KINH PHÍ ĐÃ SẴN SÀNG
Sáng 6/7, Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu đoàn công tác Bộ NN-PTNT thăm và tặng quà cho ngư dân xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Mở đầu cuộc nói chuyện, Bộ trưởng thông báo đến bà con ngư dân về chủ trương của Chính phủ hỗ trợ ngư dân bám biển.
Theo Bộ trưởng, Chính phủ có chủ trương hỗ trợ cao nhất cho ngư dân đánh bắt ở trên biển để SX có hiệu quả hơn, thông qua đó nâng cao cuộc sống của mình và bám biển. Cụ thể, bà con ngư dân được vay vốn đến 90% để đóng tàu vỏ thép (lãi suất 1%, năm đầu tiên không tính lãi); đóng tàu vỏ gỗ được vay vốn 70% (lãi suất 3%, năm đầu tiên không tính lãi), thời hạn đều 11 năm. Ngư dân có thể sử dụng chính con tàu là tài sản để thế chấp vay vốn. Ngoài ra, đối với tàu có công suất 400 CV thì được hỗ trợ 70%, còn tàu trên 400 CV được hỗ trợ 90% mua bảo hiểm.
Không những thế, chính sách còn hỗ trợ 100% mua bảo hiểm cho thuyền viên, đào tạo kỹ thuật đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa tàu cá; mua bảo hiểm thuyền viên, ngư lưới cụ, trang thiết bị liên lạc. Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các chủ tàu khai thác và hỗ trợ cho những người đóng tàu làm dịch vụ. Cứ mỗi chuyến đi về, sẽ hỗ trợ 60 triệu đồng, mỗi năm hỗ trợ 10 chuyến. Đặc biệt chính sách lần này là hỗ trợ trực tiếp đến ngư dân, không đưa qua DN hay ai khác.
“Bà con toàn quyền lựa chọn mẫu thiết kế tàu với chất liệu vỏ thép, gỗ hay composite phù hợp với nhóm ngành nghề vừa an toàn, tiết kiệm, vừa phát triển kinh tế biển đạt hiệu quả cao nhất. Cơ quan chuyên môn sẽ hướng dẫn cho bà con để đảm bảo đóng tàu đúng nghề, khai thác có hiệu quả”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết thêm, Quảng Ngãi là một trong những địa phương mà khai thác hải sản quy mô lớn, đặc biệt là địa bàn rất quan trọng của quốc gia. Vùng biển Hoàng Sa – Trường Sa nơi chúng ta đấu tranh quyết liệt, kiên quyết bảo vệ chủ quyền. Cuộc đấu tranh này còn lâu dài, do đó việc hỗ trợ ngư dân phải làm khẩn trương, chúng ta phải làm căn cơ để thực hiện có hiệu quả.
“Chính phủ xác định hỗ trợ đóng tàu vỏ thép chủ yếu là để cho bà con làm ăn có hiệu quả hơn. Hiệu quả kinh tế là quyết định, có hiệu quả bà con mới bám biển được. Đây là tham gia bảo vệ chủ quyền nên phải ưu tiên đầu tiên”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.
Tham gia đóng góp ý kiến, ngư dân Dương Văn Di, xã Bình Châu kiến nghị, Chính phủ hỗ trợ máy Icom hiện đại hơn cho bà con ngư dân. Theo ông Di, trước đây Chính phủ đã hỗ trợ rồi nhưng hiện nay máy Icom này bị Trung Quốc chặn sóng hết. Do đó không liên lạc được.
“Nhà nước hỗ trợ, ngư dân chúng tôi rất mừng, tàu mới sẽ đóng được nhưng hiện tại ở Bình Châu không có nơi neo đậu, dịch vụ sửa chữa. Mong Bộ trưởng xem xét những ý kiến của ngư dân Bình Châu”, ông Di tha thiết.
