Trước đó vào ngày 8/2, UBND tỉnh Gia Lai đã ra Quyết định số 77/QĐ-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, đề án xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, bảo vệ môi trường bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị. Xây dựng đô thị thông minh sẽ làm cho TP. Pleiku trở thành thành phố an toàn, môi trường quản lý tốt và các dịch vụ du lịch được hoàn thiện.
Phát biểu tại buổi khai trương, ông Nguyễn Hữu Quế, Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho biết, IOC được ví như “bộ não số” với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra cái nhìn tổng thể toàn cảnh trên mọi lĩnh vực.
Trong đó, chức năng trọng tâm của IOC sẽ giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội, giám sát hiệu quả hoạt động chính quyền, quản lý và sử dụng đất đai; điều hành an ninh trật tự cộng đồng; an toàn giao thông; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân; giám sát chất lượng môi trường; giám sát, điều hành lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch và giám sát thông tin trên internet…
Được biết, IOC TP. Pleiku do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel thiết kế, xây dựng, tích hợp và phối hợp với UBND TP. Pleiku để triển khai thực hiện. Cơ sở vật chất của IOC được đầu tư đồng bộ với 12 màn hình 46 inch, hệ thống thiết bị điều khiển, 4 máy tính chuyên dụng để vận hành khai thác dữ liệu, 2 camera tầm cao...
Trước đây, người dân TP. Pleiku muốn phản ánh bất cứ vấn đề gì đều phải làm đơn gửi lên cấp có thẩm quyền. Quy trình này không những mất nhiều thời gian, chi phí đi lại mà còn tạo cho người dân tâm lý e ngại khi đến cơ quan công quyền. Tuy nhiên, việc trung tâm IOC đi vào hoạt động, đặc biệt là thông qua app Pleiku smart, tất cả phản ánh của người dân về các lĩnh vực được thực hiện rất dễ dàng, nhanh chóng chỉ bằng một thao tác đơn giản thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính kèm theo hình ảnh, video hiện trường. Những phản ánh này được trung tâm tiếp nhận và gửi ngay tới lãnh đạo nơi có sự việc đang diễn ra. Quá trình tiếp nhận, xử lý và kết quả được đăng tải liền sau đó để người dân có thể giám sát, phản hồi.