Đây là nội dung lớn được nhiều ĐBQH lên tiếng tại phiên thảo luận về KT-XH ở diễn đàn Quốc hội. Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã đăng đàn làm rõ 3 nhóm vấn đề lớn được cử tri và ĐBQH đặc biệt quan tâm.
Phải coi rau, hoa, củ, quả là mặt hàng chủ lực
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân dành toàn bộ thời lượng phát biểu của mình để nói về khó khăn của đồng bào miền núi và các giải pháp thúc đẩy SXNN bền vững, giúp nông dân. Theo ông Nhân, thống kê năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của vùng miền núi phía Bắc là 2,03 triệu đồng/tháng. Số tiền này chỉ đủ chi tiêu hàng tháng, không thể có tích lũy và tình trạng này sẽ còn kéo dài. Vấn đề đặt ra làm thế nào để tăng thu nhập cho nông thôn, đặc biệt vùng miền núi.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Chính phủ đưa rau, hoa, củ, quả thành nhóm hàng sản phẩm chủ lực quốc gia |
Từ số liệu thống kê gần đây, ĐB Nguyễn Thiện Nhân có những gợi ý rất quan trọng cho việc giảm nghèo. Theo ông Nhân, năm 2016 XK dầu thô cả nước đạt 2,4 tỷ đô la; XK gạo đạt 2,15 tỷ đô la; XK cà phê đạt 3,3 tỷ đô la; XK thủy sản 7 tỷ đô la; XK quả, rau, hoa đạt 2,45 tỷ đô la. “Như vậy lần đầu tiên XK rau quả và hoa đã lớn hơn XK dầu lửa của nước ta. Nhìn lại lịch sử thấy năm 2005 XK dầu lửa 7,3 tỷ đô, gấp 31 lần XK rau, quả lúc đó là 235 triệu. Nhưng hiện nay năm 2016 XK dầu thô chỉ bằng 0,98 lần rau, quả, củ”, ông Nhân nhận định.
Về tốc độ tăng trưởng, ĐB Nhân cho biết, dầu thô 5 năm qua giảm giá trị 5 tỷ đô la; gạo giảm khoảng 900 triệu đô la; cà phê ổn định tương đối bình quân 3,2 tỷ tức là 5 năm không tăng giá trị XK. Thủy sản 5 năm qua tăng bình quân là 5%/năm. Riêng quả, rau, hoa tăng bình quân 30%/năm. Như vậy dự báo đến năm 2022 giá trị XK của quả, rau, hoa từ 9 đến 10 tỷ đô la. Tức là hơn giá trị XK dầu lửa lúc cao nhất của đất nước.
Ông Nhân cho rằng, lâu nay quả, rau, hoa chưa được coi là sản phẩm chủ lực quốc gia nhưng 5 năm qua đã chứng tỏ sự tăng trưởng vượt bậc về tiềm năng. Vậy kiến nghị Chính phủ xem xét để đưa nhóm hàng quả, rau, hoa trở thành nhóm hàng sản phẩm chủ lực của đất nước. “Thực tế mặt hàng này không cần cánh đồng lớn, từng khu vườn của bà con trồng được, đồi dốc nghiêng vẫn trồng cây tốt. Miền núi như Sơn La có nhiều HTX trồng các loại quả xuất khẩu rất tốt”, ông Nhân chốt.
Lấy thị trường làm thước đo
Từ thực tế ở địa phương, ĐB Đỗ Trọng Hưng (Thanh Hóa) cho rằng, ngành nông nghiệp 9 tháng qua tăng 2,78%, để cả năm tăng 2,9% thì quý IV phải tăng trên 3%. Điều này đòi hỏi phải nỗ lực rất lớn vì tăng trưởng lĩnh vực này tiềm ẩn nhiều rủi ro, phụ thuộc vào thời tiết, thị trường. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá thiệt hại đối với ngành nông nghiệp trong đợt mưa lũ vừa qua.
