| Hotline: 0983.970.780

Họp báo Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023

Thứ Sáu 01/12/2023 , 08:45 (GMT+7)

Sáng 1/12, tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, đồng chủ trì họp báo Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.

 

Buổi họp báo do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.

Tham dự họp báo còn có đại diện các đơn vị liên quan của Bộ NN-PTNT, các đơn vị trực thuộc tỉnh Hậu Giang, các Bộ, ban ngành Trung ương tại TP.HCM, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM và gần 70 cơ quan báo, đài, tạp chí trong nước tới dự và đưa tin.

Ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Rất đông các phóng viên báo, đài, tạp chí trong nước tới dự và đưa tin sự kiện.

Rất đông các phóng viên báo, đài, tạp chí trong nước tới dự và đưa tin sự kiện.

Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao, nâng cao chuỗi giá trị, lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng, đảm bảo an ninh an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ NN-PTNT, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang giới thiệu, cung cấp các thông tin, mục tiêu, mục đích, ý nghĩa của chuỗi hoạt động và sự kiện diễn ra trong Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, diễn ra từ trong 4 ngày, từ ngày 11-14/12, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với nhiều hoạt động, hội thảo, hội nghị, triển lãm... Lễ khai mạc diễn ra lúc 20 giờ, ngày 12/12 tại Quảng trường Hòa Bình, phường 5, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang và dự kiến có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

 

Một hoạt động đáng chú ý dịp Festival, đó là triển lãm “Con đường lúa gạo Việt Nam” từ 11/12/2023 - 3/1/2024 tại Bờ kè kênh xáng Xà No, với những mô hình thể hiện quá trình phát triển nghề trồng lúa Việt Nam từ khi làm nông nghiệp: sơ khai, nông nghiệp kinh tế tiểu nông, nông nghiệp thời công nghiệp hóa, nông nghiệp hiện đại 4.0, tái hiện quá trình “trên bến dưới thuyền” của người dân Nam bộ. Cuối con đường là bản đồ lúa gạo được làm từ gạo đặc sản của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, với kích thước chiều ngang 3m, cao 9m.

Trong khuôn khổ Festival, sẽ phát hành ấn phẩm Truyền thông “Việt Nam - Con đường lúa gạo mới” nhằm giới thiệu, quảng bá thành tựu của ngành lúa gạo Việt Nam; Hành trình Festival lúa gạo Việt Nam đưa hạt gạo Việt Nam vươn tầm quốc tế. Ấn phẩm truyền tải thông điệp ý nghĩa về vai trò của ngành nông nghiệp nói chung, ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và quốc tế.

Ngoài ra, còn có Hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam - châu Phi, Hợp tác Nam - Nam, hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực; Hội nghị phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững; Hội thảo tình hình lúa gạo toàn cầu và xu hướng trong thời gian tới; Hội thảo khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành lúa gạo.

Tất cảTổng thuật

11 giờ 00 phút

thu truong ket luan

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung phát biểu kết thúc buổi họp báo.

Kết thúc buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho rằng, qua một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, hiệu quả với sự tham gia đông đảo của các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương, nhiều thông tin liên quan sự kiện đã được cung cấp đầy đủ; các cơ quan báo chí cũng đã quan tâm và đặt ra nhiều câu hỏi thể hiện sự kiện Festival lúa gạo lần này vô cùng ý nghĩa và khẳng định vai trò của ngành lúa gạo Việt Nam, không những ở trong nước, trong khu vực mà còn trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung mong rằng, sau cuộc họp báo, toàn bộ phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí cùng chung tay đồng hành với Bộ NN-PTNT cũng như UBND tỉnh Hậu Giang để tiếp tục truyền thông đầy đủ các cái hoạt động, các sự kiện của Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.

Trong đó, bên cạnh các hoạt động diễn ra tại sự kiện, các cơ quan thông tấn báo chí tập trung tuyên truyền hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt là đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được chính phủ quan tâm, thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Việt Nam với quốc tế.

