Thực hiện Kế hoạch số 106-KH/ĐU ngày 24/10/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ về tổ chức đại hội chi bộ, đảng bộ thuộc Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Sáng 15/11, tại Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Đảng ủy Bộ tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Quyết định 190-QĐ/TW ngày 10/10/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng, thay thế Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 9/6/2014.
Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ NN-PTNT, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ, Ủy viên UBKT Đảng ủy Bộ, các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, cấp ủy viên các đảng ủy, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ.
Tại hội nghị, đồng chí Lương Nguyễn Quân, Phó Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Bộ đã phổ biến, quán triệt một số điểm mới của Quy chế bầu cử trong Đảng.
Cơ bản, Quy chế 190 vẫn giữ nguyên theo Quy chế tại Quyết định 244-QĐ/TW, Tuy nhiên có bổ sung một điểm mới, nhằm khắc phục những nội dung không còn phù hợp, không liên quan trực tiếp đến bầu cử, và quy định về nhiệm vụ của Ban thẩm tra tư cách đại biểu. Cụ thể:
Về đối tượng áp dụng: Quy chế này quy định đối tượng áp dụng đối với việc bầu cử tại đại hội chi bộ, đại hội đảng bộ các cấp, bầu cử ở hội nghị ban chấp hành, hội nghị ủy ban kiểm tra.
Về nhiệm vụ của cấp ủy triệu tập tại đại hội: Chuẩn bị đề án nhân sự đại biểu dự đại hội cấp trên; đề án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và các điều kiện để tổ chức hội nghị ban chấp hành lần thứ nhất bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp mình theo quy định, đồng thời, bổ sung thêm nhiệm vụ: Chuẩn bị số lượng, danh sách và nhân sự đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội, đoàn thư ký, thư ký đại hội, ban thẩm tra tư cách đại biểu để trình đại hội xem xét, biểu quyết thông qua.
Về nhiệm vụ của Đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội được bổ sung thêm: Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy cấp trên trực tiếp và chỉ đạo thực hiện đúng đề án nhân sự ban thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư cấp ủy đã được cấp có thẩm quyền thông qua cho đến khi bầu được ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy khóa mới.
Về nhiệm vụ của Trưởng Ban Kiểm phiếu được bổ sung thêm: Điều hành hoạt động của ban kiểm phiếu, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, chịu trách nhiệm trước đoàn chủ tịch về hoạt động của ban kiểm phiếu.
Về thành phần hồ sơ ứng cử, ngoài thành phần cũ theo Quyết định 244-QĐ/TW thì Quy định mới yêu cầu bổ sung 2 loại tài liệu là: (1) Kết luận tiêu chuẩn chính trị của cấp ủy có thẩm quyền theo quy định; (2) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị (có xác nhận của cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ hoặc của cấp có thẩm quyền).
Quy chế 190 bổ sung thêm trách nhiệm của người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy khi thực hiện thủ tục đề cử, cụ thể: Người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy của người mà mình đề cử. Sau đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tùy theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng.
Về số dư và danh sách bầu cử: Trường hợp cần bầu lấy số lượng từ 1 đến 6 người, danh sách bầu cử có số dư tối đa 1 người.
Về việc thảo luận, biểu quyết lập danh sách đối với đại hội:
- Người ứng cử, người được đề cử mà không được cấp uỷ triệu tập đại hội đề cử phải bảo đảm tiêu chuần, điều kiện theo quy định và phải được từ trên 30% tổng số đại biểu (đảng viên) dự đại hội đồng ý giới thiệu mới được đưa vào danh sách để đại hội xem xét, quyết định.
- Trường họp danh sách gồm nhân sự do cấp ủy triệu tập đại hội đề cử, do đại biểu đại hội đề cử và người ứng cử chưa đủ số dư 30% so với số lượng cần bầu thì đại hội quyết định.
- Trường hợp danh sách gồm nhân sự do cấp ủy triệu tập đề cử, do đại biểu đại hội đề cử và người ứng cử nhiều hơn 30% so với số lượng cần bầu thì xin ý kiến đại hội về những người được đại biểu đại hội đề cử và người ứng cử. Căn cứ kết quả xin ý kiến, lựa chọn theo số phiếu đồng ý từ cao đến thấp để lập danh sách bầu cử có số dư tối đa không quá 30% so với số lượng cần bầu.
Về Phiếu bầu cử được bổ sung thêm 1 trường hợp phiếu không hợp lệ, là phiếu đánh dấu X vào cả ô đồng ý và ô không đồng ý của tất cả những người trong danh sách bầu cử có nhiều người.
Về kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử bí thư, phó bí thư cấp ủy được quy định lại như sau: Sau khi được bầu, bí thư điều hành ngay công việc của cấp ủy khoá mới, được ký văn bản với chức danh bí thư; bí thư khoá trước bàn giao công việc cho bí thư mới trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi có bí thư mới. Trường hợp chưa bầu được chức danh bí thư thì cấp ủy khoá mới thống nhất phân công một đồng chí phó bí thư ký các văn bản với chức danh phó bí thư. Đồng chí phó bí thư đảng uỷ quân sự cấp tỉnh, cấp huyện được ký các văn bản với chức danh phó bí thư ngay sau khi được bầu.
Về cách tính kết quả bầu cử trong trường hợp số người đạt số phiếu bầu quá một nửa nhiều hơn số lượng cần bầu, cụ thể: Những người trúng cử là những người có số phiếu cao hơn lấy từ trên xuống cho đến khi đủ sổ lượng cần bầu. Nếu cuối danh sách trúng cử có nhiều người bằng phiếu nhau và nhiều hơn số lượng cần bầu, thì chủ tịch hoặc đoàn chủ tịch đại hội lập danh sách những người ngang phiếu nhau đó để đại hội bầu lại và lấy người có số phiếu cao hơn, không cần phải quá một nửa. Trường hợp bầu lại mà số phiếu vẫn bằng nhau, có bầu tiếp hay không do đại hội quyết định.