ĐB Đỗ Trọng Hưng (Thanh Hóa) cho rằng, nạn phá rừng để lại hậu quả nặng nề cho con người |
Vì vậy, ĐB đề nghị cần đánh giá để xem thiệt hại này đã tác động đến tăng trưởng GDP cả năm như thế nào, qua đó cần tập trung cao cho SX vụ đông hiện nay và vụ đông xuân sắp tới, nhanh chóng phát triển chăn nuôi thủy sản, đẩy mạnh trồng và bảo vệ rừng, xây dựng nông thôn mới một cách thực chất.
Trong kết cấu tăng trưởng GDP, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,78%. Điều gì đã tạo nên mức tăng trưởng ngoạn mục như vậy, trong khi những năm qua ngành nông nghiệp luôn gặp khó khăn, có quý tăng trưởng âm? Câu chuyện đặt ra là tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã thực chất chưa? Để làm rõ hơn điều này ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) mạnh dạn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong giải pháp phát triển ngành nông nghiệp.
Ông nói, trước mắt cần tổng kết, đánh giá hiệu quả và tính ổn định lâu dài trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp từ đó đưa ra định hướng phù hợp. Năm 2017, nhờ chuyển đổi một số diện tích nông, lâm sang nuôi trồng thủy sản, giúp ngành này đạt tăng trưởng mức 4,9%. Tuy nhiên, đây đã phải là hướng đi đúng và an toàn chưa? Vì sản xuất thủy sản phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, trong khi công tác quy hoạch chưa tốt, đầu ra đang gặp khó khăn, hàng rào kỹ thuật, thuế quan. Việc Mỹ áp dụng Luật Nông trại nên cánh cửa cá tra vào thị trường Mỹ gặp khó.
Hai là, đổi mới tư duy cho thị trường theo hướng lấy thị trường làm thước đo mục tiêu phát triển sản phẩm, quy hoạch thị trường cho các loại sản phẩm nông sản. Ví dụ, đối với thị trường sản phẩm chăn nuôi chỉ cần hai loại sản phẩm chính trong đó sản phẩm đặc sản chỉ nên 1-2% và được sản xuất từ các giống bản địa, còn để lại giải quyết nguồn thực phẩm động vật thì ngành chăn nuôi công nghiệp bằng các loại giống cao sản đóng góp vai trò chính trong tỷ trọng.
Ba là, xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Tuy nhiên, cần xác định chỉ tiêu cụ thể để thị trường sản phẩm, quy mô đặc trưng địa lý mới có thể triển khai hiệu quả.
Nông nghiệp đóng góp 18% GDP nhưng được đầu tư 5%? ĐB Nguyễn Như So đề xuất thời gian tới ngành nông nghiệp nên tập trung giải quyết 5 vấn đề căn cơ sau: Thứ nhất, lựa chọn đúng sản phẩm, khâu đột phá cho quy trình và công nghệ cao, tránh tình trạng chạy theo công nghệ cao đắt đỏ, gây nợ nần và rủi ro cao nhưng không thiết thực, không hiệu quả; Thứ hai, trong SXNN, giống là khâu then chốt nhưng nước ta chưa phát triển giống tốt. Mỗi năm nước ta phải chi 5 triệu USD để nhập giống cây trồng, vật nuôi. Nhưng trong 15 năm qua, cả nước mới chỉ có 270 giống được bảo hộ; Thứ ba, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi phải có vốn lớn, nhưng hiện dòng vốn đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp rất thấp. Ngành nông nghiệp đang đóng góp 18% GDP nhưng đầu tư cho nông nghiệp chỉ đạt 5% GDP. Trong khi Hàn Quốc, nông nghiệp chiếm 2% GDP nhưng được đầu tư gấp 3 lần. Các chính sách tín dụng trong nông nghiệp ban hành khó tiếp cận vì điều kiện ngặt nghèo, SXNN luôn trong tình trạng đói vốn; Thứ tư, SXNN hữu cơ thì sử dụng phân bón hữu cơ là chìa khóa để phát triển một nền nông nghiệp an toàn. Chính phủ cần có chính sách nhất quán khuyến khích doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ; Thứ năm, thực hiện tích tụ đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tổng kết đánh giá các mô hình đã triển khai làm căn cứ thực tiễn đề xuất các giải pháp đảm bảo tính khả thi. |