"Sau Festival lúa gạo, chúng ta sẽ phải bắt tay ngay vào việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Chúng tôi sẽ giao Cục Trồng trọt phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức một buổi họp báo để làm rõ hơn về kế hoạch, về định hướng và các lộ trình để thực hiện một cách hiệu quả nhất", Thứ trưởng Hoàng Trung nói.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí nắm bắt được toàn bộ tổng thể các thông tin của sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế này, để góp phần tổ chức thành công Festival quốc tế lần đầu tiên đối với ngành lúa gạo Việt Nam.

10 giờ 35 phút

z4932115303659_c44d78603ee9c65c03565ef706432e41

Các phóng viên của gần 70 cơ quan báo, đài, tạp chí trong nước tới dự và đưa tin sự kiện.

Liên quan đến thông tin tác nghiệp của báo chí tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, địa phương cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho cơ quan báo chí tác nghiệp trong khuôn khổ Festival tại tỉnh Hậu Giang.

Về vấn đề này, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch cho biết thêm, trong điều kiện tốt nhất có thể, tỉnh Hậu Giang sẽ bố trí chỗ ăn ở để báo chí thuận tiện tác nghiệp sự kiện. Ngoài ra, ngay tại trung tâm hội nghị tỉnh, tỉnh Hậu Giang đã bố trí 2 phòng tác nghiệp tại Festival cho các cơ quan báo đài.

Ông Thạch cho biết thêm, Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ cùng Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang hằng ngày cung cấp các thông tin báo chí xung quanh sự kiện. Trong không gian của Festival có những cuộc tiếp xúc, gặp riêng của lãnh đạo quốc gia và các nước, sẽ do Vụ hợp tác quốc tế, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang và Báo Nông nghiệp Việt Nam bố trí phần dịch kỹ lưỡng, cung cấp thông tin tới cơ quan báo chí.

Ngoài ra, Ban tổ chức còn xây dựng một bộ phim về lịch sử hình thành của ngành lúa gạo Việt Nam, cũng như có những câu chuyện về lúa gạo trong tương lai.

10 giờ 30 phút

WB cho vay 350-400 triệu USD thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

z4931825862306_b3a704f76a5c23e6d3b29f1459c52053

Nhà báo Thi Hà, VnExpress đặt câu hỏi: “Xin Bộ NN-PTNT chia sẻ rõ hơn về chiến lược, quy mô giải pháp cụ thể phát triển bền vững của Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, ngày 27/11, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án ”Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Bộ NN-PTNT được giao nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai, phối hợp với các địa phương, các Hiệp hội triển khai thực hiện hiệu quả, thành công Đề án.

Mục tiêu của đề án là hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Đề án được triển khai tại 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với diện tích khoảng 1 triệu ha là An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long; thực hiện trong hai giai đoạn.

Cũng theo ông Cường, chưa có dự án, đề án nào có được sự huy động từ nhiều nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các quỹ tài chính carbon, các quỹ hỗ trợ trên thế giới như vậy.

“Như Thứ trưởng Hoàng Trung nói, Ngân hàng Thế giới (WB) đã có cam kết và tới đây sẽ ký cam kết đồng hành, hỗ trợ Việt Nam cơ sở hạ tầng, thị trường tín chỉ carbon… để thực hiện Đề án. Tôi tin tưởng rằng, với sự nhận thức đúng đắn, đồng lòng của người nông dân, nhà sản xuất, doanh nghiệp cũng như sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của các nhà báo, thì tới đây sẽ thực hiện được thành công Đề án 1 triệu ha lúa”, lãnh đạo Cục trồng trọt tự tin cho biết.

Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết thêm, hiện nay Bộ đã đàm phán cơ bản xong, Ngân hàng Thế giới cho vay khoảng 350-400 triệu USD, còn từ nguồn ngân sách là 100 triệu USD để thực hiện Đề án này.

