
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (1936-2025) qua nét vẽ Huỳnh Dũng Nhân.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, tên thật Lê Văn Gắt, sinh ngày 13/4/1936 tại Phú Cường, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Thời niên thiếu, ông tham gia phong trào Việt Minh tại quê nhà và làm thơ với bút danh Lư Phong. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc.
Bút danh Lư Nhất Vũ bắt đầu xuất hiện từ năm 1957, được chính ông giải thích: “Lư Nhất Vũ có nghĩa là chàng họ Lư chỉ yêu duy nhất một nàng tên Vũ”. Tuy nhiên, mối tình mơ mộng ấy sớm tan theo mây khói.
Tác phẩm khẳng định tài năng sáng tác của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ là bài hát “Chiều trên bản Mèo” đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác ca khúc chủ đề “Gió Đại Phong – Sóng Duyên Hải – Cờ Ba Nhất” tổ chức năm 1961. Sau khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc quốc gia tại Hà Nội, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cũng đã có ca khúc lừng lẫy bậc nhất trong sự nghiệp của ông là “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam tháng 9/1968.
Đầu năm 1970, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vượt Trường Sơn vào Căn cứ trung ương Cục miền Nam. Sau 15 năm sống trên đất Bắc, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vừa đặt chân đến Tân Biên – Tây Ninh thì bị sốt rét. Tình cảnh lúc ấy thê thảm như nhạc sĩ Lư Nhất Vũ miêu tả: “Tóc tôi đã rụng gần hết. Bụng to chong bóc lớn hơn trái dưa hấu. Đùi, tay, chân bị teo lại. Hễ ăn thịt cá thì bị trả giá bằng một cơn sốt khủng khiếp. Tôi có thể ăn một hơi mấy thau cơm, hoặc một rổ me sống”.
Thế nhưng, ngay thời khắc khốn khó nhất của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, thì một người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời ông đã xuất hiện. Đó là người phụ nữ mà ông tha thiết miêu tả: “Nàng với tiếng chày giã lá thuốc rừng miền Đông khi chiều xuống, nàng đã đem sự sống cho tôi. Nàng Cà Mau!”. Đó là nữ sĩ Lê Giang, vốn công tác ở Ban Dân y, rồi chuyển sang làm tạp chí Sinh Hoạt Văn Nghệ.
Nữ sĩ Lê Giang lớn hơn nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đến 6 tuổi. Từ năm 1945, nữ sĩ Lê Giang đã tham gia kháng chiến ở quê nhà Cà Mau, sau đó tập kết ra Bắc học hành, và trở về Căn cứ trung ương Cục miền Nam năm 1963.
Khi gặp nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ở Căn cứ trung ương cục miền Nam, nữ sĩ Lê Giang đã có một đời chồng và hai đứa con. Tác phẩm kết nối họ là nhạc cảnh “Tiếng cồng vượt thác”, mà bối cảnh vẫn còn rất rõ nét trong trí nhớ nhạc sĩ Lư Nhất Vũ: “Tôi bị sốt rét cách nhật. Mỗi lần lên cơn sốt cập nhiệt hơn 40 độ. Tôi vừa run lẩy bẩy vừa lẩm nhẩm một số giai điệu. Nhà thơ Lê Giang viết lời hát đến đâu, tôi phổ nhạc tới đó”.

Tự truyện "Ngày ấy đã qua rồi" của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ.
Khi cơn sốt rét đi qua, thì không điều gì có thể tách lìa nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nữ sĩ Lê Giang nữa. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nữ sĩ Lê Giang là hai mảnh ghép hoàn hảo, dù cả hai đã nếm trải không ít gập ghềnh và đắng cay. Họ cũng nhau làm nên những ca khúc được ưa chuộng như “Hãy yên lòng mẹ ơi” hoặc “Bài ca đất phương Nam”. Và họ cùng nhau làm nên những công trình nghiên cứu âm nhạc có giá trị như “Hò trong dân ca người Việt”, “Hát ru Việt Nam”, “300 điệu lý Nam bộ”…
Tháng 9/2024, vì sức khỏe suy sụp, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ nhập viện điều trị cho đến khi vẫy tay chia biệt dương gian. Nhà thơ Lê Giang cũng không thể có mặt tiễn đưa chồng những giây phút cuối cùng, vì bà cũng đang đau yếu triền miên.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ có sản nghiệp hơn 200 ca khúc. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.