Tình hình tiến triển thuận lợi là thế, ngờ đâu đùng cái anh bỏ tất cả, quyết về quê… cải tạo đất hoang.
Bắt đất cằn "nở hoa"
Năm 2013, anh Nguyễn Hoài Châu nhận thầu 2,7 ha đất hoang hóa tại khu đồng Quýt, thuộc thôn 9, xã Liên Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) để triển khai mô hình trang trại tổng hợp.
|
Trên diện tích “chó ăn đá, gà ăn sỏi” không ai buồn đếm xỉa, bốn bề đồng không mông quạnh, anh phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt ròng rã suốt mấy tháng trời mới cải tạo nổi mảnh đất cằn. Khi tình hình cơ bản đã xong xuôi, lại gấp rút tiến hành theo như kế hoạch đã định, dưới ao nuôi thử nghiệm cá rô đầu vuông trên diện tích 1.500 m2, một phần trên bờ được ngăn kín kẽ nuôi hàng trăm cặp chim bồ câu, ngoài ra còn có gà, ngan, vịt… để bổ trợ cho nhau.
Hiệu quả bước đầu khá tốt, thế nhưng do giá cả thị trường không ổn định, cộng thêm mức thu nhập chưa tương xứng với quy mô nên tình hình về sau không mấy khả quan. Nhận thức được điều đó, anh Châu đã chủ động tìm hướng đi mới phù hợp hơn với thị trường và tiềm lực hiện có.
Qua phương tiện truyền thông, anh Châu biết Cty TNHH Nippon Zoki Việt Nam, đơn vị trực thuộc tập đoàn dược phẩm danh tiếng Nippon Zoki Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ mô hình chăn nuôi thỏ theo hướng công nghiệp, mạng lưới triển khai rộng khắp cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh phía Bắc. Nhận thấy sự tương đồng trong cách nghĩ, cách làm, anh mạnh dạn khâu nối nhằm mở ra cơ hội tham gia vào hệ thống chung.
“Đây là mô hình rất tiềm năng, trong đó lợi ích của người nuôi được đảm bảo. Sau khi trở thành đối tác của công ty, tôi bắt tay xây dựng trang trại nuôi thỏ NewZeland trên diện tích 700m2, quy mô tối đa 600 thỏ nái và 3.000 thỏ thương phẩm", anh Châu cho biết.
Tín hiệu khả quan bước đầu trở thành động lực thôi thúc anh Châu mở rộng quy mô theo hình thức liên kết. Trên cơ sở thực tế, anh thuyết phục thành công 4 hộ gia đình khác cùng tham gia “tổ hợp tác”, thế nhưng do phía công ty đặt ra yêu cầu quá cao về quy chuẩn áp dụng và chất lượng nguồn hàng nên một số thành viên tỏ ra chán nản. Trước tình hình trên, một mặt anh phải đứng ra cam kết, mặt khác trực tiếp hỗ trợ bằng chính những kiến thức, kinh nghiệm sẵn có.
Nỗ lực ấy rốt cuộc cũng được đền đáp xứng đáng, tháng 9/2015 Cty Nippon Zoki Việt Nam chính thức đồng ý bao tiêu toàn bộ sản phẩm đủ tiêu chuẩn. Chưa dừng lại ở đó, đơn vị này còn chấp thuận phương án phát triển từ “tổ hợp tác” thành mô hình HTX, tiến tới mở rộng phạm vị, tăng số lượng thành viên, tăng quy mô đàn.
Từ xuất phát điểm với chỉ 5 thành viên sáng lập, quy mô gói gọn 400 nái, nay HTX đã có 12 thành viên, tổng đàn được nâng lên 1.200 thỏ nái và 300 thỏ hậu bị. Đàn thương phẩm dao động từ 2.000 - 5.000 con, hàng tháng cung cấp cho công ty và thị trường tự do 1.200 - 1.500 con, doanh thu toàn HTX đạt mức 250 - 300 triệu đồng/ tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 25 - 30 lao động.
Kinh doanh thực phẩm sạch
Khi anh Châu đùng đùng bỏ phố về quê quyết làm giàu trên vùng đất khó, xì xào, dị nghị là điều khó tránh khỏi. “Được ăn cả ngã về không”, ý thức được áp lực khổng lồ đè năng trên vai nên từng đường đi nước bước anh Châu đều tìm hiểu kỹ lưỡng, thấu đáo và dành hết tâm huyết vào đó. Khổ nỗi trong sản xuất kinh doanh, quyết tâm không thôi chưa phải là mấu chốt để quyết định hết tất thảy, muốn thành công cần sự tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau.
Cửa hàng thực phẩm sạch của anh Châu tại khu 1, thị trấn Hậu Lộc là điểm đến đáng tin cậy đối với người tiêu dùng |
Từ những lý do trên, anh quyết định chỉ duy trì mô hình ở mức độ vừa phải, đồng thời dần chuyển hướng sang kinh doanh mặt hàng thực phẩm sạch. Khi được hỏi, anh nói: “Lâu nay thị trường gia súc, gia cầm lao dốc không phanh, các trang trại, các hộ nuôi gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên thua lỗ là điều khó tránh khỏi. Để khắc phục tình trạng này, nhất thiết phải hình thành các chuỗi liên kết nhằm chủ động đầu ra cho sản phẩm, muốn làm được điều đó chính bản thân người nuôi phải xác định lại hướng đi, trong đó chất lượng sản phẩm cần được đặt lên hàng đầu”.
Lúc này tại trang trại của anh Châu thường xuyên duy trì từ 100 - 300 đầu lợn (dưới 10 nái, còn lại là lợn thịt) và 1.500 - 2.000 gà ri, tất cả đều được áp dụng theo phương pháp hữu cơ. Thức ăn hàng ngày bao gồm bột ngô, cám gạo, bột cá, bã bia, kết hợp với men vi sinh và một số loại thảo dược rồi tiến hành trộn đều theo tỷ lệ quy định. Xác định hoạt động theo chuỗi liên kết, đảm bảo VSATTP từ trang trại đến bàn ăn, anh Châu còn tiến hành xây dựng cả lò giết mổ quy trình khép kín đồng bộ.