Gần như trong cùng thời điểm, nhiều giọt nước mắt đã rơi trên bục nhận huy chương SEA Games 31. Xúc động nhất là câu chuyện của võ sĩ kurash Tô Thị Trang, người vừa đoạt HCV ở hạng dưới 48 kg. Khi nụ cười trên môi mới chớm nở, cô nhận thông tin bố vừa qua đời.
Nỗi mất mát được Trang viết ngắn gọn trên Facebook: "Con yêu bố", cùng tấm ảnh bố cô nắm tấm HCV vàng mà cô vừa giành được chiều 10/5. Bố của Trang bị viêm gan, điều trị nhiều năm liền. Từ lúc cô tập trung chuẩn bị cho SEA Games 31, sức khỏe của bố đã giảm sút và phải nhập viện.
Sau khi chiến thắng, Trang chỉ cầu mong sức khỏe của bố được cải thiện. Cô lập tức bắt xe về nhà tại huyện Đông Anh, Hà Nội, nhưng cũng chỉ kịp nhìn mặt bố lần cuối.
Không lâu sau câu chuyện của Tô Thị Trang, đến lượt Phạm Thị Thảo khóc vì nhớ con sau khi cùng đồng đội giành HCV rowing, nội dung thuyền bốn nữ hạng nặng hai mái chèo ngày 11/5. Cô chia sẻ: "Ngày nào cũng gọi điện về cho con. Khi con đòi mẹ, tôi thậm chí không dám nhìn điện thoại tiếp".
Thành công luôn phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt. Ai cũng hiểu điều ấy, nhưng với những VĐV nữ, vấn đề dường như càng trở nên "tâm tư" hơn.
Không phải đến SEA Games 31, những mẩu chuyện như vậy mới xuất hiện. Từ lúc Việt Nam trở lại hội nhập đấu trường khu vực vào thập niên 1990, họ đã phải xa nhà đằng đẵng, vùi mình vào tập luyện đến quên ăn quên ngủ, với chỉ một mong ước duy nhất là tấm huy chương.
Thuộc vùng trũng của thể thao châu lục và thế giới, SEA Games luôn là đấu trường quốc tế dễ dành thành tích nhất của bất kỳ VĐV nào. Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn được nghe về chuyện một VĐV cố giành HCV để mua sữa, mua bỉm cho con; hoặc sửa lại nhà cho bố mẹ. Họ chấp nhận điều ấy vì ngoài câu chuyện tiếng vang, khoản thưởng tròm trèm 100 triệu đồng thực sự là mơ ước với những ai đi lên từ quê nghèo.
Trên sân nhà, cảm xúc của những VĐV thậm chí còn bị dồn nén nhiều hơn. Cũng trong ngày 11/5, VĐV Nguyễn Thị Thu Hà khóc òa sau khi cùng Nguyễn Thị Huyền và Vương Thị Bình giành HCV nội dung chung kết đồng đội biểu diễn nữ.
Thu Hà là một trong số những VĐV dày dạn kinh nghiệm bậc nhất tại SEA Games năm nay. Cô từng giành HCV hồi SEA Games 29 cũng ở nội dung này, nhưng nguyên nhân là bởi đối thủ điểm cao nhất lúc ấy bị phát hiện dương tính doping. Phải 4 tháng sau SEA Games, cô mới nhận tấm huy chương danh giá.
Bước vào đại hội này, áp lực lớn thể hiện rõ trên gương mặt của nữ võ sĩ khi bước vào thảm đấu. Kết quả, cô cùng đồng đội đạt 9,965 điểm, nhỉnh hơn đúng 0,05 điểm so với bộ ba Brunei. Có lẽ, chính cảm xúc dồn nén, cộng thêm việc thi đấu dưới sự cổ vũ của gia đình đã giúp họ vững bước, giúp pencak silat Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu đoạt 6 HCV.