10 giờ 25 phút

Ý nghĩa slogan 'Gạo xanh - Sống lành'

Ảnh: Tùng Đinh.

Tại buổi họp báo, nhà báo Ngọc Ánh, Báo Người lao động đặt câu hỏi: “Slogan của Festival lúa gạo là “Gạo xanh - Sống lành”, trong bối cảnh hiện nay, gạo đang cần về sản lượng. Vậy nó có mâu thuẫn hay không khi “Gạo xanh - sống lành” thiên về chất. Sản lượng và số lượng có mâu thuẫn hay không, chiến lược của Bộ có thay đổi gì không?”.

Giải thích về ý nghĩa của slogan “Gạo xanh - Sống lành” của Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, sản xuất xanh, sống sạch, sống xanh… là xu hướng, biểu tượng, định hướng chung của thế giới. “Sống lành” mang yếu tố thuần Việt, sản phẩm nông sản đảm bảo ATTP, đảm bảo quy trình xanh, phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính… đúng yêu cầu của thị trường quốc tế.

“Gạo xanh - Sống lành” là sự kết hợp hài hòa giữa bản sắc dân tộc và quốc tế, phù hợp với định hướng chiến lược của ngành trồng trọt nói chung cũng như ngành lúa gạo.

Hiện nay, ngành lúa gạo đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, tự hào. Chúng ta có một bộ giống lúa cực kỳ tốt, năng suất cao, chất lượng tốt, ngắn ngày, có điều kiện bố trí thời vụ, né tránh điều kiện thời tiết khí hậu, sâu bệnh; có quy trình canh tác giảm vật tư đầu vào thích ứng biến đổi khí hậu. Xanh hoàn toàn không có mâu thuẫn. Chúng ta không sản xuất hữu cơ một cách tràn lan, mà chỉ sản xuất ở những vùng có lợi thế, điều kiện, có đầu ra, đem lại hiệu quả sản xuất cao hơn. Còn trên phạm vi chung vẫn phát triển sản xuất xanh, thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm 2023, hàng năm giảm trên dưới 100 ngàn ha từ chuyển dịch mục đích trồng lúa sang chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, sang mục đích dịch vụ kinh tế xã hội, nhưng sản lượng vẫn đảm bảo. Năm 2023, vẫn đảm bảo trên 43 triệu tấn thóc. Chúng ta đã bắt đầu chuyển đổi thực hiện sản xuất xanh, tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa, sử dụng một cách hài hòa, hiệu quả các khâu đầu vào đầu ra của sản xuất trồng lúa để đem lại hiệu quả cao nhất, chứ không phải sản xuất sinh thái giảm năng suất, sản lượng.

“Chúng ta vẫn đảm bảo năng suất sản lượng, nhưng giảm chi phí, tăng thu nhập của người dân”, ông Cường nói.

10 giờ 20 phút

Gạo Việt Nam phát triển theo định hướng thị trường

Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tổ chức sản xuất liên kết giữa nông dân – HTX, HTX - doanh nghiệp đảm bảo quy trình kỹ thuật, áp dụng khoa học kỹ thuật tốt hơn, thuận tiện hơn và có sự hỗ trợ của doanh nghiệp (Ảnh minh họa).

Tại buổi họp báo, phóng viên trang tin điện tử Bizlive hỏi: Hiện nay, vấn đề an ninh lương thực toàn cầu rất căng thẳng đối với tình hình lúa gạo. Trong khi các nước thường nhập khẩu gạo trung bình 5% tấm thì Việt Nam lại giảm sản xuất loại gạo này. Vậy vai trò của Việt Nam đối với việc cam kết an ninh lương thực với quốc tế như thế nào? Hiện nay, Bộ NN-PTNT thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, tuy nhiên khi doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo, Bộ Công thương yêu cầu phải có hợp đồng liên kết. Trong khi đó, theo thông tin của phóng viên, hợp đồng liên kết này đưa giá thành hạt gạo lên cao? Doanh nghiệp rất băn khoăn về điều kiện này, Bộ NN-PTNT có ý kiến gì?

