| Hotline: 0983.970.780

Đẩy lùi sụt lún, sạt lở, ngập úng tại ĐBSCL: Cam kết phải thực hiện

Chủ Nhật 13/08/2023 , 19:18 (GMT+7)

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến khảo sát thực tế và có cuộc làm việc chuyên đề về sụt lún, sạt lở, ngập úng tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Thủ tướng thị sát tình hình sạt lở ven biển các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau bằng máy bay trực thăng. Ảnh: VGP.

Thủ tướng thị sát tình hình sạt lở ven biển các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau bằng máy bay trực thăng. Ảnh: VGP.

Cùng đi với Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương ĐBSCL và các nhà khoa học.

Trong ngày 11/8, di chuyển bằng trực thăng và ô tô, Thủ tướng và đoàn kiểm tra tình hình sạt lở ven biển tại nhiều khu vực như thị xã Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng; khu vực biển Nhà Mút và cửa sông Gành Hào của tỉnh Bạc Liêu; các khu vực biển: Hốc Năng, Vàm Xoáy, Rạch Gốc thuộc huyện Ngọc Hiển; huyện Đầm Dơi; khu vực Đất Mũi của tỉnh Cà Mau.

Sáng 12/8, Thủ tướng và đoàn công tác tiếp tục khảo sát khu vực đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; khảo sát kè chống sạt lở khu vực dân cư vành đai nam Đông Hồ, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; khảo sát tuyến kè bảo vệ khu dân cư xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang; khảo sát kè Hổ Cứ và các điểm sạt lở của tỉnh Đồng Tháp.

Chiều 12/8, Thủ tướng có cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL nhằm đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và bố trí nguồn lực để ứng phó sụt lún, sạt lở, ngập úng trong vùng.

Nghiên cứu giải pháp quai đê lấn biển

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyến khảo sát và làm việc nhằm tiếp tục triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nói đi đôi với làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm phải có kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được; mỗi cơ quan chủ động, kịp thời, tích cực, hiệu quả triển khai các công việc được giao theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra rất phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong đó, tình trạng ngập úng, sụt lún, sạt lở đất, lũ quét tiếp tục xảy ra ở trên cả nước, nhất là tại ĐBSCL.

Thủ tướng nêu rõ, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại trong công tác ứng phó sụt lún, sạt lở, ngập úng. Diễn biến sụt lún, sạt lở, ngập úng diễn biến mạnh, phức tạp; thiếu nguồn lực để đầu tư phòng ngừa.

Bên cạnh đó, một số công trình phòng, chống đầu tư chưa thực sự căn cơ, hiệu quả, chưa bảo đảm bền vững. Chưa huy động được nhiều các nguồn lực cho phòng chống sạt lở, hầu hết trông đợi vào ngân sách Nhà nước và nguồn lực Trung ương. Công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình còn hạn chế.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh các mục tiêu: Ngăn chặn, đẩy lùi sụt lún, sạt lở, ngập úng tại ĐBSCL; bảo tồn, phát triển, khai thác bền vững rừng, đất rừng, tài nguyên khoáng sản; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, sắp xếp quy hoạch lại không gian sinh tồn và sản xuất; bảo vệ môi trường sinh thái.

Thủ tướng thăm hỏi người dân khu vực dân cư vành đai nam Đông Hồ (TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) trong chuyến khảo sát kè chống sạt lở. Ảnh: VGP.

Thủ tướng thăm hỏi người dân khu vực dân cư vành đai nam Đông Hồ (TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) trong chuyến khảo sát kè chống sạt lở. Ảnh: VGP.

Về trước mắt, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở (chỗ ở tạm, tái định cư). Chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân khi xảy ra sạt lở.

Tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng. Huy động nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của các địa phương, nguồn dự phòng ngân sách Trung ương… cho công tác này.

Về lâu dài, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ KH-CN, Bộ TN-MT tiếp tục nghiên cứu, xác định cụ thể nguyên nhân dẫn tới tình trạng sụt lún, sạt lở, ngập úng, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn (cần xác định rõ nguyên nhân đối với từng vấn đề, từng khu vực, nguyên nhân nào là chủ yếu để có giải pháp phù hợp đối với từng khu vực).

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan báo cáo về các vấn đề liên quan sạt lở, ngập úng tại ĐBSCL. Ảnh: VGP.

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan báo cáo về các vấn đề liên quan sạt lở, ngập úng tại ĐBSCL. Ảnh: VGP.

Tại một số khu vực như mũi Cà Mau cần triển khai các dự án lớn, trọng điểm, bài bản; nghiên cứu triển khai giải pháp quai đê lấn biển tại những nơi có điều kiện phù hợp (vừa phát triển giao thông, vừa chắn sóng, chống sạt lở, xâm thực, vừa giữ được phù sa để lấn biển, phát triển được quỹ đất, không gian phát triển mới).

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vấn đề khó khăn, phức tạp, một cuộc họp, một vài văn bản không thể giải quyết triệt để tình trạng này nhưng chúng ta phải làm, từng bước một, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần. Tinh thần là quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Nhóm giải pháp công trình

Theo tổng hợp của Bộ NN-PTNT từ báo cáo của các địa phương, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 km (bờ sông: 666 điểm/744 km; bờ biển: 113 điểm/390 km).

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, tình hình sạt lở tại ĐBSCL có một số điểm đáng lưu ý. Theo đó, mức độ xói lở càng ngày càng nghiêm trọng; trước năm 2005, mỗi năm bồi 100 ha thì 15 năm trở lại đây, mỗi năm mất trên 350 ha. Đồng thời, xói lở xảy ra quanh năm; trước đây chủ yếu là mùa lũ, hiện nay về mùa khô xói lở lại nhiều hơn (do ảnh hưởng của triều mạnh).

Trước tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên hệ thống sông ở ĐBSCL nói chung và dọc sông Tiền và sông Hậu nói riêng ngày một nghiêm trọng, vì vậy nhiều năm qua hàng loạt công trình bảo vệ bờ đã được xây dựng nhằm giảm bớt thiệt hại do sạt lở bờ gây ra.

Hình thức kết cấu các công trình bảo vệ bờ khá đa dạng, phong phú, qua thống kê cơ bản có 3 loại công trình chính bảo vệ bờ gồm: Công trình dân gian, thô sơ; công trình bán kiên cố; công trình kiên cố.

Về giải pháp bảo vệ bờ biển, khoảng 5 năm trở lại đây đã có nhiều giải pháp công trình xây dựng để bảo vệ dải ven biển và rừng ngập mặn, với hai dạng chính: Giải pháp bảo vệ bờ trực tiếp và giải pháp bảo vệ bờ gián tiếp (đê giảm sóng xa bờ).

Xem thêm
Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.