
Ra mắt “Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm” tại xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt "Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2026-2030". Đề án do UBND tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Hà Tĩnh xây dựng.
Theo UBND tỉnh Nghệ An, Đề án được xây dựng nhằm bảo tồn di sản văn hóa tiêu biểu, mang bản sắc riêng của cộng đồng nhân dân xứ Nghệ. Năm 2014, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trở thành niềm tự hào của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Đề án còn nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết, những nguy cơ, thách thức trong thực tiễn bảo tồn, phát huy giá trị di sản hiện nay, đồng thời nhằm thực hiện đúng cam kết bảo tồn, phát huy giá trị di sản được UNESCO ghi danh.
Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2026 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu khu vực đồng bằng có 90%, khu vực miền núi có 30% đơn vị hành chính cấp xã/phường có thực hành dân ca ví, giặm thành lập câu lạc bộ. Phấn đấu thành lập thêm 2 - 3 câu lạc bộ dân ca ví, giặm ở các tỉnh khác và thành lập 1 - 2 câu lạc bộ dân ca ví, giặm ở nước ngoài.
Tỉnh Nghệ An cũng chú trọng rà soát, điều chỉnh bổ sung các cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh nói riêng để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới. Trong đó xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nghệ sĩ, nghệ nhân người đang nắm giữ và tổ chức thực hành trao truyền Ví, Giặm; hỗ trợ kinh phí hoạt động và đầu tư cơ sở vật chất cho các câu lạc bộ/đội văn nghệ dân ca Ví, Giặm tại cộng đồng…
Đặc biệt, tỉnh Nghệ An tiếp tục khai thác, phát huy hình thức sân khấu hóa dân ca ví, giặm như xây dựng và tổ chức các chương trình biểu diễn dân ca ví, giặm tại Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (TP Vinh) theo hình thức daily show - chương trình thường nhật (ít nhất 1 tuần/lần và tiến tới hằng ngày) để phục vụ khách du lịch và có bán vé, tạo doanh thu.
Cùng với đó, tỉnh đầu tư vào các hình thức thể hiện mới cho sân khấu nghệ thuật biểu diễn gắn với dân ca ví, giặm; xây dựng các hành trình kết nối di sản gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, tập trung xây dựng và phát triển tour du lịch "Về miền Ví, Giặm", kết nối các điểm đến du lịch tiêu biểu của tỉnh Nghệ An như biển Cửa Lò - Nhà hát truyền thống daily show - Nam Đàn…

Tiết mục hát múa “Hành hương về quê Bác” của các em học sinh trường tiểu học và THCS Quỳnh Long, Quỳnh Lưu (Nghệ An) trong chương trình hội thi hát dân ca trong trường học.
Tính đến tháng 9/2024, lĩnh vực dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh ở Nghệ An có 42 nghệ nhân dân gian được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng; 1 nghệ nhân Nhân dân, 48 nghệ nhân Ưu tú, 5 nghệ sĩ Nhân dân và 16 nghệ sĩ Ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 140 câu lạc bộ (chưa tính số câu lạc bộ của người dân Nghệ Tĩnh ở ngoài tỉnh), thu hút hơn 3.000 hội viên tham gia với đủ các lứa tuổi, nghề nghiệp. Hiện nay, dân ca Ví, Giặm đã có mặt ở 21 huyện, thành, thị của tỉnh.
Năm 2021, tỉnh có chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và nghệ sỹ đang làm việc tại Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An với mức hỗ trợ 5 triệu/CLB (CLB hoạt động thường xuyên và hiệu quả) và 30 triệu đồng/CLB (CLB thành lập mới), nghệ nhân Ưu tú được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, nghệ nhân Nhân dân 1,5 triệu đồng/tháng…
Đề án được phê duyệt và triển khai các dự án thành phần sẽ là một trong những ví dụ điển hình thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc triển khai chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO vinh danh. Đề án góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa quan điểm "văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực xây dựng và phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" theo tinh thần của Nghị quyết số 33-NQ/TW.