Lễ hội Gò Đống Đa diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán, được tổ chức để tưởng nhớ tới công lao lẫy lừng của vua Quang Trung và tôn vinh lên tinh thần thần kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội ban hành thông báo về việc điều chỉnh tổ chức giao thông nhằm phục vụ Lễ hội và chương trình truyền hình trực tiếp Kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2025). Sự kiện sẽ diễn ra trên phố Đặng Tiến Đông, đoạn từ Tây Sơn đến Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội.
Từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 2/2/2025, các phương tiện ô tô sẽ bị cấm lưu thông trên đoạn phố Đặng Tiến Đông, từ giao cắt với phố Tây Sơn đến giao cắt với phố Trung Liệt (trừ xe buýt và xe có phù hiệu của Ban tổ chức). Xe đạp và xe máy vẫn được phép lưu thông bình thường.
Các phương tiện tham gia giao thông sẽ được tổ chức đi theo hướng: Phố Tây Sơn - Thái Hà - Trung Liệt - Trần Quang Diệu - Võ Văn Dũng - Hoàng Cầu - Thái Hà - Tây Sơn và ngược lại.
Vào khung giờ từ 18h đến 23h ngày 2/2/2025, để phục vụ chương trình truyền hình trực tiếp lễ hội, lực lượng chức năng cấm tất cả các các phương tiện lưu thông trên tuyến phố Đặng Tiến Đông đoạn giao cắt với phố Tây Sơn đến giao cắt với phố Trung Liệt (trừ xe buýt và xe có phù hiệu của Ban tổ chức).
Các phương tiện tham gia giao thông có thể đi theo hướng: Tây Sơn - Thái Hà - Trung Liệt - Trần Quang Diệu - Võ Văn Dũng - Hoàng Cầu - Thái Hà - Tây Sơn và ngược lại.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đề nghị UBND quận Đống Đa phối hợp, thống nhất với các đơn vị chức năng của Công an thành phố để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong suốt quá trình tổ chức lễ hội và chương trình truyền hình trực tiếp kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2025) trên phố Đặng Tiến Đông (đoạn từ Tây Sơn đến Trung Liệt). Đồng thời, quận Đống Đa cần tổ chức lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn, đèn quay cảnh báo ban đêm từ xa và tại các khu vực trọng điểm, đảm bảo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.
Lễ hội năm nay hứa hẹn sẽ mang đến nhiều hoạt động đặc sắc, nổi bật như lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương, lễ rước kiệu, biểu diễn múa lân, múa rồng, và võ thuật Bình Định Gia. Bên cạnh đó, các trò chơi dân gian như hội thi cờ tướng, cờ người, viết chữ thư pháp và các chương trình giới thiệu nghệ thuật truyền thống cũng sẽ được tổ chức. Những hoạt động văn hóa, nghệ thuật này không chỉ làm phong phú thêm không gian lễ hội mà còn góp phần quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của quận Đống Đa và Thủ đô Hà Nội đến với đông đảo công chúng.