Thanh Hóa hối hả sơ tán người dân vì mưa lũ. 300ha phật thủ ‘chết đứng’, ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Trồng bông súng mỗi năm cho thu nhập 500 triệu/ha. Sóc Trăng định hướng phát triển 400ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Hiện nay, nước lũ tại thượng nguồn sông Mã đã đạt đỉnh và đang rút chậm; nước lũ tại trung lưu và hạ lưu sông Mã, sông Lèn đang lên cùng với việc xả lũ tại hồ Cửa Đạt (Thường Xuân, Thanh Hóa) khiến nhiều địa phương trong tỉnh bị ngập cục bộ. Theo báo cáo nhanh từ Chi cục Đê điều Thanh Hóa, tính đến 0 giờ ngày 23/9, toàn tỉnh đã sơ tán hơn 1.000 hộ dân, với hơn 3,7 nghìn nhân khẩu tại các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Ngọc Lăc, Thạch Thành, Thọ Xuân, thành phố Thanh Hóa... Mưa lũ khiến 113 căn nhà bị hư hỏng. Địa phương chưa ghi nhận thiệt hại về người. Hiện nay, các địa phương trong vùng ngập lụt đã cắt cử lực lượng ứng trực 24/24 giờ, thực hiện phương châm 4 tại chỗ, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
300ha phật thủ ‘chết đứng’, ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Thảo Phương – Đức Minh sx
Do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, khoảng 300 ha trồng phật thủ của người dân xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội bị nhấn chìm trong biển nước. Khi nước sông Hồng rút, cả một vùng cây phật thủ bị chết, cành lá héo khô.
Giống như nhiều hộ dân khác, tất cả vốn liếng của gia đình anh Vương Chí Vui dành dụm cộng với vay mượn ngân hàng "đều trôi sông, trôi biển". Khó khăn cứ chất chồng, khoản vay 300 triệu đồng chưa trả được như "quả núi" đè nặng. Với diện tích gần 1ha trồng phật thủ mất trắng, ước tính gia đình anh Vui thiệt hại gần 1 tỷ đồng.
Điều mong mỏi nhất lúc này của anh Vui cũng như hàng trăm hộ trồng phật thủ ở Đắc Sở là được các ngân hàng có chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để bà con có cơ hội để phục hồi lại sản xuất. Đồng thời giãn, khoanh nợ đối với các hộ đang vay vốn.
Trồng bông súng mỗi năm cho thu nhập 500 triệu/ha
Văn Vũ sx
Những năm gần đây, tại ĐBSCL số lượng bông súng tự nhiên không còn nhiều như lúc trước, trong khi nhu cầu của thị trường rất cao, nông dân đã áp dụng trồng bông súng theo kiểu tự nhiên, vừa duy trì loại cây trồng đặc sản, vừa mang lại thu nhập cho gia đình.
Theo người dân, bông súng rất dễ trồng, chủ yếu sống trên mặt nước nên chỉ cần đưa nước vào ao vừa đủ là bông sống sinh trưởng tốt. Bông súng có thời gian thu hoạch dài khoảng 3-4 năm. Ngoài bán thân cây, người trồng bông súng còn có thể tận dụng lá và diện tích mặt nước để nuôi cá, giúp tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác.
Ngoài ra, bông súng có ưu điểm là cho thu hoạch quanh năm, mỗi ngày có thể thu hoạch khoảng 90-120 kg/công. Hiện, thương lái vào tận nơi mua bông súng với giá 2.000 - 2.500 đ/kg. Với mức giá này, nếu tự thu hái, người trồng bông súng có thể bỏ túi hơn 500 triệu đồng/ha một năm.
Sóc Trăng định hướng phát triển 400ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ
Kim Anh sx
Những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã xác định những đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực để định hướng phát triển sản xuất hữu cơ. UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã chính thức phê duyệt Đề án Sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030. Với tổng kinh phí hơn 67 tỷ đồng. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích đất sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt trên 400 ha; trong đó, diện tích sản xuất được chứng nhận hữu cơ khoảng 370 ha. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt hữu cơ có chứng nhận cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.