Theo già làng Côn Hơm, trưởng bản A La, xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết: Lễ Ariêu ping bao gồm việc tổ chức cất bốc những ngôi mộ người thân trong gia đình của tất cả các dòng họ trong làng đã chết được an táng rải rác các nơi để cải táng quy tập về một khu vực tiện chăm sóc, thăm viếng.
Những ngày diễn ra lễ Ariêu ping, người Pa Kôh ở bản A La huy động cả cộng đồng thực hiện việc cải táng người chết, xây sửa, trang trí lại lăng mộ tổ tiên và coi đây là công việc chung của cả cộng đồng.
Lễ hội Ariêu Ping thường được tổ chức 10 - 20 hoặc 30 năm một lần, tùy theo điều kiện kinh tế của từng vùng và lễ hội thường diễn ra từ 2 - 3 ngày vào thời điểm mùa xuân. Trong những ngày diễn ra lễ hội, tiếng trống, tiếng chiêng rộn vang suốt ngày đêm. Đây là lễ hội quan trọng của cộng đồng của dân tộc Pa Kôh nên mọi gia đình trong làng đều chuẩn bị lễ vật cúng, lương thực, thực phẩm để thết đãi khách quý đến dự lễ hội.
Bà Hồ Thị Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết: Ariêu ping là một trong những lễ hội nằm trong hệ thống tín ngưỡng của dân tộc Pa Kôh trên địa bàn huyện. Đây là lễ hội lớn nhất của người Pa Kôh nhằm tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ đến những người đã khuất. Đồng thời thông qua lễ hội còn thể hiện sự đoàn kết gắn bó huyết thống trong cộng đồng dân cư, cùng chung tay xây dựng bản làng no ấm, phồn vinh và hạnh phúc.
Được biết, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị đã tiến hành phục dựng nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào vùng cao như Ariêu ping của đồng bào Pa Kôh, lễ hội Aza của đồng bào Vân Kiều….
Việc phục dựng và duy trì những lễ hội này sẽ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc theo hướng tích cực, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, đây là một kênh quảng bá hình ảnh du lịch quan trọng về phong tục tập quán của người Pa Kôh, Vân Kiều nói riêng và các dân tộc anh em trên địa bàn Quảng Trị nói chung.