Ngày 15/3, HĐND TP Hà Nội tổ chức xin ý kiến về mức chi hỗ trợ vé tháng đối với hành khách đi tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.
Tàu điện tuyến Cát Linh - Hà Đông đi qua hồ Hoàng Cầu. Ảnh: Ngọc Thành. |
Thành phố dự kiến hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp, người cao tuổi. Cán bộ, nhân viên tại văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng tập thể thì được hỗ trợ 30%.
Ngoài ra, thành phố sẽ miễn phí toàn bộ hành khách sử dụng dịch vụ vận tải hành khách trong 15 ngày đầu kể từ khi tuyến đường sắt đô thị 2A khai thác vận hành thương mại.
Phương án này sẽ được áp dụng trong thời gian thí điểm kể từ ngày đưa phương tiện vào khai thác thương mại, có ba loại giá vé áp dụng theo tháng, ngày và lượt. Cụ thể, nếu đi theo tháng là 200.000 đồng/người. Mức 30.000 đồng áp dụng cho vé ngày (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày).
Giá vé lượt được tính theo quãng đường di chuyển của khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 7.000 đồng với quãng đường ngắn nhất. Vé lượt có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ. Việc thanh toán bằng thẻ được khuyến khích với mức giá rẻ hơn thanh toán bằng tiền mặt khoảng 500 đồng mỗi lượt.
Ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội cho biết, phương án giá vé cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông căn cứ vào 5 tiêu chí: thu nhập và mức chi trả của người dân; kết quả khảo sát ý kiến của người dân; so sánh cạnh tranh với các loại phương tiện khác; chi phí vận hành; khả năng trợ giá của ngân sách (khoảng 50%).
Cát Linh - Hà Đông sẽ là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước đi vào khai thác thương mại. Ảnh: Ngọc Thành. |
Theo ông Trường, điểm mới trong phương án giá vé của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là áp dụng theo chặng đường (giữa các nhà ga). Việc áp dụng giá vé theo chặng để đảm bảo công bằng, khuyến khích người đi theo chặng ngắn với giá thấp nhất là 7.000 đồng, đi thêm mỗi km hành khách trả thêm 600 đồng.
Giá vé trên cao hơn vé xe buýt, đổi lại hành khách được dịch vụ tốt hơn, tốc độ nhanh hơn gấp hai lần (xe buýt 14-16 km/h, tàu điện 35 km/h). Đi 13 km toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ mất khoảng 22 phút. "Với giá vé và tốc độ trên, có thể nói đi tàu đường sắt đô thị nhanh hơn xe máy, rẻ hơn Grab", ông Trường nói.
13 đoàn tàu trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã chạy thử từ tháng 9/2018, tốc độ trung bình 35 km/giờ. Theo lãnh đạo Bộ Giao thông, Tổng thầu Trung Quốc đề xuất kết thúc chạy thử dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào cuối quý I/2019 và đưa vào vận hành thương mại toàn tuyến từ tháng 4.
Mới đây, Giám đốc Sở Giao thông cho hay thành phố có thể thí điểm cấm xe máy trên tuyến đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương trước khi dừng hoat động xe máy tại các quận vào năm 2030. Lý do chọn hai tuyến đường trên là đã có phương tiện vận tải hành khách công cộng thay thế, tuyến Nguyễn Trãi có tàu điện và xe buýt nhanh (BRT) ở đường Lê Văn Lương.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Tần suất khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến. Trên tuyến có 12 nhà ga trên cao, gồm: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành đai 3, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông, La Khê, Văn Khê và Yên Nghĩa. Để phục vụ nhân dân đi tàu điện thuận lợi, ngành giao thông thủ đô đang khảo sát xây dựng điểm dừng cho xe buýt tại 11/12 ga. |