Ông Lê Văn Nguyên, Bí thư xã Bình Châu bày tỏ: Xã có 430 chiếc tàu, có 140 tàu thường xuyên bám biển Trường Sa – Hoàng Sa, thế nhưng việc neo đậu của ngư dân Bình Châu hết sức khó khăn. Hiện tàu thuyền đang neo đậu tại các luồng lạch cảng Sa Kỳ, vừa ảnh hưởng giao thông, vừa gặp rủi ro khi mùa mưa bão đến.
“Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ ra khơi, như Nghị định 48 chỉ hỗ trợ 4 chuyến/năm, trong khi bà con ngư dân đi nhiều hơn, có những tàu đi 10 chuyến”, ông Nguyên đề xuất.
Tại xã Bình Châu, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trao tặng 20 suất quà cho ngư dân thường xuyên khai thác hải sản khu vực Hoàng Sa – Trường Sa (3 triệu đồng/suất); 5 suất quà cho tổ đoàn kết (5 triệu đồng/suất) và 15 triệu đồng cho Hội nghề cá xã Bình Châu. “Chính sự hiện diện của bà con trên biển đã tham gia giữ gìn chủ quyền đất nước của chúng ta, hơn thế nữa trong thời gian qua nhiều bà con cũng đã trực tiếp tham gia cùng với các lực lượng chức năng đấu tranh trực diện để bảo vệ chủ quyền. Chúng tôi là những người ở hậu phương nhưng luôn dõi theo và hết sức trân trọng sự dũng cảm và tham gia đóng góp của bà con, và cảm thấy trách nhiệm của mình triển khai chính sách sớm hơn”, Bộ trưởng chia sẻ. |
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: Đây là những ý kiến rất quý giá, chúng tôi sẽ báo cáo với Chính phủ để chính sách đưa ra phù hợp với thực tiễn. Cũng nói lại với bà con một lần nữa, ngoài việc hỗ trợ đóng tàu, Chính phủ hỗ trợ tối đa trang thiết bị, đóng mới, nâng cấp và còn đầu tư cơ sở hạ tầng.
“Đóng tàu xong rồi, hạ tầng có rồi, Chính phủ sẽ chi 100% kinh phí cho bà con ngư dân đi tập huấn; giảm 9 loại thuế. Hỗ trợ mua bảo hiểm, cho vay ra biển ít nhất 70 triệu đồng/chuyến. Sẽ hỗ trợ máy thông tin liên lạc tốt hơn; chính sách người nghèo liên quan đến biển đảo, tôi xin tiếp thu và giao cho cơ quan chức năng thực hiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết thêm, trước đây thường có chủ trương nhưng chưa có kinh phí, riêng lần này, khẳng định với bà con là về phần kinh phí đã sẵn sàng. Đến hôm nay, gói 10.000 tỷ đồng đã có trong các ngân hàng; Quốc hội cũng đã có Nghị quyết hỗ trợ 16.000 tỷ đồng và Chính phủ đã quyết đủ tiền thực hiện ngay chương trình. Hiện đang chờ ban hành nghị định nữa là bà con có thể vay.
ĐÓNG TÀU PHẢI ĐÚNG NGHỀ
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Cao Đức Phát có cuộc làm việc UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân. Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Quảng Ngãi thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp phải phối hợp chặt chẽ, lựa chọn một số đề án trọng tâm, thực hiện đồng bộ nhằm tạo ra sự chuyển biến trên thực tiễn.
Nói về cơ cấu nghề đánh bắt, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, Quảng Ngãi phải có định hướng nghề. Phải nghiên cứu nghề nào không đóng mới, nghề nào nên đóng mới. Trên cơ sở đó tiếp nhận đăng ký xét duyệt để đảm bảo tính hiệu quả. Đặc biệt phải làm tốt công tác tổ chức, ra biển phải có tổ đội, có liên kết.
“Lâu nay chúng ta có liên kết nhưng chưa thành công, đấy là thiếu tổ chức dịch vụ. Trong tổ chức liên kết thì chú ý liên kết giữa các tổ đội với các DN có đầu ra, bởi hiện nay khó nhất của ngư dân là đầu ra. Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu về thị trường, những yêu cầu của thị trường để phổ biến cho ngư dân nắm bắt”, Bộ trưởng cho biết.