen tùy tiện trong việc đổi tên các địa danh/ địa phương. Trong bài “Chợ Nồn, và yêu cầu thận trọng khi đổi tên các địa danh” đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam, tôi đã viết: “Mỗi tên chợ, tên làng, tên đường..., đều có lịch sử và ý nghĩa nhiều mặt của nó”. “Nhiều nơi xóa tên cũ để đặt tên mới là những từ ngữ mang phong cách khẩu hiệu, nào là Vinh Quang, là Chiến Thắng, là Bình Minh, là Phú Cường..., rất vô hồn và không gợi lên được chút gì trong tâm thức người dân bản địa. Tai hại hơn, những cái tên “đời mới” này đã chia cắt con người với quá khứ của họ, tạo ra một sự đứt gãy trầm trọng về mặt lịch sử, văn hóa và hồn cốt nòi giống”.

Hồ Cửa Đạt. Ảnh: Tùng Đinh.

Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc và cư trú khắp nơi, việc giữ gìn văn hóa bản địa và văn hóa tộc người không thể tách rời khỏi việc bảo vệ tiếng nói và tên gọi đã gắn với đời sống cũng như lịch sử ngàn đời của họ.

Như huyện Thường Xuân, một địa chỉ đã gắn với cuộc khởi nghĩa vĩ đại của người anh hùng Lê Lợi. Rất nhiều địa danh ở đây còn lưu dấu vết của những năm tháng chiến đấu gian khổ ấy bằng cách đặt tên theo mỗi bước đường kháng chiến của vị chủ tướng và quân sĩ. Bên cạnh đó, là nếp sống, nếp nghĩ đã trở thành trầm tích văn hóa ăn sâu vào tâm khảm của người bản địa ngàn đời, mà một trong những nơi lưu giữ bền vững nhất chính là tên gọi các địa danh. Đổi tên tùy tiện là đang đưa tay chặt đứt và hủy bỏ các di chỉ văn hóa cũng như lịch sử tâm hồn ấy của một cộng đồng.

Câu chuyện của Cửa Đạt đặt ra cho chúng ta một vấn đề lớn, là yêu cầu tôn trọng và bảo tồn văn hóa bản địa. Vì sáp nhập hay chia tách mà buộc phải đổi đã đành. Ở đây là chuyện vô cớ thay đổi địa danh, thì dù là vô tình hay cố ý cũng không thể chấp nhận được. Đến đây, nó phát sinh một đòi hỏi, là cần trả lại tên cho những địa danh đã bị đổi một cách vô cớ như thế, trong trường hợp cụ thể này là cái tên Cửa Đặt. Nếu khó hoặc không trả lại trên giấy tờ hành chính được, thì ít ra cũng phải trả lại trên thực tế.

Thiết nghĩ, từ nay, những người làm công việc chính quyền và chính sách phải đặc biệt lưu tâm, trước khi đổi tên bất kỳ một địa danh nào cũng phải nghiên cứu, tham khảo các nhà chuyên môn và người dân địa phương, không thể dùng sự suy diễn cá nhân và ý chí chủ quan để thay đổi một cách tùy tiện như đã và đang làm.

THÁI HẠO
Tin khác
Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn
Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn

Nguyễn Huy Thiệp vẽ gốm và những tác phẩm gốm lấy cảm hứng từ tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, được hội ngộ tại triển lãm ‘Gốm Thiệp’ ở Hà Nội.

Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay
Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Trịnh Công Sơn trong chiến tranh và trong hòa bình, đều ngợi ca sức sống bất tận của làng quê Việt Nam, mà thời gian càng lùi xa càng thấy đáng trân trọng.

Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ
Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ

Một địa danh gắn bó với tuổi thơ và gia đình, dẫu đổi thay ra sao, vẫn luôn có ý nghĩa sâu sắc trong hành trình buồn vui của mỗi con người.

Bên trong Thái y viện triều Nguyễn
Bên trong Thái y viện triều Nguyễn

Những ai từng học nghề thuốc và hành nghề thầy lang giỏi, bất kể nguồn gốc xã hội đều có thể sát hạch vào Thái y viện. Cứ 2 năm triều Nguyễn lại định kỳ kiểm tra chất lượng và năng lực của các y quan.

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má
Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 ra mắt cuốn sách mới có tên gọi 'Bạc đầu nhớ má' ghi lại kỷ niệm về những vùng đất đi qua, những con người tương phùng.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa ra mắt cuốn sách ‘Tiếng gọi chân trời’ viết về những cuộc đi về nhân gian, qua góc nhìn đa cảm của một phụ nữ.

Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’
Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’

Phi công Hồ Duy Hùng từng gây chấn động dư luận quốc tế với vụ cướp trực thăng của Không quân Việt Nam Cộng hòa, vừa xuất bản tự truyện ‘Gãy cánh điệp viên’.

Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?
Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?

Trí tuệ nhân tạo đang làm cả thế giới phải tư duy lại tương lai, và không phải ngẫu nhiên khi có người đã hình dung mô hình trường lớp với những giáo sư robot.

Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp
Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp

Biểu tượng thờ cúng của người Việt rất đa dạng và ẩn chứa nhiều ý nghĩa tâm linh, được học giả Pháp Gustave Dumoutier biên soạn thành cuốn sách công phu.

Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh

Thành hoàng làng Đông La ở Thanh Miện, Hải Dương trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử trong diễn ca ‘Ngọc phả thành hoàng’ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu.

Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa
Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa

Lê Ký Thương, họa sĩ kiêm thi sĩ nổi tiếng, sau một thời gian đau ốm đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9h50’ ngày 14/2 tại TP.HCM, hưởng thọ 80 tuổi.

Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu
Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu

Phan Thị Vàng Anh sau nhiều năm vắng bóng trên văn đàn, đã tái ngộ công chúng bằng tập truyện ngắn có cái tên lắt léo ‘Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác)’.