Nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân rất lớn. |
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 131 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đưa vào sử dụng. Bao gồm 34 công trình cấp nước bằng bơm dẫn, 97 công trình cấp nước tự chảy.
Mô hình quản lý, vận hành các công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh theo hình thức doanh nghiệp và tư nhân quản lý 14 công trình; HTX quản lý 9 công trình; UBND xã quản lý 17 công trình; cộng đồng quản lý 91 công trình. Tuy nhiên, có một thực trạng là, có 45% công trình bị đánh giá là hoạt động kém hiệu quả và ngừng hoạt động.
Các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh được đầu tư từ nhiều nguồn vốn, gồm của chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình 134, 135... Nhiều chủ đầu tư như Sở NN- PTNT, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường (nay sáp nhập Chi cục Thủy lợi), UBND các huyện, UBND các xã, thị trấn, Hội Chữ thập đỏ.
Do nhiều kênh vốn đầu tư nên quy trình, công nghệ và cả mô hình quản lý, vận hành công trình đều cũ.
Phần lớn các công trình cấp nước tập trung nông thôn quy mô nhỏ, thời gian đầu tư xây dựng từ lâu, tuổi thọ trung bình trên 10 năm. Đối với công trình cấp nước bằng bơm dẫn, một số địa phương đã không thực hiện tốt quy định về quản lý, khai thác. Chất lượng nước không bảo đảm, người dân sử dụng ít. Công trình không có đủ kinh phí duy tu, sửa chữa thường xuyên để duy trì hoạt động.
Nhiều công trình hỏng hệ thống ống dẫn nước. Một phần do đầu tư xây dựng đã lâu năm, ý thức người dân quản lý sử dụng kém... Nhiều công trình cấp nước tự chảy đang “sống dở, chết dở”. Nguyên nhân do trong quá trình vận hành, quản lý công trình, các đơn vị được giao đã không thực hiện đúng quy định của UBND tỉnh và Bộ Tài chính.
Xã không thành lập các ban quản lý vận hành mà thường giao cho các khu cử người vận hành, không có quy chế quản lý, không thu tiền nước hoặc thu rất ít. Dẫn đến các công trình bị hư hỏng, mất mát đường ống, thiết bị. Do không quy được trách nhiệm nên không có kinh phí để duy tu, sửa chữa.
Bên cạnh đó, nhiều công trình do bị thiên tai, mưa lũ, dòng chảy tác động bồi lấp đầu nguồn, gây bồi lắng vật liệu lọc, dẫn đến bị hư hỏng. Do đặc thù công trình ở khu vực miền núi nước đều tự chảy, công nghệ xử lý đơn giản, địa điểm xây dựng tại thượng nguồn các khe, suối có địa hình phức tạp, cách xa khu vực dân cư, nên công tác vận hành, kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng cũng là một trở ngại.
Tại xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao), có công trình cấp nước xây dựng cách đây 20 năm, từ nguồn vốn UNICEF tài trợ bằng công nghệ lọc giàn tơi. Hiện công trình nước sạch do HTX Vân Hùng quản lý, vận hành, cấp nước cho 1.000 hộ trên địa bàn xã, tỷ lệ sử dụng đạt khoảng 85%.
Công trình nước sạch tại xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao). |
Ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc HTX Vân Hùng cho biết, do thời gian xây dựng quá dài, đường ống dẫn bị bục, gây thất thoát nước, song HTX vẫn cố gắng cung cấp đủ nước cho dân để sinh hoạt hằng ngày.
“Nhu cầu của người dân được sử dụng nước sạch là rất lớn, nhưng năng lực của HTX còn hạn chế nên chỉ cấp nước được trên 80% số hộ. Hàng năm, chúng tôi vẫn kiểm định, kiểm tra chất lượng nước, nhìn chung rất tốt. HTX đề nghị có chương trình hỗ trợ để cải tạo công trình”, ông Thanh đề nghị. |
Công trình cấp nước tại xã Hiền Lương (huyện Hạ Hòa) được xây dựng từ năm 2000. Năm 2013 và 2018 tiếp tục được tỉnh đầu tư, nâng cấp hệ thống lọc, chất lượng nước được cải thiện nhiều và chất lượng phục vụ được nâng lên.
Ông Dương Mạnh Hùng, Giám đốc HTXNN Hiền Lương đánh giá: Công trình nước đang phục vụ cho gần 500 hộ dân với công suất 150m3/ngày/đêm. 50% dân địa phương đang sử dụng nước sạch từ HTX cung cấp.
“Nước sạch phục vụ cho nhân dân tương đối tốt. Bà con coi nước sạch là nhu cầu thiết yếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, nên rất ủng hộ việc nâng cấp, xây dựng công trình. Có đầu tư thì công trình nước sạch mới đi vào hoạt động hiệu quả hơn”, ông Hùng nêu ý kiến.