Trả lời các thắc mắc của phóng viên, Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, vừa qua có hiện tượng khi giá gạo Việt Nam tăng rất nhanh trong thời gian ngắn, nhiều người mua, nhiều doanh nghiệp gặp khó đảm bảo các hợp đồng đã ký từ trước. “Không có chuyện liên kết làm gia tăng chi phí sản xuất. Tất cả doanh nghiệp tôi đã từng tiếp xúc đều khẳng định tổ chức sản xuất liên kết giữa nông dân – HTX, HTX - doanh nghiệp đảm bảo quy trình kỹ thuật, áp dụng khoa học kỹ thuật tốt hơn, thuận tiện hơn và có sự hỗ trợ của doanh nghiệp”, ông Cường khẳng định.

Cũng theo ông Cường, trong 1 triệu ha, không yêu cầu phải có hợp đồng xuất khẩu, mà ở đây là hợp đồng liên kết, bảo đảm sự bao tiêu của các doanh nghiệp khi tham gia đề án. “Doanh nghiệp là động lực thúc đẩy, là trung tâm để thực hiện Đề án cũng như phát triển chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam”, ông Cường nói và cho biết thêm, Bộ NN-PTNT sẽ có những cơ chế chính sách, khuyến khích thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị lúa gạo, trong đó có Đề án 1 triệu ha lúa gạo.

Cũng theo Cục trưởng Cục trồng trọt, hiện nay, gạo Việt Nam phát triển theo định hướng thị trường. Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) có nhiệm vụ định hướng về mặt cơ cấu thời vụ sản xuất, bố trí cơ cấu thời vụ, bố trí cơ cấu giống để đảm bảo lượng gạo tốt nhất, phù hợp nhất với yêu cầu của thị trường.

“Chưa bao giờ Việt Nam khan hiếm gạo 5% tấm khi có nhu cầu xuất khẩu. Khi có nhu cầu của thị trường, Cục trồng trọt sẽ phối hợp với các địa phương để điều chỉnh ngay”, ông Cường khẳng định.

10 giờ 10 phút

z4932117574648_3182b5d0d4712cebe529079ad3b1a732

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, kỳ vọng thông qua Festival sẽ nhận được nhiều sáng kiến của các nhà khoa học giúp ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, cây lúa là môt trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Hiện Hậu Giang có diện tích khoảng 71.000ha với sản lượng trên 1 triệu tấn/năm.

Năm 2009, Hậu Giang tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần 1. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của tỉnh, nhìn chung, sự kiện đã thành công ngoài mong đợi. "Đây là nền tảng cũng như kinh nghiệm để hôm nay chúng tôi vinh dự lần đầu tiên tổ chức Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo 2023", lãnh đạo tỉnh Hậu Giang bày tỏ.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết thêm, năm nay, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh, Hậu Giang muốn tổ chức Festival này để thấy được thành tựu phát triển của ngành lúa gạo ĐBSCL, đặc biệt là ngành lúa gạo của tỉnh. Do mang tầm quốc tế, tỉnh xác định sự kiện sẽ được tổ chức trên tinh thần đột phá, đổi mới, với mục tiêu chính là tôn vinh giá trị hạt gạo Việt Nam, qua đó làm người xem cảm thấy hào hứng và nhận thấy giá trị tốt đẹp của hạt gạo do người nông dân Việt Nam đem lại.

Điểm nhấn sự kiện, ngoài chương trình khai mạc và bế mạc, trong khuôn khổ Festival có chương trình trình diễn, trưng bày các trang thiết bị hiện đại phục vụ ngành lúa gạo, đây sẽ là cơ hội để người sản xuất, doanh nghiệp ngành lúa gạo nắm bắt thay đổi công nghệ, nâng cao sản xuất. Đặc biệt, trong sự kiện sẽ có hàng loạt các buổi hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học cả trong nước và quốc tế. "Hậu Giang kỳ vọng thông qua Festival sẽ nhận được nhiều sáng kiến của các nhà khoa học giúp ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững", ông Đồng Văn Thanh nói.

