Chuyển đổi số để chăm sóc sức khỏe cây trồng, vật nuôi
Tỉnh Thanh Hóa có 12 sản phẩm chủ lực (gạo, thịt, trứng gia cầm, thịt lợn, rau, quả, gỗ, tôm…). Hiện nay, một số tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất, chế biến mặt hàng nông sản chủ lực đã thực hiện chuyển đổi số và đạt được những kết quả tích cực.
Điển nhình như, Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn (Lasuco) đã đầu tư vào các giải pháp công nghệ cao để tăng năng suất mía, phục vụ nguyên liệu cho nhà máy chế biến đường và tự động hóa sản xuất. Bằng công nghệ mắt thông minh (Smart Eye), kết hợp cùng công nghệ máy bay không người lái và internet vạn vật (IoT) giúp Lasuco có thể theo dõi liên tục mức dinh dưỡng và sự phát sinh, gây hại của các loài dịch hại trên các cánh đồng mía nguyên liệu.
Tập Đoàn Vinamilk đã ứng dụng hệ thống tự động hóa và trí thông minh nhân tạo (AI) vào việc quản lý, vận hành trang trại chăn nuôi bò sữa đảm bảo đàn bò luôn được chăm sóc tối ưu, kỹ lưỡng từ đó các cá thể có sức khỏe tốt, cho ra năng suất cao và chất lượng sữa tươi nguyên liệu đạt tiêu chuẩn cao.
Toàn bộ trang trại sử dụng nhiều phầm mềm quản lý gồm: Quản lý khẩu phần, quản lý dinh dưỡng, quản lý sức khỏe bò bê, quản lý máy móc thiết bị… Các phần mềm này được tích hợp, liên kết và đưa lên điện toán đám mây, giúp cho việc lưu trữ, phân tích và truy cập luôn dễ dàng, thuận tiện.
Các tập đoàn, công ty chăn nuôi lớn khác đã triển khai hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP, phần mềm quản lý sản xuất trại heo Porcitec, các phần mềm E-learning, E-Office các phần mềm quản lý khẩu phần mềm quản lý dinh dưỡng, quản lý sức khỏe, quản lý máy móc thiết bị trong chăn nuôi.
Thực hiện các kế hoạch, chương trình của UBND tỉnh về chuyển đổi số, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, Sở NN-PTNT đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, hợp tác xã, người nông dân đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, ứng dụng chuyển đổi số nhằm quảng bá, giới thiệu, kinh doanh nông sản nói chung và các sản phẩm chủ lực của tỉnh nói riêng trên các sàn thương mại điện tử Postmart.vn, voso.vn, Lazada, Shopee; các trang thông tin xã hội như: Nongsanantoanthanhhoa.vn.
Tại hội thảo kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số khu vực miền trung diễn ra tại Thanh Hóa hôm 19/10, ông Lê Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, nhờ ứng dụng chuyển đổi số, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa bước đầu phát triển trên cơ sở định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; có lợi thế so sánh và năng lực cạnh tranh vượt trội so với các sản phẩm nông nghiệp khác trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nổi bật, quá trình chuyển đổi số phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu, trong khi nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân phần nào đó còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp còn rải rác, chưa được thiết kế và số hóa đồng bộ. Nông nghiệp thông minh và công nghệ cao cần phải đầu tư hơn nhiều so với nông nghiệp truyền thống nên phần lớn các hộ không đủ điều kiện để đầu tư.
Việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật mặc dù đã được đầu tư chuyên sâu nhưng vẫn còn chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất; các tiêu chí về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cùng với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất cho từng đối tượng vật nuôi, cây trồng chưa được ban hành. Ngoài ra, nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn tín dụng trong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn hạn chế; diện tích canh tác nhỏ; các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế.
Thanh Hóa - điểm an toàn thông tin
Triển lãm các sản phẩm, giải pháp, mô hình chuyển đổi số, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin được tổ chức sáng 19/10 tại Thanh Hóa, có sự góp mặt của 22 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, với 22 gian hàng trưng bày, giới thiệu về công nghệ, sản phẩm của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin.
