Ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó Ban Dân nguyện của Thường vụ Quốc hội. |
Sai phạm trong thu hồi đất nông nghiệp, đất khai hoang để thực hiện dự án quốc gia, công cộng, an ninh quốc phòng, thương mại dịch vụ luôn là vấn đề nóng bỏng tại nông thôn. Đã có ý kiến nói thẳng thừng, đó là do sự móc ngoặc giữa quan chức tham nhũng và chủ dự án?
Tôi cho rằng vấn đề thu hồi đất khai hoang của người dân hiện nay rất bất cập. Nhiều trường hợp, dù chủ đất chưa được cấp sổ đỏ nhưng người ta đã sinh sống, lao động sản xuất rất nhiều đời ở đó.
Họ đổ mồ hôi, giọt máu để biến thửa đất hoang cỏ mọc trở nên giá trị. Ví dụ như vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng), người ta sử dụng khu đất ổn định lâu dài, không tranh chấp với ai, thế nhưng một ngày kia, nhà nước bỗng dưng thu hồi đất với gía rẻ mạt, thậm chí có địa phương còn liệt kê vào danh sách đất lấn chiếm.
Tôi đã truy vấn một đồng chí Chủ tịch UBND thành phố lớn: “Anh định nghĩa cho tôi thế nào là đất lấn chiếm, lấn chiếm của ai? Đất phải có ranh, phải có đai, mà đất chưa có đai thì sao gọi là lấn chiếm?” Việc không cấp sổ đỏ, đó là lỗi của nhà nước chứ.
Đất người ta đã sử dụng hàng chục đời rồi, tự dưng anh dùng quy hoạch để ụp lên. Tính ra mỗi mét vuông chưa đổi được bát phở. Tôi cho rằng đó là điều quá bất công, một lối tư duy áp đặt, một thói cướp giật của người dân.
Như ông nói thì khác gì đất khai hoang đang là “miếng mồi béo bở” của các chủ dự án?
Đó không chỉ là miếng mồi ngon của các chủ dự án mà cũng chính là miếng mồi của các quan chức tham nhũng. Họ cấu kết với nhau để lấy đất của người dân.
Trong quá trình giám sát, tôi phát hiện ra trong quá trình làm Luật Đất đai, chúng ta đã tạo ra sự bất công giữa việc thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng và đất thu hồi để thực hiện dự án dịch vụ - thương mại. Ví dụ, hai mảnh đất nằm liền kề nhau. Một mảnh bị thu hồi để làm đường, một mảnh bị thu hồi để xây dựng dự án thương mại. Tuy chỉ cách nhau một đường kẻ nhưng khác nhau hẳn về mặt bản chất, dẫn đến giá thu hồi đất chênh lệch nhau rất lớn.
Tôi hỏi rằng, tại sao lại bất công như thế? Đừng phân biệt khái niệm về mục đích sử dụng để hạ giá đất. Tôi sẽ đấu tranh đến cùng để đưa giá đất bị thu hồi về cùng một mặt bằng như nhau.
Pháp luật không được tạo ra bất công giữa những người dân. Nhà nước là của dân thì có trách nhiệm phải làm chế độ chính sách bảo vệ quyền lợi công bằng cho người dân. Anh phải đặt mình vào vị trí ấy mới thấy được sự bức xúc và đau khổ của người dân mất đất. Chính sách phải bám sát đời sống, chứ chính sách mà trên trời, cuộc đời ở dưới đất thì sẽ nảy sinh bức xúc xã hội.
Phải chăng, chính vì lý do này mà dẫn đến hiện tượng khiếu kiện tập thể, kéo dài của nông dân mất đất tại nhiều địa phương?
Ngày xưa người nông dân đi theo Bác Hồ là để thực hiện tuyên ngôn “người cày có ruộng”. Người ta đã bám ruộng nhiều đời để sinh sống, thì đừng nghĩ đất nông nghiệp không quý giá bằng đất thành thị, đất chuyên dùng. Đó là tư duy không đúng.
Cần phải thực hiện công bằng trong chính sách quản lý đất đai, từ đó mới tạo ra động lực cho cả hệ thống, ai cũng phải tôn trọng luật. Mà, tôn trọng đất thì anh phải tôn trọng con người đang giữ đất. Chứ đừng vì chuyện anh tôn trọng miếng đất ấy mà anh giật ra khỏi tay người khác, đó là bất công.
Muốn ngăn chặn tham nhũng trong thu hồi đất, theo ông cần thực hiện nghiêm những giải pháp gì?
Thứ nhất, phải nghiêm cấm sự can thiệp của lãnh đạo trực tiếp. Có địa phương giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân ra nghị quyết bổ sung dự án phải thu hồi đất. Vậy, Thường trực Hội đồng nhân dân là cái gì? Chỉ là một vài quan chức. Trường hợp này đã xảy ra ở Đồng Nai. Tham nhũng bắt đầu từ việc anh dùng sai quyền lực của mình.
Vấn đề thứ hai, là phải tăng cường vai trò giám sát. Địa phương nào để xảy ra sai phạm trong việc thu hồi đất, thì phải xử lý cả trách nhiệm của cơ quan giám sát, thậm chí là cả những người đứng đầu hội đồng nhân dân, chứ không thể để hội đồng nhân dân vô can, đổ cho ủy ban nhân dân toàn bộ trách nhiệm.
Vấn đề thứ 3 là phải dân chủ, người dân phải được tham gia vào quá trình lập, phê duyệt và tiến hành các dự án. Có những lúc người dân nói rằng không biết gì cả, quyết định thu hồi đất là của các ông cán bộ, các ông tự lập, tự bỏ vào túi các ông, chứ dân có biết đâu. Đến lúc chính quyền đưa quyết định cưỡng chế thu hồi, người dân ngã ngửa người, cái đó là vô cùng sai phạm.
Chúng ta đã có Luật Dân chủ cơ sở rồi, nhưng có những kẻ lót một tấm ván về mặt quyền lực để đi trên đạo luật về dân chủ. Người dân không biết, còn báo chí thì bị bưng bít. Phóng viên, nhà báo vào hỏi thì không ông nào nói cả, cứ lờ lớ lơ đi, thậm chí cho các lực lượng khác để giật máy, đập phá. Tôi thấy rất cám cảnh khi thấy báo chí bị xâm phạm, nhà báo bị đánh đập, đe dọa.
Xin cảm ơn ông!
Vừa qua, báo chí lên tiếng rất mạnh về nhiều khu biệt thự bỏ hoang, điển hình như ở Mê Linh, Hà Nội để hoang hàng chục năm trời. Tôi cũng đã tiếp công dân của phường Hiệp Thành, quận 12, TP. Hồ Chí Minh, có những dự án thu hồi từ những năm 2004 – 2005 mà để không đến bây giờ. Canh tác không được, dân lang bạt kỳ hồ, tan cửa nát nhà, mất cơ hội sinh sống và phát triển. Có trường hợp, chủ đầu tư đầu cơ đất trá hình, thậm chí thu hồi dự án, phê duyệt dự án để làm nhà ở cho người thu nhập thấp, nhưng sau khi thu hồi xong đất thì chủ đầu tư thông báo công khai về việc bán đất trên báo chí, dán biển bán luôn. May quá là không ai dám mua, người dân đấu tranh và một số người không nhận đền bù. |