Liên quan chiến lược phát triển du lịch nhân sự kiện này, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thông tin, tỉnh vừa ban hành Quyết định số 1939/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Hậu Giang sẽ đầu tư 32 tỷ 610 triệu đồng để trở thành điểm đến mới về du lịch cộng đồng trong khu vực ĐBSCL. Hậu Giang sẽ tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm du lịch để phục vụ du khách; tổ chức khảo sát và kết nối du lịch giữa Cần Thơ và Hậu Giang trên tuyến kênh xáng Xà No, đề xuất đưa Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng vào danh mục các điểm tiềm năng phát triển trở thành khu du lịch quốc gia; xây dựng các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch; từng bước đầu tư hạ tầng phát triển du lịch... "Sự kiện lần này là cơ hội xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh, con người Hậu Giang ra thế giới", lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang cho biết.

9 giờ 50 phút

Đề xuất tôn vinh các doanh nghiệp tham gia cuộc thi The Rice Trader 2023

Nguyễn Như Cương

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), giải đáp thắc mắc xung quanh cuộc thi The Rice Trader 2023.

Liên quan đến câu hỏi xung quanh cuộc thi The Rice Trader 2023, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết thêm, theo điều lệ của Cuộc thi thì từ năm 2022 đến nay, họ không trao giải cụ thể cho một giống nào cụ thể, mà trao giải cho gạo quốc gia. Như năm 2022, gạo Campuchia đoạt giải Nhất; năm 2023, gạo Ấn Độ, Việt Nam và Campuchia nằm trong top 3, trong đó, gạo Việt Nam được trao giải thưởng Gạo ngon nhất.

“Điều này có nghĩa là Ban tổ chức trao giải thưởng cho gạo Việt Nam, chứ không trao giải thưởng cho một giống gạo cụ thể nào của một doanh nghiệp nào đó. Đây là niềm tự hào, trân trọng, đáng được tôn vinh”, ông Nguyễn Như Cường thông tin và cho biết thêm, Cục sẽ đề xuất Bộ NN-PTNT có phần thưởng tôn vinh cho các doanh nghiệp đã tham gia cuộc thi, do đã góp phần giúp Việt Nam đoạt giải gạo ngon nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh Lúa gạo quốc tế năm 2023 diễn ra tại Cebu, Philippines mới đây.

“Đây là giải quốc gia, giải chung cho Việt Nam, chứ không phải cho riêng một doanh nghiệp cụ thể nào”, Cục trưởng Cục trồng trọt nhấn mạnh. Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, trước khi đăng thông tin, báo chí cần xác minh cẩn thận để cung cấp thông tin đến người dân.

9 giờ 35 phút

Ông Tuấn

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT).

Trả lời về nội dung quy mô khách quốc tế và các ký kết quan trọng trong sự kiện Festival lần này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam 2023 hút 200 khách quốc tế đến từ hơn 39 quốc gia, vùng lãnh thổ. Có thể kể đến các nước nhập khẩu lúa gạo lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, sự kiện còn thu hút các quốc gia đến từ Trung Đông, Nam Mỹ cùng đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank), một loạt viện phát triển nông nghiệp thế giới. Hiện ban tổ chức đã nhận được sự xác nhận cấp bộ của 8 quốc gia, 7 đại sứ quán...

Về ký kết hợp tác, đây là vấn đề quan trọng của Festival. Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cho biết, sẽ có ký kết giữa World Bank với Chính phủ Việt Nam về những cam kết hỗ trợ thực hiện “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Ngoài ra, sự kiện còn có hàng loạt cuộc ký kết giữa cấp Bộ về vấn đề giống, các ký kết song phương với các nhà nhập khẩu.

Song song đó, về phía trong nước, sự kiện lần này có hàng loạt cam kết của các tập đoàn, hiệp hội, ngành hàng cam kết cùng với Bộ NN-PTNT thực hiện thành công dự án.

