Ngày 1/11/2024, tại trụ sở Bộ NN-PTNT, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (CPV) và Đối tác Phát triển Nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) thuộc Bộ NN-PTNT đã cùng ký kết biên bản ghi nhớ “Hợp tác công tư thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững ở Việt Nam”. Đây là sự kiện nổi bật, mang tính chiến lược trong hợp tác phát triển giữa hai bên.
Tham dự buổi lễ kí kết có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo các cục, vụ, viện thuộc Bộ; đại diện tỉnh Đồng Tháp có ông Lê Quốc Phong, Bí thư tỉnh ủy và ông Nguyễn Phước Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Về phía đại diện của C.P có ông Adirek Sripratak – Phó Chủ tịch Tập đoàn C.P., ông Montri Suwanposri - Phó chủ tịch C.P. Việt Nam, ông Pawalit Ua- Amornwanit- Tổng giám đốc C.P. Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo công ty cùng đại diện các công ty khác trong ngành nông nghiệp.
Tại sự kiện, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: “Hợp tác theo hình thức Đối tác công tư (PPP) là một trong những chiến lược quan trọng mà Bộ NN-PTNT luôn hướng tới để tạo ra những động lực mới cho ngành. Sự kiện hôm nay rất ngắn nhưng sẽ mở ra hành trình rất dài, mở ra không gian tư duy, không gian hợp tác giữa các bên”.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự tham gia của C.P. Việt Nam trong các hoạt động hỗ trợ, nâng cao năng lực cho người nông dân và các đối tác khác trong chuỗi giá trị chăn nuôi. Đây là một trong những minh chứng cho thấy doanh nghiệp đang đóng vai trò tiên phong trong quá trình thúc đẩy sự bền vững trong ngành nông nghiệp.
Ông Adirek Sripratak, Phó Chủ tịch Tập đoàn C.P., cho biết, Tập đoàn sẽ luôn nỗ lực hết sức mình để đạt được kết quả và lợi ích hài hòa cho đất nước, người dân Việt Nam và cho doanh nghiệp theo hướng bền vững.
Phát biểu tại chương trình, ông Montri Suwanposri, Phó chủ tịch C.P. Việt Nam, người đặt nền móng cho sự hợp tác công tư giữa hai bên, chia sẻ: “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị cho chuỗi cung ứng, gia tăng giá trị cho nông sản, cải thiện cuộc sống của nông dân, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu và các thách thức trong sản xuất nông nghiệp không còn là xu hướng mà đã là trách nhiệm của các bên để hiện thực hóa bằng các mục tiêu cụ thể”.
Trong chương trình đại diện tỉnh Đồng Tháp cũng đã chia sẻ về hợp tác giữa C.P. Việt Nam và tỉnh Đồng Tháp trong việc xây dựng phát triển ngành nông nghiệp nông thôn và người nông dân và mong muốn cũng sẽ là kiểu mẫu trong hợp tác công tư giữa chính quyền và công ty.
Với sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ NN-PTNT và các cục, vụ, viện thuộc Bộ, ông Pawalit Ua- Amornwanit - đại diện C.P. Việt Nam và TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - đại diện PSAV, đã cùng ký kết và trao đổi biên bản hợp tác giữa hai bên. Việc kí kết lần này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững tại Việt Nam.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong bản ghi nhớ hợp tác lần này là việc thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP.
Với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực nông nghiệp và mạng lưới phân phối rộng khắp, C.P.Việt Nam sẽ cùng với PSAV thực hiện Phát triển nguồn nhân lực cho phát triển nông thôn thông qua chương trình phát triển nguồn nhân lực OTOP (Thái Lan)/OCOP (Việt Nam); thúc đẩy hợp tác và trao đổi thương mại giữa 2 chương trình OTOP (Thái Lan) và OCOP (Việt Nam) ở tầm quốc gia và khu vực; tham gia các hoạt động dự án thí điểm bằng việc thành lập Trung tâm học tập OCOP hay Chợ OCOP Tam Nông kết hợp với du lịch cộng đồng, thúc đẩy các thành viên trẻ vì sự bền vững của dự án này.
Đặc biệt, hai bên cùng xây dựng, chia sẻ và nhân rộng các sáng kiến, tổ chức các hoạt động thông tin truyền thông về hợp tác công tư thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững.
Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác công tư giữa C.P. Việt Nam và PSAV đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình cùng nhau xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam bền vững. Sự kết hợp giữa kinh nghiệm, nguồn lực và tầm nhìn của hai bên sẽ tạo ra một sức mạnh tổng hợp, góp phần giải quyết những thách thức trong nông nghiệp và nâng cao đời sống của người dân, để cùng hướng đến một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, mang lại lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.