Sáng 17/5, thông tin với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Ngô Việt Đông - Trưởng phòng Kinh tế quận Đồ Sơn cho biết, gần 1 tháng trở lại đây, trên địa bàn quận xuất hiện 2 cá thể khỉ vàng hoang dã thường xuyên di chuyển qua các phường phá hoại cây cối, hoa màu, trộm đồ ăn.
Sau khi phát hiện, chính quyền địa phương đã báo lực lượng kiểm lâm và các cơ quan liên quan để tổ chức bắt giữ, thả về môi trường tự nhiên nhưng đến nay chưa thực hiện được do chúng rất tinh ranh, nhiều người dân đã bày tỏ lo ngại.
Trước thực tế này, để đảm bảo ổn định sinh hoạt và đời sống của nhân dân, UBND quận Đồ Sơn đã có văn bản gửi Chi cục Kiểm lâm thành phố Hải Phòng để phối hợp vây bắt và xử lý theo quy định. Dự kiến, sáng 18/5, các lực lượng chức năng và UBND phường Ngọc Xuyên sẽ tiến hành đánh thuốc mê để bắt do đã nắm bắt được quy luật đi lại, đặc điểm, tập tính của 1 trong 2 cá thể khỉ.
“Đàn khỉ không biết từ đâu ra, xuất hiện tại tổ dân phố 9, phường Ngọc Xuyên từ ngày 30/4 cho đến nay, con lớn cân nặng khoảng gần 10 kg, con còn lại cân nặng khoảng 5kg. Hai cá thể này thường xuyên bẻ các ngọn cây, vặt quả cũng như cướp đồ ăn ở các nhà dân, gây nguy hại đến tâm lý và sức khoẻ của người dân”, ông Đông thông tin.
Cùng thời điểm, PV tiếp tục ghi nhận tại khu dân cư Tây Sơn, phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An cũng xuất hiện 3 cá thể khỉ giống như tại Đồ Sơn với hành vi khá tương đồng.
Theo người dân địa phương, khu vực xuất hiện đàn khỉ hoang nằm dưới chân đồi Thiên Văn, đây là nơi có cây cối rậm rạp, chủ yếu là keo tai tượng. Chúng rất bạo dạn, thường leo trèo vào vườn nhà dân vặt hoa quả, thậm chí chui vào trong nhà lục lọi đồ đạc.
Theo tìm hiểu, khu vực đồi Thiên Văn có diện tích rừng trồng khá lớn nhưng từ trước đến nay chưa từng thấy khỉ xuất hiện. Sau khi nhận được thông tin, lực lượng kiểm lâm đã đến ghi nhận sự việc, tiếp tục theo dõi xác định chủng loại và nguồn gốc xuất hiện của đàn khỉ để có giải pháp bảo tồn.
Trước đó, cũng trên địa bàn thành phố Hải Phòng, ngày 7/5, ông Lương Văn Thế, người dân ở phường Tràng Cát, quận Hải An đã phát hiện tại khu vực đầm nuôi thủy sản của gia đình một cá thể cá thể vượn đen má hung và đã liên lạc thông báo với Ban quản lý Vườn quốc gia Cúc Phương để xử lý.
Đây là cá thể vượn nằm trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, được bảo vệ nghiêm ngặt theo công ước quốc tế. Ngay sau đó, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cúc Phương đã đến hiện trường để cứu hộ và đưa về chăm sóc.
Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng, sau khi nhận thông tin về sự xuất hiện những cá thể động vật hoang dã, đơn vị đều kịp thời cử cán bộ xuống hiện trường nắm tình hình và phối hợp với địa phương xử lý theo quy định của pháp luật. Về nguồn gốc, đến nay lực lượng chức năng vẫn chưa xác định được từ đâu nhưng rất có thể là do người dân nuôi trái phép thả ra hoặc bị sổng chuồng.