9 giờ 25 phút

ong dong van thanh

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà báo tác nghiệp tại tất cả các sự kiện xung quanh Festival.

Với vai trò là chủ nhà Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh bày tỏ sự vui mừng, tự hào khi được Thủ tướng Chính phủ chọn làm địa phương tổ chức sự kiện này.

Theo ông Thanh, tỉnh Hậu Giang mặc dù là tỉnh nhỏ, nhưng cũng là trung tâm vùng ĐBSCL, đa dạng sinh thái, diện tích trồng lúa chiếm hơn 50% của tổng diện tích tự nhiên, hộ nông nghiệp chiếm hơn 70%... Đặc biệt, tỉnh Hậu Giang có kênh xáng Xà No.

“Vừa qua, tỉnh Hậu Giang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ NN-PTNT để làm tốt các khâu chuẩn bị và đến thời điểm hiện nay tất cả các khâu chuẩn bị đều đảm bảo kế hoạch đề ra. Buổi họp báo hôm nay cũng là một trong những hoạt động quan trọng của Festival, đặc biệt khi nhận được sự tham gia đầy đủ của các anh chị nhà báo, thể hiện trách nhiệm của các cơ quan báo chí đối với ngành hàng lúa gạo Việt Nam, cũng như đối với người nông dân”, ông Thanh nói và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà báo tác nghiệp tại tất cả các sự kiện xung quanh Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.

Cũng theo ông Thanh, hiện đã có 200 khách quốc tế, thuộc 39 quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký tham dự sự kiện này. Có khoảng 14 cơ quan báo chí nước ngoài đăng ký tham dự, kỳ vọng có sự lan tỏa về ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến với người dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế. Qua đó, tôn vinh ngành hàng lúa gạo Việt Nam, có trách nhiệm hơn đối với người nông dân canh tác trực tiếp, để tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng nhất.

9 giờ 15 phút

Thay đổi căn cơ chuỗi giá trị lúa gạo

ong nguyen nhu cuong

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Như Cường (ảnh), Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin, ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" (gọi tắt là đề án).

Đây là một sự kiện quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với ngành lúa gạo, nông dân trồng lúa cả nước nói chung, sản xuất lúa gạo, nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL nói riêng.

Đề án này là một thí điểm đầu tiên ở ĐBSCL, cũng như ở khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất lúa. Đề án sẽ có một số những chính sách thí điểm như về thị trường carbon, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo.

Với sự thống nhất về nhận thức, hành động và chung tay của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, sự cống hiến của các nhà khoa học nông nghiệp, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đặc biệt là sự lao động của hàng triệu người nông dân, Đề án sẽ làm thay đổi căn cơ chuỗi giá trị lúa gạo vùng ĐBSCL nói riêng và chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam nói chung.

Có lẽ chưa có đề án nào trình Thủ tướng Chính phủ mà thời gian bắt đầu xây dựng đến khi ban hành vỏn vẹn trong 6 tháng và nhận được sự quan tâm của mọi tầng lớp xã hội, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tài chính quốc tế, triển lãm quốc tế và truyền thông quan tâm như vậy.

ĐBSCL là vùng sản xuất lúa trọng điểm, có những đóng góp to lớn với ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Tại đây, lúa gạo không chỉ cung cấp, đảm bảo an ninh lương thực nội địa mà còn cung cấp khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu hằng năm của nước ta, thu về cho đất nước hàng tỷ USD mỗi năm.

9 giờ 5 phút

Làm nổi bật giá trị của ngành hàng gạo Việt, thương hiệu hạt gạo Việt

ong ngo the hien

Ông Ngô Thế Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để tổ chức sự kiện “Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023”.

