Công viên Logistics Viettel có diện tích 143,7ha, với tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, có khả năng xử lý 1.500 xe thông quan mỗi ngày (gấp 2 lần so với hiện tại).
Với cơ sở hạ tầng đồng bộ, đây là trung tâm logistics đầu tiên tại Việt Nam cung cấp chuỗi dịch vụ logistics xuất nhập khẩu toàn trình từ thông quan, kiểm dịch, kiểm hóa, sang tải, lưu kho đến vận tải xuyên biên giới.
Hệ thống dữ liệu tại công viên cũng sẽ được chuẩn hoá và kết nối trực tiếp với dữ liệu hải quan Việt Nam và Trung Quốc, đảm bảo tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thời gian xử lý thông quan từ 4-5 ngày xuống dưới 24 giờ, giảm chi phí thông quan 30-40%, tăng hiệu quả xe container lạnh vận tải trái cây từ 2,5 chuyến/tháng lên 4-5 chuyến/tháng.
Công viên Logistics Viettel được xây dựng theo các tiêu chuẩn cao nhất về công nghệ (như IoT, 5G, AI, Big Data và Digital Twins - bản sao số) và tự động hóa (như Smart Locker - khoá thông minh, máy bay không người lái drone, xe tự hành).
Các công nghệ và giải pháp tự động hóa này được ứng dụng để tối ưu hoá các quy trình vận hành, từ quản lý kho bãi, đến vận chuyển hàng hóa và thông quan sẽ tối ưu hóa quy trình giao nhận, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 40% chi phí logistics.
Công viên Logistics Viettel được thiết kế theo tiêu chuẩn LEED của Hoa Kỳ (Leadership in Energy & Environmental Design - Tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh), tuân thủ các nguyên tắc vận hành bền vững và hiện đại. Với hơn 3.300 cây xanh, hệ thống năng lượng tái tạo và mô hình kinh tế tuần hoàn, công viên không chỉ vận hành hiệu quả mà còn góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng một hệ sinh thái logistics xanh và thân thiện.
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm trong chiến lược xây dựng hạ tầng logistics quốc gia của Tập đoàn Viettel, có vị trí thuận lợi trong việc kết nối hàng hóa xuyên biên giới; tích hợp công nghệ toàn diện, tối ưu thời gian chi phí; áp dụng giải pháp logistics xanh, sáng tạo công nghệ.
Thời gian tới, Viettel sẽ hoàn thiện mạng lưới các trung tâm logistics trên toàn quốc, phục vụ các khu vực kinh tế trọng điểm với 5 định hướng: Cửa khẩu thông minh; Trung tâm logistics nông sản; Trung tâm logistics trong khu công nghiệp; Hạ tầng chuỗi cung ứng; Mạng lưới vận tải đa phương thức; Tạo ra hệ sinh thái logistics thông minh, tự động hóa, kết nối đa phương thức, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến hàng không, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm logistics quan trọng của khu vực, thực hiện đúng tinh thần nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh về vai trò của hạ tầng logistics trong việc kết nối và nâng cao hiệu quả nền kinh tế.