| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn Châu Phi là vấn đề rất lớn đối với ngành chăn nuôi

Thứ Sáu 31/05/2019 , 11:09 (GMT+7)

Sáng 31/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đăng đàn để giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội, đặc biệt là thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, dịch tả lợn Châu Phi là vấn đề rất lớn đối với ngành chăn nuôi thế giới, trong đó có Việt Nam.

Giá trị ngành Nông nghiệp hiện khoảng một triệu tỷ đồng thì chăn nuôi lợn chiếm khoảng 90.000 tỷ, gần bằng 10%. Khu vực này giải quyết sinh kế cho 2,4 triệu hộ, 10.000 hộ trang trại quy mô lớn và vừa.

Trong cơ cấu thực phẩm, thịt lợn chiếm 70% về thịt trong bữa cơm hàng ngày của người dân, bởi vậy, khi dịch xảy ra ở Trung Quốc ngày 23/8/2018, sau một tuần Việt Nam đã ban hành công điện khẩn yêu cầu ngăn chặn từ xa bằng các biện pháp kiểm soát cửa khẩu, biên giới.

Đáng tiếc là đến ngày 1/2, ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở Hưng Yên. Dù các cơ quan chức năng, hộ chăn nuôi, người dân đã triển khai nhiều giải pháp, song do những đặc thù của loại bệnh này, đến nay dịch đã lan tới 48 tỉnh, thành, hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã với 2 triệu con lợn (117.000 tấn) bằng 6,5% tổng đàn lợn toàn quốc. Đây là thiệt hại vô vùng lớn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, với tình hình thời tiết phức tạp, điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, đặc thù của bệnh, thì nếu không có biện pháp tích cực, dịch sẽ tiếp tục lan rộng đến những nơi chưa có; quay lại nơi ổ dịch đã qua 30 ngày; lan vào những hộ chăn nuôi lớn.

Hiện nay, giải pháp kỹ thuật phòng, chống dịch, an toàn sinh học là biện pháp duy nhất; tất cả các trang trại lớn chưa có dịch do đảm bảo an toàn sinh học tốt.

"Chúng ta còn 94% đàn lợn sạch, chưa có bệnh nên cần tuyên truyền các biện pháp phòng dịch", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đề phòng khủng hoảng thiếu thịt lợn, Bộ Công Thương đã cùng các đơn vị liên quan bàn giải pháp dự trữ thịt lợn đông lạnh, Chính phủ sẽ có biện pháp khuyến khích hỗ trợ. Bộ NN-PTNT khuyến cáo người dân không tăng đàn lợn lúc này, vì nguy cơ rủi ro cao; thúc đẩy các nhóm chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò); gia cầm; thuỷ sản.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng đang tập trung nghiên cứu vắcxin; thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân và các thành phần kinh tế.

"Thủ tướng đã giao ngành Nông nghiệp tổng kết 10 năm ngành chăn nuôi để xây dựng kịch bản, chiến lược chăn nuôi mới; chúng tôi sẽ trình vào tháng 10 tới", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Xem thêm
Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.