Các sản phẩm, giải pháp, nền tảng chuyển đổi số Make in Vietnam phục vụ chuyển đổi số trong chính quyền, doanh nghiệp, người dân; nhóm dịch vụ tư vấn, đào tạo về chuyển đổi số cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mục tiêu gắn kết giữa nghiên cứu, đào tạo và sản xuất, kinh doanh; nhóm sản phẩm, giải pháp về an ninh, an toàn thông tin mạng; nhóm sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số...
Phát biểu khai mạc tại sự kiện này, ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa khẳng định: "Thanh Hóa xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay. Địa phương đã và đang thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số và làm sao để người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia, đồng hành vào quá trình chuyển đổi số".
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Về hạ tầng số: Hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin đã được các doanh nghiệp đầu tư triển khai đến hầu khắp các thôn, bản trên địa bàn tỉnh, góp phần sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp. Các trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư và duy trì, cung cấp các phần mềm ứng dụng trong cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước hoạt động ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Nền tảng chia sẻ, tích hợp nội tỉnh (trục LGSP) hoạt động một cách thường xuyên, ổn định, đáp ứng được việc trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng nội tỉnh cũng như với các cơ quan trung ương.
Về dữ liệu số: Thanh Hóa đã xây dựng và đưa vào hoạt động cổng dữ liệu mở của tỉnh, bước đầu đã cung cấp 195 cơ sở dữ liệu thuộc 15 lĩnh vực, phục vụ việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu kịp thời, công khai, minh bạch dữ liệu của cơ quan chính quyền tới doanh nghiệp và người dân. Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác dữ liệu dân cư trong việc thực hiện thủ tục hành chính.
Về chính quyền số: Thanh Hóa đã thực hiện việc xử lý văn bản và hồ sơ công việc, gửi/nhận văn bản hoàn toàn trên môi trường điện tử trong 3 cấp chính quyền từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước và đúng hạn đạt 97,61%. Hệ thống điều hành, giám sát an ninh mạng (SOC) được đầu tư, bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và luôn hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn 24/7; Thanh Hóa là địa phương hoàn thành mô hình điểm về an toàn thông tin của cả nước.
Về kinh tế số: Các ngành, lĩnh vực đã quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử với hơn 152 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và hơn 11.000 sản phẩm đặc trưng của các huyện; cung cấp hơn hơn 105.000 tem truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ hơn 854.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu...
Về xã hội số: Hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy hiệu quả lan tỏa phổ cập kiến thức về chuyển đổi số tới đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh. Người dân đã cài đặt ứng dụng VNeID trên thiết bị di động để thực hiện các giao dịch cơ bản trên môi trường số. Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng thanh toán chủ yếu trong cộng đồng. Các giao dịch thanh toán với cơ quan chính quyền trong việc trả phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính; thanh toán viện phí, học phí; thanh toán dịch vụ điện, nước... đã trở thành phương thức thanh toán chủ đạo của người dân trên địa bàn tỉnh.
Điểm nhấn của triển lãm là giới thiệu, trình diễn hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp công nghệ như: Sản phẩm du lịch, y tế, giáo dục thông minh, robot trải nghiệm của Viettel Thanh Hóa; các giải pháp chuyển đổi số về truyền thanh thông minh, du lịch thông minh, các giải pháp về chuyển đổi số cho doanh nghiệp của Mobifone; gian hàng của MISA giới thiệu nền tảng số, thiết bị như màn hình cảm ứng, tivi trải nghiệm các nền tảng số, robot, standee...; bộ giải pháp Marketing thế hệ mới; LocaGifts (điểm săn quà, doanh nghiệp thả quà); công nghệ thực tế ảo VR360 của Công ty cổ phần công nghệ LocaMos... Đây là các sản phẩm đã nhận được nhiều giải thưởng ICT trong nước và quốc tế.