Phát biểu tại họp báo, ông Ngô Thế Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) khẳng định, ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng lúa gạo Việt Nam nói riêng đã tạo dựng hình ảnh, dấu ấn rõ nét và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Việt Nam, từ một đất nước khó khăn, đến nay đã đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với lượng gạo xuất khẩu hằng năm khoảng 6 triệu tấn. Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng lương thực, thực phẩm toàn cầu như hiện nay, vị thế và vai trò ngành càng trở nên quan trọng và ý nghĩa với an ninh lương thực toàn cầu.

Trong 11 tháng của năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt con số kỷ lục với giá trị là 4,4 tỷ USD, tăng 36,3%; về lượng đạt 7,75 triệu tấn. Đây là thời điểm phù hợp để tổ chức sự kiện “Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023” nhằm giới thiệu thành tựu của ngành hàng lúa gạo, sự đóng góp của nông dân, nhà khoa học, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, vai trò quản lý của Trung ương và địa phương, từ đó, truyền thông về những cam kết của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam với thế giới: “Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm tham gia Hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu minh bạch, trách nhiệm, bền vững”.

Thông qua đó, vận động sự ủng hộ để Việt Nam trở thành “Trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm” của khu vực. Ngoài ra, Festival được tổ chức nhân sự kiện tái lập tỉnh Hậu Giang, giới thiệu thành tựu 20 năm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang, đồng thời đưa ra một tầm nhìn về liên kết giữa tỉnh Hậu Giang trong tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng bằng sông Cửu Long, cùng sự chuyển đổi từ tư duy “sản xuất lúa gạo sang tư duy kinh tế ngành hàng lúa gạo".

Festival đảm bảo sự độc đáo, chuyên nghiệp, hiệu quả, nổi bật giá trị của ngành hàng gạo Việt, thương hiệu hạt gạo Việt với “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt"; hình ảnh văn hóa, con người miền sông nước Nam Bộ nói riêng và đất nước con người Việt Nam, gần với nền văn minh lúa nước nói chung.

9 giờ 00 phút

Khẳng định vai trò, định vị ngành hàng lúa gạo Việt Nam

Nhập chú thích ảnh

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho biết, Festival này là một sự kiện ý nghĩa, quan trọng, khẳng định vai trò, định vị ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong nước cũng như khu vực quốc tế.

Phát biểu khai mạc buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho biết, ngày 10/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có thông báo giao Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang và các Bộ ngành đơn vị tổ chức Festival lúa gạo Quốc tế năm 2023 tại Hậu Giang.

“Festival này là một sự kiện ý nghĩa, quan trọng, khẳng định vai trò, định vị ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong nước cũng như khu vực quốc tế. Sự kiện được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và người dân trồng lúa, cơ quan chỉ đạo trong việc sản xuất ngành hàng lúa gạo quốc gia”, Thứ trưởng Hoàng Trung nói.

Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 chính thức được tổ chức tại Hậu Giang vào ngày 11-14/12 tại tỉnh Hậu Giang với hàng loạt các hoạt động, sự kiện trình diễn, hội thảo quốc tế, gian hàng triển lãm và các hoạt động bên lề khác.

“Đây là hoạt động thiết thực, và cũng là cơ hội để người dân, doanh nghiệp trong nước tiếp cận với những thành tựu trong suốt thời gian vừa qua chúng ta đạt được và được thế giới công nhận, góp phần vào trong sự nghiệp phát triển kinh tế Việt Nam”, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT mong muốn, buổi họp báo nhận được sự trao đổi của các nhà báo, để làm sao có được thông tin chuẩn xác, góp phần truyền bá thông tin, sự kiện, hoạt động liên quan đến Festival lúa gạo đến với người dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế nhằm truyền tải thông tin ngành hàng lúa gạo Việt Nam đang phát triển, đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với thế giới.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Nguyên nhân vụ cháy nhà trọ làm 2 người chết

TP.HCM Ngôi nhà 4 tầng, rộng khoảng 60m2, được ngăn thành hơn chục phòng nhỏ cho thuê, tầng trệt để xe máy, thời điểm xảy ra cháy, khu trọ đang có 23 người ở các phòng.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.