Năm 2018, khi đăng quang AFF Cup, bộ khung của đội tuyển Việt Nam gần như dựa hoàn toàn vào Hà Nội. Cụ thể, Quang Hải, Hùng Dũng chơi tiền vệ, Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Hậu án ngữ trước khung thành. Chưa kể, những phương án dự phòng chất lượng đến từ Đức Huy hay Văn Quyết.
AFF Cup năm nay, thế sự xoay vần. Bộ khung chính được xoay trục về HAGL. Công Phượng được ưu tiên trên hàng công. Hồng Duy và Văn Thanh gần như được mặc định suất đá chính hai biên. Chưa kể, Tuấn Anh, thậm chí là Xuân Trường, Minh Vương, Văn Toàn đều được ông Park ưu ái sử dụng.
Sự dịch chuyển ấy không đến một cách ngẫu nhiên. Ba năm trước, Hà Nội trên đỉnh cao của bóng đá nội, thậm chí lọt vào tới bán kết AFC Cup. Những cầu thủ của họ được rèn giũa từ thế hệ dự U20 World Cup đến U23 châu Á, trước khi đóng đinh trên đội tuyển.
Còn hiện tại, vì nhiều lý do khác nhau, Hà Nội sa sút. Ngược lại, HAGL thăng hoa dưới bàn tay nhào nặn của Kiatisuk. Trong màu áo CLB, những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh như được hồi sinh, giúp đội bóng phố Núi ngự trên ngôi số một V-League. Chính bởi điều ấy đã tạo ra cảm giác, rằng họ xứng đáng được suất đá chính.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thực tế rằng cán cân sức mạnh giữa Hà Nội và HAGL chủ yếu đến từ chiến thuật của "Zico Thái". Ông liên tục thử nghiệm, kể cả việc kéo Công Phượng xuống đá tiền vệ công, hay có lúc đẩy Văn Toàn ra cánh. Những điều chỉnh ấy tạo ra hứng khởi cho cầu thủ, cũng khiến các đội V-League bất ngờ.
Tuy nhiên, khi trở lại đội tuyển, những nhân sự trong tay ông Park không tương đồng với HAGL. Nhà cầm quân người Hàn Quốc không tìm đâu ra một tiền đạo cắm đáng tin, chứ chưa nói đến việc cáng đáng nhiệm vụ ghi bàn thay Công Phượng. Tương tự, Văn Thanh, Hồng Duy chơi một màu, thiếu những pha đưa bóng xuống đáy biên để kéo giãn hàng thủ đối phương. Họ mải miết xâm nhập, như khi đá V-League, mà quên rằng phải đối mặt với những hậu vệ to cao hơn một cái đầu.
Theo lẽo thường, đội bóng nào thống trị giải VĐQG sẽ có quân số áp đảo nơi đội tuyển. Việt Nam chẳng phải ngoại lệ, nhưng những cái tên HAGL ở trên tuyển hầu như không có sự nâng cấp nào về chuyên môn so với chính họ cách đây 3 năm. Họ thiếu độ ổn định cần thiết, như cái cách mà các cầu thủ Hà Nội đã làm năm 2018, để đưa đội bóng tới ngôi vương.
Có thể là ở đội tuyển Việt Nam lúc này, không ai tốt hơn các cầu thủ HAGL. Cũng có thể, chỉ những cầu thủ HAGL mới phát huy và truyền tải hết ý đồ chiến thuật của ông Park. Nhưng việc phải dùng đi dùng lại một đội hình, ngay cả ở trận đấu với đối thủ yếu Campuchia, khiến ý tưởng chơi bóng của đội tuyển bị xói mòn.
Việc tung Tuấn Anh vào sân rồi lại rút tiền vệ này ra trong hiệp hai trận bán kết lượt về với Thái Lan là minh chứng rõ nét cho điều ấy. Khi thiếu những thử nghiệm trong quá trình chuẩn bị, thì việc kỳ vọng bất ngờ vào thời khắc then chốt là điều xa xỉ.